Tối 8-12, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa thực hiện buổi diễn báo cáo vở tuồng lịch sử “Đô đốc Bùi Thị Xuân” trước các thành viên Hội đồng nghệ thuật Sở Văn hóa và Thể thao, cùng đông đảo khán giả.
Vở tuồng “Đô đốc Bùi Thị Xuân”, tác giả kịch bản Nguyễn Sỹ Chức, đạo diễn NSND Nguyễn Hoài Huệ, âm nhạc Nguyễn Hữu Trí, thiết kế mỹ thuật Trần Nguyễn Quang Nhựt, biên đạo múa Đỗ Thị Kim Tiển… do tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa biểu diễn.
Cảnh diễn Đô đốc Bùi Thị Xuân phát binh ra trận. |
Trong khoảng thời gian hơn 150 phút, vở tuồng “Đô đốc Bùi Thị Xuân” kể về lát cắt lịch sử trong khoảng thời gian từ năm 1798 (sau khi Hoàng đế Quang Trung băng hà được 6 năm, triều đình Tây Sơn dưới sự trị vị của nhà vua Nguyễn Quang Toản) đến năm 1802 (Nguyễn Phúc Ánh đánh thắng nhà Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long, mở đầu cho triều Nguyễn).
Trong khoảng thời gian 4 năm, triều đình Tây Sơn xuất hiện những gian thần đã nhân khi nhà vua còn nhỏ tuổi để câu kết, khuynh đảo vương triều, khiến đại nghiệp của nhà Tây Sơn rơi vào cơn bão tố. Giữa lúc đó, những trung thần, dũng tướng của nhà Tây Sơn như vợ chồng Đô đốc Bùi Thị Xuân – Thiếu phó Trần Quang Diệu, Đại tư đồ Vũ Văn Dũng… vẫn một lòng chiến đấu chống lại quân Nguyễn Ánh, một mặt giúp vua trừ gian, diệt tà. Nhưng trước thế lực của quân Nguyễn Ánh ngày càng mạnh, đã khiến binh lực của nhà Tây Sơn ngày càng trở nên suy yếu. Thiếu phó Trần Quang Diệu cùng Đại tư đồ Vũ Văn Dũng đánh nhau với quân Nguyễn Ánh cho đến khi quân tàn, lương cạn và bản thân bị bắt; Đô đốc Bùi Thị Xuân chiến đấu đến sức cùng, lực kiệt thì bị bắt sống. Nguyễn Ánh đã dùng mọi thủ đoạn để uy hiếp, nhưng bà vẫn không đầu hàng. Để rồi bị Nguyễn Ánh cho quân hành hình bằng những cách thức man rợ nhất. Dù thất bại dưới tay Nguyễn Ánh, nhưng Đô đốc Bùi Thị Xuân cùng chồng và những dũng tướng nhà Tây Sơn đã sống trọn cuộc đời với lý tưởng: Nghĩa chúa – tôi, xét lòng chẳng thẹn/Đạo quân – thần, không hổ với non sông.
Cảnh diễn Đô đốc Bùi Thị Xuân hiên ngang luận tội Nguyễn Ánh. |
Nhìn chung đây là vở diễn có nội dung, chủ đề tư tưởng tốt, giá trị nghệ thuật cao; việc dàn dựng, biểu diễn đáp ứng được yêu cầu của một vở tuồng lịch sử, nhưng cũng phù hợp với nhu cầu của khán giả hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề trong diễn xuất của các diễn viên chính, cũng như thời lượng các màn diễn cần được tiếp tục chỉnh sửa để hoàn thiện hơn.
N.T
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202412/ra-mat-vo-tuong-do-doc-bui-thi-xuan-14d63ca/