Ngày 19-1, ông Lê Văn Hoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 152, ngày 17-1-2025, về xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 17, năm 2025) đối với 5 di tích. Trong đó, có di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Ponagar. Các di tích còn lại được xếp hạng đợt này gồm: Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội); di tích kiến trúc nghệ thuật đền Xám (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định); di tích lịch sử Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh (huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng); di tích lịch sử Cụm di tích Từ Lương Xâm – Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 (quận Hải An, TP. Hải Phòng). Khu vực bảo vệ các di tích quốc gia đặc biệt được xác định theo biên bản và bản đồ trong hồ sơ. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng nêu trên, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Di tích Tháp Bà Ponagar vừa được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. |
Tháp Bà Ponagar hiện tọa lạc ở phường Vĩnh Phước (TP. Nha Trang), đã được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1979. Theo tài liệu hiện còn lưu giữ, di tích Tháp Bà Ponagar được người Chăm xây dựng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIII, trên đồi Cù Lao để thờ Nữ thần Ponagar là Mẹ Xứ sở của người Chăm, nên tên thường gọi là Tháp Bà Ponagar. Khu di tích Tháp Bà Ponagar là một quần thể kiến trúc gồm có tháp cổng, Mandapa và khu đền tháp. Tuy nhiên, do biến động của lịch sử, nên hiện nay khu di tích còn lại 5 công trình kiến trúc ở hai mặt bằng là Mandapa và khu đền tháp.
Di tích Tháp Bà Ponagar tọa lạc trên đồi Cù Lao thuộc địa phận phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang. |
Khu vực Mandapa, có bốn hàng cột lớn hình bát giác, xây bằng gạch nung, bao gồm 10 cột lớn phía trong và 12 cột nhỏ hình. Khu đền tháp, hiện còn 4 tháp là: Tháp Đông Bắc hay còn được gọi là Tháp chính, cao 23m, được xây dựng lần đầu vào thế kỷ VIII và được xây dựng lại vào thế kỷ XI, bên trong tháp đặt tượng thờ Nữ thần Ponagar; Tháp Nam cao 18m, có niên đại xây dựng vào thế kỷ XIII, đây là nơi thờ thần Shiva, còn theo truyền thuyết của người Việt thì tháp thờ chồng của Thiên Y A Na Thánh Mẫu nên gọi là tháp Ông; Tháp Đông Nam, ngôi tháp có quy mô nhỏ nhất chỉ cao 7,1m, có niên đại khoảng thế kỷ XI đến thế kỷ XII, thờ thần Skandha – con thần Shiva, còn theo truyền thuyết của người Việt, tháp thờ ông bà Tiều là cha mẹ nuôi của Thiên Y A Na Thánh Mẫu; Tháp Tây Bắc, cao 9m, là ngôi tháp duy nhất còn khá nguyên vẹn về kiến trúc và trang trí, tháp thờ thần Ganesha, còn theo truyền thuyết của người Việt thì tháp thờ Cô, Cậu – con của Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Di tích Tháp Bà Ponagar là địa điểm tham quan, du lịch nổi tiếng ở TP. Nha Trang. |
Di tích Tháp Bà Ponagar có kỹ thuật xây dựng và phương pháp chế tạo ra những viên gạch để xây các đền tháp hết sức độc đáo, cho đến nay vẫn còn có nhiều câu hỏi chưa tìm được lời giải đáp. Ngoài ra, di tích Tháp Bà Ponagar còn có các bia ký được dựng từ thời phong kiến để giới thiệu về di tích. Di tích Tháp Bà Ponagar vốn được người Chăm xây dựng để thờ Nữ thần Ponagar, nhưng từ năm 1653, từ sự cộng cư, hòa cư của người Việt và người Chăm đã đánh dấu sự hình thành và phát triển một cách mạnh mẽ tín ngưỡng thờ Mẹ Xứ sở của người Chăm với tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu của người Việt.
Đồng bào Chăm thực hành nghi lễ cúng dâng Nữ thần Ponagar – Mẹ Xứ sở tại Lễ hội Tháp Bà Ponagar. |
Hàng năm, từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch, tại di tích Tháp Bà Ponagar diễn ra Lễ hội Tháp Bà Ponagar – Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Từ nhiều năm nay, di tích Tháp Bà Ponagar là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở TP. Nha Trang thu hút số lượng lớn khách đến tham quan mỗi ngày.
NHÂN TÂM
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202501/thap-ba-ponagar-duoc-xep-hang-di-tich-quoc-gia-dac-biet-b5c48ff/