Bước vào năm học mới, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thêm rộn rã với những tiếng hô, hát các làn điệu bài chòi dân gian. Tiết học ngoại khóa của các học sinh (HS) trở nên sinh động hơn khi được trực tiếp tham gia tìm hiểu một trong những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tiếp tục đưa bài chòi vào trường học
Trong năm thứ 4 thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi Khánh Hòa”, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh tiếp tục phối hợp với 15 trường học ở các huyện, thị xã, thành phố có di sản bài chòi (trừ hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh) để thực hiện chương trình sân khấu học đường với nghệ thuật bài chòi. Từ ngày 7 đến 20-9, các thành viên của Câu lạc bộ Bài chòi cổ dân gian (thuộc Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh) lần lượt đến các trường trong kế hoạch nhằm giới thiệu, tuyên truyền về nghệ thuật bài chòi dân gian tới HS, sinh viên.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật trực tiếp tham gia hội chơi bài chòi. |
Tham gia buổi sinh hoạt tìm hiểu nghệ thuật bài chòi của HS Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (TP. Nha Trang), chúng tôi cảm nhận được sự hứng khởi của giáo viên, HS đối với di sản văn hóa này. Trong khoảng 45 phút, HS được các nghệ nhân giới thiệu tổng quan về nghệ thuật bài chòi dân gian. Từ đây, các em nắm được sơ bộ về nguồn gốc ra đời, quá trình phát triển, cách chơi hội bài chòi, tên gọi các quân bài, các hình thức biểu diễn, những làn điệu bài chòi… Bên cạnh đó, các nghệ nhân còn biểu diễn những trích đoạn sân khấu bài chòi, tổ chức hội chơi bài chòi để HS trực tiếp tham gia và cảm nhận rõ hơn về cái hay của bộ môn này. Giữa không gian sân trường chợt rộn lên tiếng đàn, tiếng trống cùng những câu hô, lời hát các làn điệu bài chòi đầy sôi động, hấp dẫn. Các em hào hứng tham gia, vỗ tay theo nhịp những làn điệu bài chòi được nghệ nhân biểu diễn trên sân khấu. “Đây là lần đầu tiên được tham gia trực tiếp một hội chơi bài chòi, em thấy rất thú vị và sôi động. Những quân bài được xướng lên bằng những câu hát có nội dung dí dỏm, hài hước nên nghe rất thu hút”, em Phan Phúc Lân – HS lớp 10A5 chia sẻ.
Cô Đào Thị Thùy Trang – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật cho biết, loại hình nghệ thuật bài chòi dân gian đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017. HS có thể được biết loại hình nghệ thuật này qua một số bài học giáo viên giảng trên lớp, còn trải nghiệm thực tế thì các em vẫn chưa được tiếp cận nhiều. Vì vậy, việc đưa nghệ thuật bài chòi dân gian vào trường học là điều cần thiết, giúp các em hiểu thêm về loại hình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của dân tộc và quê hương Khánh Hòa đã được thế giới công nhận.
Chọn những nội dung đặc sắc
Chương trình sân khấu học đường với nghệ thuật bài chòi dân gian được xây dựng gồm 3 phần: Giới thiệu về nghệ thuật bài chòi; biểu diễn các trích đoạn sân khấu bài chòi; hướng dẫn HS cách chơi bài chòi. Theo Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Kim Chi – thành viên Câu lạc bộ Bài chòi cổ dân gian, mỗi lần đưa nghệ thuật bài chòi đến với HS, các nghệ nhân trong câu lạc bộ đều cố gắng giới thiệu với các em những gì đặc sắc, dễ hiểu nhất về loại hình này. Cụ thể, các nghệ nhân sẽ biểu diễn những trích đoạn bài chòi có nội dung quen thuộc với HS, như: Lưu Bình – Dương Lễ, Trưng Nữ Vương đề cờ, Thiếu niên anh hùng… Qua đó, giúp các em cảm nhận rõ thêm về những câu chuyện mang tính giáo dục đạo đức, nhân cách hay lòng tự hào về những nhân vật anh hùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thời lượng của chương trình được gói trọn trong 45 phút, vừa bằng thời gian một tiết học, vậy nên những người thực hiện cố gắng đưa tới cho HS những nội dung hấp dẫn, cách thức thể hiện gần gũi, phù hợp với lứa tuổi. Trong 4 làn điệu bài chòi gồm: Xuân nữ, cổ bản, xàng xê, hò Quảng thì làn điệu xuân nữ được sử dụng nhiều nhất để các HS dễ dàng tiếp nhận những lời hát, câu hô.
Các nghệ nhân Câu lạc bộ Bài chòi cổ dân gian biểu diễn trích đoạn Thiếu niên anh hùng tại Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật. |
Bà Nguyễn Duy Tường Vy – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh cho biết: “Qua các năm 2020, 2022, 2023 (năm 2021 không thực hiện vì dịch Covid-19) thực hiện chương trình sân khấu học đường với nghệ thuật bài chòi dân gian, có thể khẳng định chương trình đã đạt được những thành công nhất định. Điều quan trọng là ngày càng có nhiều HS được biết và trải nghiệm thực tế về loại hình nghệ thuật này. Hy vọng, trong số đó sẽ có những HS yêu thích loại hình này để tiếp nối di sản của cha ông để lại”.
Theo dõi việc thực hiện chương trình, chúng tôi nhận thấy chế độ cho các nghệ nhân còn hạn chế. Ngoài ra, kinh phí để tổ chức một buổi sân khấu học đường thấp cũng ảnh hưởng đến việc đầu tư cho chương trình được bài bản, hiệu quả hơn. “Chúng tôi mong lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch trong việc hướng dẫn cụ thể chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân trong các hoạt động giữ gìn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó, có cơ sở tham mưu UBND tỉnh về xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân bài chòi trên địa bàn tỉnh. Ngành Văn hóa tỉnh cũng cần tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn, truyền dạy nghệ thuật bài chòi ở các địa phương có di sản bài chòi nhằm tạo ra được lớp nghệ nhân trẻ” – bà Nguyễn Duy Tường Vy chia sẻ.
Việc đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, truyền dạy trong trường học đã được nhiều địa phương trong nước áp dụng từ lâu. Với tỉnh Khánh Hòa, việc đưa nghệ thuật bài chòi vào trường học đã và sẽ góp phần khuyến khích, lan tỏa loại hình này đến thế hệ trẻ được sâu rộng hơn.
GIANG ĐÌNH