Vùng Duyên hải Trung Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển nhanh và bền vững vùng Duyên hải Trung Bộ là chủ trương lớn của Đảng, được thể hiện trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung Bộ đã triển khai nhiều chương trình hợp tác gồm: Thương mại, đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, khoa học – công nghệ, giao thông – vận tải, văn hoá – thể thao và lao động – xã hội, góp phần đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương trong vùng.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, vùng Duyên hải Trung bộ gồm các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi và Bình Định, có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế biển, cảng biển, thế mạnh quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh biển, đảo của vùng và cả nước.
Trong đó, một trong những lợi thế lớn nhất của các địa phương trong vùng là vị trí địa lý gần đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh và các địa phương đều giáp biển, với nhiều đầm, vịnh, bãi biển đẹp, môi trường sống trong lành; địa hình phân tầng đa dạng, tạo cơ sở hình thành nhiều khu, điểm du lịch hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp và nhu cầu trải nghiệm, khám phá của khách du lịch.
Đồng thời, các địa phương trong vùng hiện còn nhiều khu, cụm công nghiệp với quỹ đất sạch lớn, chính sách thu hút đầu tư ngày càng hoàn thiện, đồng bộ; dân số trong độ tuổi lao động; hạ tầng giao thông trục Bắc – Nam đã được cải thiện rõ rệt trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, đây cũng là vùng có bản sắc văn hóa riêng, ý chí tự lực, tự cường, năng động và sáng tạo.
Nhờ đó, trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền mỗi địa phương trong vùng đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự ủng hộ, đồng hành của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội và đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên tất các ngành, lĩnh vực, góp phần thúc đẩy vùng Duyên hải Trung bộ dần trở thành một trong những Vùng phát triển năng động hàng đầu cả nước.
Đối với tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, trong những năm qua, đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá, quy mô nền kinh tế thay đổi qua từng năm. Đến năm 2023, quy mô kinh tế của tỉnh đạt hơn 117 nghìn tỉ đồng, xếp thứ 24/63 địa phương trong cả nước và thứ 5/14 địa phương thuộc Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Riêng 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,53% (xếp vị trí thứ 25/63 địa phương trên cả nước và thứ 5/14 địa phương thuộc vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ).
Quan điểm phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đặc thù để phát triển Bình Định trở thành tỉnh có nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao; là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng Duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên.
Cùng với đó, trở thành trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; đầu mối giao thương kinh tế, đối ngoại quan trọng giữa Việt Nam với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi các thông tin quan trọng về quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các địa phương vùng Duyên hải Trung bộ đã giới thiệu các dự án kêu gọi đầu tư cùng với chính sách thu hút đầu tư cụ thể, đồng thời các doanh nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng cũng chia sẻ những ý kiến, mong muốn liên quan đến việc đầu tư và phát triển thị trường tại khu vực.
Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh kêu gọi các doanh nghiệp và hội ngành nghề của thành phố tìm hiểu, kết nối các cơ hội hợp tác và đầu tư phát triển thị trường tại các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ – một trong bốn vùng trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững của cả nước.
Với vai trò là đầu tàu kinh tế, TP. Hồ Chí Minh luôn cam kết hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, logistics để thúc đẩy các dự án hợp tác đầu tư với các tỉnh Duyên hải Trung bộ một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Với những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn được chia sẻ từ các lãnh đạo địa phương, TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng rằng các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ quan tâm, tìm hiểu và đầu tư vào những dự án tiềm năng tại Vùng Duyên hải Trung bộ. Đồng thời, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng kêu gọi các tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, phân công các cơ quan đầu mối thường xuyên kết nối với doanh nghiệp để cùng hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư.
Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Đức tại tỉnh Bình Định