Những ngày tháng 10 này, toàn thể nhân dân Hà Nội đang náo nức với các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2024). Và trong ký ức, tình cảm của nhiều thế hệ, những ca khúc như: Tiến về Hà Nội, Người Hà Nội, Giải phóng thủ đô sẽ mãi là những lời ca bất tử, trường tồn cùng năm tháng.
Hình ảnh những đoàn quân giải phóng trở về tiếp quản thủ đô cách đây 70 năm. (Ảnh tư liệu) |
Sau những trận chiến đấu oanh liệt ở từng góc phố, con đường với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, những đoàn quân cách mạng tạm rời xa thủ đô để lên vùng núi rừng Việt Bắc tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp. Và sau “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng…”, toàn thể nhân dân Hà Nội thời bấy giờ đã cảm nhận được ngày thủ đô giải phóng đang đến thật gần. Đúng vào ngày 10-10-1954, những đoàn quân giải phóng từ các ngả đường đã hành quân tiến về Hà Nội trong cờ hoa, âm nhạc chào đón nồng nhiệt của người dân. Giữa bầu không khí thiêng liêng, ấm áp, giàu cảm xúc đó, rất nhiều ca khúc đã được mọi người cùng nhau hát như tiếp thêm nguồn sức mạnh, như giải tỏa những nỗi lòng mong đợi, kìm nén bấy lâu. Để rồi từ đó đến nay, mỗi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng thủ đô, giai điệu, lời ca của những ca khúc hào hùng đó lại được cất lên.
“Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về/Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố… Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”. Trong suốt 70 năm qua, ca khúc Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao vẫn được vang lên trong mỗi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng thủ đô. Nhiều người vẫn xem đây là một ca khúc mang tính dự báo ngày chiến thắng của người nhạc sĩ tài hoa hàng đầu Việt Nam, bởi bài hát được sáng tác vào năm 1949, nghĩa là trước thời điểm Ngày Giải phóng thủ đô 5 năm. Vậy nhưng, nghe bài hát, qua ngôn ngữ âm nhạc, chúng ta vẫn hình dung được cảnh tượng những đoàn quân giải phóng đang tiến về thủ đô trong khí thế hào hùng, đầy phấn chấn, reo vui của lòng người. Bài hát vừa thể hiện chất hùng tráng, vừa mang tính trữ tình và mang phong thái của những người thủ đô kháng chiến.
Với nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, ca khúc Người Hà Nội là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc của ông. Bài hát ra đời năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Hà Nội nổ ra trong một thời gian ngắn. Hình ảnh thủ đô lúc bấy giờ vẫn còn trong lửa khói rợp trời: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu!/Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/Hà Nội hồng ầm ầm rung/Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên!/Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên…”. Bài hát như một bản trường ca của người dân thủ đô, làm nổi bật lên những phẩm chất, phong cách hào hoa, hào hùng của người Hà Nội. Vậy nên, trong khói lửa chiến tranh, người Hà Nội vẫn nghĩ đến tương lai toàn thắng: “Một ngày thu non sông chiến khu về/Đường vang tiếng hát cuốn lòng người/“Đoàn quân Việt Nam đi”/Hà Nội say mê chen đón Cha về, kín trời phơi phới vàng sao/Ngày ấy chói vinh quang vang ngàn phương lời thề nước Việt Nam yêu dấu ngả soi bóng sông Hồng Hà/Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời/Hà Nội hồng ầm ầm rung. Sông Hồng reo!..”. Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi chia sẻ: “Bài hát Người Hà Nội tôi viết đầu năm 1947, dịp gần Tết… Tôi rời Hà Nội ra ngoại thành vào đúng đêm 19-12, tức đêm Ngày Toàn quốc kháng chiến nổ ra tại Hà Nội. Phía sau lưng tiếng súng bắt đầu nổ và một cảnh tượng rất hùng tráng hiện ra”. Những ca từ trong bài hát được nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi khắc họa lên như một bức tranh hùng tráng, đầy đủ từng địa danh, từng góc phố, con đường đẹp đến nao lòng. Trên khung cảnh đó, hình ảnh người Hà Nội kiên cường, bất khuất với nét hào hoa không lẫn vào đâu được.
Nếu 2 ca khúc Tiến về Hà Nội và Người Hà Nội được sáng tác ở thời điểm cách xa so với Ngày Giải phóng thủ đô thì ca khúc Hà Nội giải phóng lại ra đời trong chính ngày thủ đô chiến thắng. Tháng 10-1954, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ khi đó đang là giảng viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội được giao nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đấu tranh cách mạng cho thanh niên nội thành. Trong ngày 10-10-1954, nhạc sĩ cùng với thanh niên, học sinh thủ đô đi đón các đoàn quân chiến thắng trở về và với khả năng âm nhạc của mình, ông còn được cấp trên giao nhiệm vụ viết một ca khúc chuẩn bị mừng ngày giải phóng. Rất nhanh chóng, ông đã viết xong ca khúc Hà Nội giải phóng và bài hát lập tức được phổ biến trong các nhóm thanh niên cứu quốc. Đúng ngày quân ta trở về tiếp quản thủ đô, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ cùng dàn đồng ca gần 200 người của Thành đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội đã tập trung ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, gần Hồ Gươm hát vang những bài ca cách mạng, trong đó có bài Hà Nội giải phóng với những lời ca như: “Hà Nội ơi! Vui lên Hà Nội ơi!/Qua tám năm sống nhục nhằn, u buồn/Ngày nay ta ra thoát vòng tăm tối/Tung ánh tưng bừng vàng sao theo gió lên…”.
Mỗi bài hát, mỗi lời ca về thủ đô chính là minh chứng cho khí phách, tinh thần của người dân Hà Nội. Để đến hôm nay, trong không khí chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô, thêm một lần chúng ta lại được sống cùng những giai điệu hào hùng của thủ đô mến yêu.
GIANG ĐÌNH
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202410/nhung-loi-ca-song-mai-cung-thu-do-b0e0f90/