Lần nào đi qua đèo Cả, trong tâm trí tôi cũng ùa về những câu thơ gân guốc trong bài thơ Đèo Cả của nhà thơ Hữu Loan: “Đèo Cả! Đèo Cả!/Núi cao ngất/Mây trời Ai Lao/Sầu đại dương/Dặm về heo hút/Đá bia mù sương…”. Chàng vệ quốc quân tài hoa năm 1947 vào mặt trận đèo Cả ngăn quân Pháp đánh ra vùng tự do Phú Yên, trước cảnh hùng vỹ của núi rừng đã cảm khái viết nên những vần thơ bất tử. Mà ngẫm ra, vùng đất này xứng đáng có một bài thơ tạc vào đời như vậy!
Con đèo hiểm trở mang tên đèo Cả trên đường thiên lý Bắc Nam là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa. Chỉ cách nhau một con đèo mà hai vùng khí hậu khác nhau, phong tục tập quán, giọng nói cũng khác nhau… Nhiều khi bên này đang nắng, qua đèo trời đã mù mưa. Lạ thế!
Hiếm có địa danh nào đi vào lịch sử mở nước và giữ nước của dân tộc nhiều như ở nơi này. Nơi đây có núi Đá Bia, tương truyền thế kỷ XV Vua Lê Thánh Tông sau khi đánh Chiêm Thành đã sai quân lên khắc chữ, phân định cương vực Đại Việt kéo dài tới đây nên gọi là Thạch Bi sơn. Nơi đây chính sử còn ghi, năm Quý Tỵ (1653) vua Chiêm Thành là Bà Tấm xâm phạm biên cảnh, vượt qua đèo Cả quấy nhiễu đất Phú Yên. Chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần) sai Cai cơ Hùng Lộc hầu đi đánh, chiếm lấy vùng đất từ mũi Đá Bia đến sông Phan Rang, đặt dinh mới là Thái Khang. Đây chính là vùng đất Khánh Hòa mà tỉnh mới năm ngoái tổ chức kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển.
Nơi đây có Vũng Rô, gắn liền với sự kiện bi tráng của đường Hồ Chí Minh trên biển tháng 2-1965. Sự kiện Vũng Rô đã chấm dứt một giai đoạn hoàn toàn bí mật của con đường trên biển, mở ra một giai đoạn mới, gian nan hơn, ác liệt hơn, mặt đối mặt thi gan với kẻ thù trên mặt biển mênh mông để tạo nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.
Với tôi, đèo Cả gắn liền với bao kỷ niệm của những tháng năm tuổi trẻ. Có thể nào quên những năm tháng bao cấp thời còn chung một tỉnh Phú Khánh. Những chuyến đi công tác các huyện phía bắc vượt đèo Cả trên chiếc xe chạy bằng hơi than nhớ đời. Ngày ấy, xe ra tới Đại Lãnh, bác tài dừng xe cho khách giải lao trước khi vượt đèo. Anh lơ xe tranh thủ châm thêm than, đổ nước mui cho đầy. Rồi chiếc xe rền rĩ chầm chậm bò lên đèo, anh lơ xe ôm cục căn đu vào đuôi xe. Khi xe yếu quá đi giật cục, anh lơ nhảy xuống chèn bánh xe cho khỏi tuột dốc. Sau khi lấy lại hơi, xe lại bò lên, anh lơ cũng nhảy lên xe, chuẩn bị cho lần… nhảy xuống tiếp theo. Hành khách mặt mày phờ phạc, xe bò được qua đèo phải mất gần hai giờ là chuyện bình thường.
Sau này kinh tế khá hơn, lượng xe qua đèo Cả ngày càng tăng thì lại thêm mối lo khác, ấy là nạn tắc đường khi có sự cố giao thông. Nhớ trước Tết năm nào, tôi được tháp tùng sếp ra chúc Tết Phú Yên. Ngày giáp Tết nôn nao nên sếp từ chối bữa cơm chiều mà lãnh đạo bạn tha thiết mời để về sớm. Ai dè tới gần đỉnh đèo, thấy xe cộ nối đuôi nhau dồn một cục chật cứng. Hỏi ra mới biết trên kia có một xe container bị xệ xuống ven đường… Vậy là nằm đường cả đêm, mấy thầy trò đến gần trưa hôm sau mới về tới Nha Trang.
Rồi bao khó khăn khi qua đèo bỗng trở thành quá khứ. Năm 2017, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả chính thức đưa hầm đèo Cả vào khai thác. Khỏi phải nói cánh tài xế và người dân Khánh Hòa, Phú Yên mừng vui như thế nào. Tạm biệt 12km đường đèo quanh co hiểm trở, bây giờ chạy xe vun vút qua hầm hết chừng 10 phút. Câu nói ngày xưa “Anh về Bình Định thăm cha/Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em” giờ trở nên thật gần chứ đâu còn cách trở núi đèo như thuở ấy…
Chạy xe bon bon qua hầm, chợt nhói lên trong tâm trí một suy nghĩ: Mình có vội vã bươn chải gì đâu, sao không đi lại con đường đèo? Để tìm lại những kỷ niệm thời thanh xuân, để tìm lại nơi ông cha mình đánh giặc trong hào sảng mà Hữu Loan ghi lại: “Những người trấn Đèo Cả/Về bên suối đánh cờ/Người hái cam rừng ăn nheo mắt/Người vá áo thiếu kim mài sắt/Người đập mảnh chai vểnh cằm cạo râu/Suối mang bóng người soi những về đâu?”.
Hẹn đèo Cả chuyến sau!
THỦY NGÂN
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202412/tram-tu-deo-ca-60807e4/