Cương vực Việt Nam được đánh dấu bằng 4 điểm cực Đông – Tây – Nam – Bắc. Đó là những cột mốc địa lý đất liền xa nhất về 4 hướng.
Danh thắng cực Đông – Mũi Đôi, Hòn Đầu. Ảnh: Hải An
Cho dù vai trò của 4 điểm là tương đương nhau, tuy nhiên, vì một ngẫu nhiên nào đó, 4 cực chia thành 2 cặp Bắc – Nam và Đông – Tây lại có tính cách đối lập hoàn toàn.
Bắc – Nam nhu nhuận, Đông – Tây hiểm trở; Bắc – Nam hanh thông, Đông – Tây nghiệt ngã; Bắc – Nam dễ dàng, Đông – Tây gian lao. Thế mới biết, Kim Dung khi sáng tạo nên “võ lâm ngũ bá” đâu phải vô cớ sắp đặt Nam Đế – Bắc Cái thành một cặp, Đông Tà – Tây Độc thành một đôi.
MỘT CUỘC “QUAY XE” ĐẦY NGẪU HỨNG
Với tình trạng đường xá tốt và hiện đại như hiện nay, chúng ta có thể phóng mút chỉ từ đại đầu Lũng Cú đến mũi đất Cà Mau, nơi đặt 2 cực Bắc – Nam của Việt Nam. Tuy nhiên, để đến được với Cực Đông, hãy gác toàn bộ suy nghĩ dễ dàng đó sang một bên, mà chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho một màn hành xác.
Ngay cả khi chấp nhận gian lao rồi cũng có thể là chưa đủ, bởi vẫn cần đến một chữ duyên mới hy vọng vào một chuyến diện kiến điểm Cực Đông thành công cả về độ an toàn, sự suôn sẻ về hành trình và thời tiết, và đặc biệt với ai muốn chiêm ngưỡng ánh triêu dương huy hoàng ở mảnh đất xa nhất về phía Đông này.
Sau nhiều lần vô duyên với Cực Đông, tình cờ cơ hội lại tới theo cách không thể ngờ tới. Cơn lang thang bốc lên như gió, tạo nên những màn “tao ngộ chiến” khét tiếng. Mục đích ban đầu là bay vào Cam Ranh rồi bắt xe đi Ninh Thuận để ăn Tết Katê của người Chăm, thế nhưng, vừa xuống máy bay, đã gặp cố nhân.
Tình cờ gặp nhau ở xứ “cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”, hỏi han vài câu lấy lệ, nghe kể kế hoạch, tôi vội “bẻ lái” hành trình, thay vì vào đất của “ma Hời ma Hỡi” để ngược đường về phía đèo Cổ Mã tìm lối đến Cực Đông và bái kiến nơi ánh triêu dương đầu tiên ghé xứ.
Ba gã cùng chơi ở một diễn đàn khi xưa, 1 vãng lai – 2 bản địa nhanh chóng hội ý, gọi vài cuộc điện thoại rồi nhanh chóng lên đường. Lúc đó đã tầm 15 giờ, cần phải di chuyển khoảng 100km bằng xe máy để đến được địa điểm cước trình. Rất gấp gáp, không hề có chuẩn bị, đúng theo nghĩa “tao ngộ chiến”.
Con đường từ Nha Trang ra Vạn Ninh nắng khét, nhưng đến khoảng 17h30, nhóm đã tạt vào một hàng bánh canh cá để lùa nhanh hai tô ngon “bá cháy” xanh mướt màu hẹ thả. Ăn liền lúc hai tô, một phần tôi có tác phong cứ có cơ hội là tranh thủ nạp năng lượng, phòng khi đứt bữa ở chốn hoang vu. Mặt khác, tô bánh canh bé tẹo, sụp soạp 3 tiếng là hết veo.
Sau khi lưng dạ, tổ tam tam lại đánh bài tẩu mã. Đi thêm vài km, vừa chớm thấy đỉnh của đèo Cổ Mã, liền ngoặt phải đi ra hướng vịnh Vân Phong. Con đường đen nhánh kẻ sơn vàng óng đẹp như một thao lụa uốn lượn giữa những trảng cát khi vàng, khi trắng.
Rồi đột nhiên con đường biến mất, để lại nỗi ngẩn ngơ, nghi hoặc về tính vô thường của vũ trụ (hoặc tính khả thi của dự án treo). Nhưng kệ, hết đường cũng có nghĩa là gần đến chặng đầu tiên của hành trình: Chợ Đầm Môn. Từ đây, xe cộ vứt lại, hành trình sẽ tiến hành trên đôi chân.
Đến chợ Đầm Môn, trời đã nhá nhem tối, tổ tam tam vừa kịp hội quân với vài phượt thủ khác đã đến trước và đang chờ chúng tôi đến. Đi ra Cực Đông phải có “thổ dân” dẫn đường và lo hậu cần cơ bản, thế nên, những kẻ “nhỏ lẻ, vô tổ chức” như chúng tôi thường phải kết đội.
Ông em “thổ dân” hội nhóm, trao đổi dặn dò rồi tất cả cùng nhau lên đường cắt rừng, băng sa mạc để đến đích vào 4h30 sáng mai. Bắt buộc phải cán đích sớm hơn hoặc đúng thời điểm này, bởi nếu muộn hơn là “chỉ còn cái nịt”, chẳng có ánh triêu dương hay bình minh rực rỡ gì nữa đâu. Lên đường thôi!
Khách du lịch và hành trình đến cực Đông. Ảnh: Hải An
HÀNH TRÌNH ĐI TÌM THẦN MẶT TRỜI
Bỏ bớt hành lý, mang thêm nước uống, chúng tôi bắt đầu lên đường. Chỉ vài chục mét, ánh đèn lạc lõng cuối cùng đã tắt, trả lại một không gian trắng nhờ màu cát, đen thẫm hàng dương, dứa dại và miên man ánh trăng mới độ quá Rằm. Chúng tôi sẽ phải di chuyển gần khoảng 7 – 8km, trong vòng 8 tiếng đồng hồ.
Không hề đơn giản bởi 90% địa hình là sa mạc và 10% còn lại là rừng. Thách thức là cát lún và 3 con dốc cao ngất, hút cạn mọi sức lực và niềm háo hức. Trên hành trình đó, chúng tôi chỉ có một điểm nghỉ là “lều chú Hai”, ghi trên tấm bản đồ như đi tìm kho báu.
Chỉ khoảng tầm 500 mét đầu tiên là tôi thấy thất khiếu thi nhau thở, khát nước mặc dù đi ban đêm không bị nắng hun, và từ chối giao tiếp. Thật ra, có muốn nói chuyện cũng không được. Chỉ biết cắm cúi đi theo bóng người dẫn đường, vừa đi vừa cố điều hòa nhịp thở cùng tần số nhịp bước theo lối “quy tức”.
Và rồi, sau khoảng 2 tiếng di chuyển, hoạt động của tim phổi đã phối hợp nhịp nhàng với đôi chân, tai hết lùng bùng, mũi miệng đã nhường nhau hít thở. Những tiếng trao đổi đã thi thoảng vang lên, tuy nhiên, tất cả cứ miệt mài bước, mặc kệ cát chui vào giày, gai dứa dại quệt vào đùi hay tay.
Đến “nhà chú Hai” – một túp lều nằm giữa khu dứa dại – đã khoảng 2h30. Màn trời đầy sao nhưng da trời đã tai tái. Lại khẩn trương lên đường kẻo lỡ nhịp. Từ đây, đường lao xuống chứ không còn vút lên bởi sắp đến bờ biển. Qua tán lá rừng thấp, thấy lấp ló những vụng biển như Bãi Na, Bãi Miếu.
Chúng tôi cắm cúi đi trong tiếng gà rừng gáy sớm, lòng đầy lo sợ bởi không có thứ gì ào đến nhanh như bình minh ở biển. Thật may mắn, khi đến Bãi Rạng với hàng trăm hòn đá to như con trâu, con voi nằm ngổn ngang, đồng hồ mới chỉ 4h. Bỏ balo ở lại, chỉ cầm máy ảnh và chai nước để tìm đến Mũi Đôi.
Lại là một hành trình cam go. Chúng tôi phải leo lên những hòn đá lưng voi, di chuyển rồi nhảy sang hòn đá khác trong ánh sáng lờ mờ của lúc tảng sáng. Sau khoảng 30 phút leo trèo, đoàn tiếp cận chỏm Mũi Đôi. Để lên đỉnh hòn đá này, phải vượt qua vách đá chừng 3 mét, trơn nhãy, chỉ bằng một cuộn dây dừng có thắt nút.
Và chút dũng cảm cuối cùng đã giúp tôi đặt chân lên đỉnh Mũi Đôi, mảnh địa lý – có gắn với đất liền – vươn ra xa nhất về phía Đông để tạo thành mỏm cực Đông của Tổ quốc. Chính nơi đây mới là phần đất liền vươn ra xa nhất về hướng Đông, về Biển Đông chứ không phải Mũi Điện ở Đại Lãnh (Phú Yên).
Ngay cả đến bây giờ, rất nhiều người đã bị nhầm rằng Mũi Điện là điểm Cực Đông bởi vì Tổng cục Du lịch Việt Nam, vào tháng 3.2005, đã công nhận Mũi Điện (109o27’55” kinh độ Đông) là danh thắng quốc gia, là điểm Cực Đông trên đất liền của Việt Nam.
Điều này đã khiến Mũi Điện thành điểm Cực Đông, bởi vì có “văn bản chính thống” và hành trình ra Mũi Điện có thể bằng ôtô, nhất là sau khi hầm Đèo Cả được hoàn thành vào năm 2017. Song với giới địa lý và cánh phượt thủ chinh phục “4 Cực, 1 Đỉnh, 1 Ngã Ba” thì Mũi Đôi mới là Cực Đông, nơi đón ánh bình minh sớm hơn Mũi Điện 0,4 giây.
Chúng tôi leo trên đỉnh cũng là thời khắc những mảnh bóng tối cuối cùng tan rã vào sóng nước. Niềm sung sướng chiến thắng bản thân chảy rần rần trên mặt cùng ánh bình minh ấm áp chồm qua vạn con sóng bạc tới đây. Đó là một sự tưởng thưởng khiến tâm-thân-ý ngập tràn trong cảm xúc hạnh phúc.
Tôi nhìn xuống thấy đồng hồ chỉ 5h15. Con quạ lửa đã rời đường chân trời để tròn vành trên biển biếc, thắp sáng rực cả vũ trụ. Ánh nắng lấp lánh trên chóp inox khắc tên Mũi Đôi và tọa độ 12o38’39” vĩ độ Bắc – 109o27’50” kinh độ Đông. Đây, điểm cực Đông của Tổ quốc mến yêu!
An Lê
Nguồn:https://dulich.laodong.vn/hanh-trinh/ngam-anh-trieu-duong-tai-cuc-dong-mui-doi-1406529.html