“Ngoài hiên vắng giọt thầm cuối đông/Trời chợt nắng vườn đầy lá non/Người lên tiếng hỏi người có không/Người đi vắng về nơi bế bồng…”. Cứ mỗi lần nghe những câu hát quen thuộc trong ca khúc “Vườn xưa” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lòng tôi không khỏi bồi hồi, trước mắt bao giờ cũng hiện lên một khu vườn êm ái, yên bình ở một miền quê xa phố thị, chan chứa hương đồng cỏ nội.
Đó là khu vườn rộng của ngoại tôi với nhiều cây trái, bốn mùa xanh lá, nơi tuổi thơ tôi đã có những ngày đi qua với bao kỷ niệm. Nằm giữa vườn là ngôi nhà nhỏ, mái ngói xỉn màu và các bức tường theo thời gian nhiều chỗ đã xanh rêu. Hồi ngoại còn sống, mẹ thường đưa tôi về sống cùng bà. Chính nơi đây, tôi biết yêu thương từng phiến lá khi lon ton theo ngoại đi nhổ cỏ, bắt sâu, tưới nước cho từng vồng rau non; biết thương vạt bắp trổ cờ ở khu đất cuối vườn, thương giàn bầu nở đầy hoa trắng, giàn mướp nở thắm hoa vàng, luống cà cho bông màu tim tím…
Ở khu vườn nhà ngoại có hai hàng cau chạy dài từ sân ra cổng, có những lùm chuối sứ, chuối bồ hương trồng phía sau hè đúng với câu “chuối trồng phía sau, cau trồng phía trước”. Gần chỗ bờ ao có cây ổi sẻ, trái nhỏ, nhưng khi chín thì ruột đỏ, thơm ngát, gần đó là cây khế ngọt lúc lỉu quả vàng. Rất nhiều ngày, cây ổi, cây khế không chỉ trở thành nơi mời gọi đám chim chào mào bay tới giành nhau quả ngọt, mà còn là nơi mấy đứa bạn trong xóm đến chơi, đứa dùng sào, đứa trèo lên để hái, chia nhau giữa những tiếng cười.
Nơi bờ rào ngoài bụi riềng, bụi sả, có những lùm cây lá gai, một mặt lá màu xanh, mặt còn lại có màu trắng xám – đó là loại lá ngoại tôi thường hái, giã nhuyễn lấy nước để trộn bột làm nên món bánh ít nổi tiếng của vùng. Giữa buổi trưa tịnh vắng, những chiếc bánh lá gai hấp chín tỏa mùi hương thơm phức, vớt ra cho nguội để rồi cùng với trái cây trong vườn và những chùm hoa thiên lý mới hái trên giàn xuống được bà dâng lên bàn thờ, thắp hương, khấn vái cúng tổ tiên.
Vườn nhà ngoại có bao loài cây để nói, có bao loài chim để kể. Thật đáng yêu làm sao, từ sáng tới chiều, trên các cành cao, trong các bụi lùm, lúc nào cũng rộn tiếng chim. Nào dồng dộc, chèo bẻo, bồ chao, chìa vôi; nào cà cưỡng, chim gi, chim sâu, chim sẻ và còn có bao loài chim nữa mà đến bây giờ tôi chẳng thuộc hết tên.
Tôi thương ngoại và thương yêu cả khu vườn của ngoại; thương hình ảnh ngoại lom khom bên khóm trầu già hay dáng ngoại trông liêu xiêu khi khói đồng ai đốt ngoài kia tràn vào, làm mờ cả góc vườn lúc chiều vừa tắt nắng. Thương ngoại, nhưng ngày xưa, tôi không tránh được những lần làm cho ngoại buồn bởi những trò vui đùa nghịch ngợm. Nhớ có lần, tôi và mấy đứa nhỏ trong xóm tụ lại trong sân nhà ngoại để thi nhau chơi trò kéo xe, một đứa ngồi trên chiếc bẹ cau, đứa còn lại nắm đuôi tàu cau kéo. Do quá hiếu thắng nên tôi cố kéo thật mạnh, làm cho Thúy, cô bé hàng xóm nhào lăn xuống đất, trầy mất một mảng da chân. Lần ấy, ngoại không la mắng, chỉ nhắc nhở, rồi dẫn tôi qua nhà hàng xóm xin lỗi người ta.
Thời gian trôi đi, ngoại tôi chỉ còn trong nỗi nhớ của cháu con. Duy có khu vườn xưa, qua bao mùa thay lá giờ vẫn xanh màu và được giao cho người dì chăm sóc. Mỗi lần tôi về quê, đi dạo dưới bóng cây, nghĩ miên man, cứ tưởng mọi thứ chỉ mới hôm qua. Hai hàng cau trước nhà nay cao hơn, nhưng vẫn thẳng tắp. Cây ổi sẻ và cây khế bên bờ ao gốc to hơn, thêm nhiều u, sần, nhưng trên ngọn vẫn lúc lỉu nhiều trái chín như mời gọi đàn chim… Hỏi thăm mới biết, cô bạn tên Thúy năm xưa lấy chồng trên phố, do bận việc cháu, việc con nên thỉnh thoảng mới về.
Vườn xưa của ngoại, mỗi lần trở lại, mỗi lần nghĩ tới, chợt thấy nao nao, thấy mình như thời còn bé, thấy mình như lạc giữa khúc ca dao…
HOÀNG NHẬT TUYÊN