Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Khánh Hòa đã đạt nhiều thành quả. Nhiều năm qua, Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) Khánh Hòa đã nỗ lực đưa giáo dục, đào tạo của tỉnh có những bước phát triển mạnh mẽ, thực hiện tốt cả 3 mục tiêu: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Chuyển biến tích cực
Ngay sau khi Nghị quyết số 29-NQ/TW được ban hành, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết. Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 29 vào tình hình thực tế của tỉnh, trong 10 năm qua, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành 2 văn bản, HĐND tỉnh ban hành 9 Nghị quyết; UBND tỉnh đã ban hành hơn 29 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các chủ trương, chính sách “Đổi mới căn bản, toàn diện GD – ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Ông Lê Hữu Thọ – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết 29 |
Có thể nói, hệ thống văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết 29 trên địa bàn tỉnh khá đầy đủ, toàn diện, là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện tốt công tác đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của tỉnh, lĩnh vực GD Khánh Hòa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay, mạng lưới GD phát triển rộng khắp với đủ các bậc học từ giáo dục mầm non, GD phổ thông, GD thường xuyên, GD đại học và GD nghề nghiệp. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD, GD nghề nghiệp được quan tâm, tạo điều kiện phát triển về số lượng và chất lượng, từng bước hướng đến cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội địa phương; đào tạo lao động đã từng bước gắn với nhu cầu xã hội. Cơ sở vật chất trường học và trang, thiết bị giảng dạy được tăng cường đầu tư theo chiều sâu, từng bước đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, về cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu dạy – học của giáo viên và học sinh. Chất lượng GD-ĐT tiếp tục ổn định và từng bước được nâng lên; học sinh tốt nghiệp các cấp hàng năm đều đạt tỷ lệ cao. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt chuẩn kiểm định chất lượng GD tăng cả về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 6-2023, toàn tỉnh có 297/480 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 61,9% và theo lộ trình đến hết năm 2025 sẽ đạt 65,57%. 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện để mọi người dân đều có cơ hội được học tập thường xuyên, nâng cao trình độ.
Quy mô GD và mạng lưới cơ sở GD được phát triển, cơ hội tiếp cận GD có chất lượng được mở rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân, nhất là trẻ mầm non và các nhóm đối tượng yếu thế. Chất lượng dạy và học ở các bậc học được duy trì ở mức cao. Công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT đạt kết quả tốt (năm 2022 có 27% học sinh tốt nghiệp THCS vào học các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 19,9% học sinh vào học trung cấp, 23,9% học sinh tốt nghiệp THPT vào học cao đẳng). Công tác xã hội hóa GD có bước đột phá. Đến nay, toàn tỉnh có 518/576 trường có tổ chức đảng (89,9%) với 17.414 viên chức, người lao động, trong đó 7.669 đảng viên chiếm tỷ lệ 44%; 100% các trường THPT, TTGDNN – GDTX, các trường THCS, các trường tiểu học, các trường MN có tổ chức Chi bộ Đảng.
Việc đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học được chú trọng. Nổi bật là Khánh Hòa đã hoàn thành phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2014 (sớm hơn 2 năm so với Đề án của Bộ GDĐT); tỷ lệ trẻ 5 tuổi được huy động ra lớp hàng năm đều đạt tỷ lệ trên 99% dân số; hoàn thành đạt chuẩn phổ cập GD tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Trong những năm học gần đây, Khánh Hòa có kết quả thi tuyển vào đại học, cao đẳng nằm trong tốp các tỉnh, thành phố có tỷ lệ trúng tuyển cao (từ 70% – 80%). Việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học được quan tâm, theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học.
Hình thức thi, kiểm tra và đánh giá, xếp loại kết quả học sinh trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ GDĐT, đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng GD đại trà tiếp tục đạt kết quả cao và nằm trong tốp các tỉnh có điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT đạt cao (năm học 2022-2023, có 14 giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, tăng 2 giải nhì so với năm trước; tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt 97,62%, tăng 0,31%). Chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi được giữ vững và nâng lên. Kết quả thi học sinh giỏi và thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đạt thành tích tốt. Toàn tỉnh có 303/484 cơ sở giáo dục công lập đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt tỷ lệ 62,60%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên 82% và tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ lên 27,6% vào cuối năm 2022.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29 vẫn còn một số hạn chế như: Công tác quản lý nhà nước tại các cơ sở GD mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình còn hạn chế; tình trạng quản lý dạy thêm, học thêm chưa đúng quy định; chất lượng GD mũi nhọn còn thấp, chất lượng GD của học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn chưa cao. Việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn bị động, lúng túng. Việc bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho từng trường, lớp ở một số địa phương còn bất cập, dàn trải, hiệu quả không cao. Công tác xã hội hóa GD-ĐT và dạy nghề còn chậm, hiệu quả thấp và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh…
Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục
Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra cho Khánh Hòa nhiệm vụ quan trọng về lĩnh vực giáo dục đào tạo với mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về đào tạo nguồn nhân chất lượng cao; xây dựng và phát triển toàn diện con người Khánh Hòa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa xác định một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT như: tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 29 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; triển khai các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo gắn với thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý GD; tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện phổ thông; thực hiện có hiệu quả, thực chất việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng GD-ĐT; đẩy mạnh xã hội hóa GD; đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học ở các cấp; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS; làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học. Tỉnh cũng sẽ chú trọng quan tâm đến việc GD đạo đức, kỹ năng sống; giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh, sinh viên; sớm xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển Trường Đại học Nha Trang thành đại học vùng; tăng cường hợp tác đa dạng hóa liên kết đào tạo, thực hiện hiệu quả các chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực…
HẢI VÂN