Có lẽ chưa bao giờ các tác giả khi in sách đều chú trọng lễ ra mắt sách của mình như thời nay. Ngoài ý nghĩ là phải chăm chút, nâng niu đứa con tinh thần của mình, thì trong thời đại truyền thông, việc làm này hoàn toàn hợp lý.
Đạo diễn Xuân Phượng chia sẻ tại buổi ra mắt sách “Khắc đi khắc đến”. Ảnh: Báo Nông Nghiệp Việt Nam |
Đã qua cái thời các tác giả chỉ cắm cúi viết, còn việc in ra sao, phát hành thế nào, đến đâu đều phó thác cho đơn vị xuất bản. Trước đây, điều đó là chuyện bình thường, hầu hết các tác giả nổi tiếng khi xuất bản đều theo tiếng tăm của họ. Họa hoằn lắm mới có truyền thông vào cuộc. Thỉnh thoảng tác giả có sách tốt, tạo dư luận thì Hội Nhà văn sẽ tổ chức hội thảo, nhưng rất hiếm và hoàn toàn mang tính học thuật để đánh giá chứ không phải quảng bá, quảng cáo với công chúng. Dần dần, tổ chức hội cũng không làm việc đó mà nhường đất cho đơn vị xuất bản. Các tác giả như: Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Bình Phương, Trần Đức Tiến, Phạm Công Luận, Trần Thùy Mai… chỉ cần viết và viết cái gì cũng có đơn vị xuất bản đón để phát hành với số lượng lớn!
Ngày nay, với sự đổi mới nhận thức về sự lan tỏa của truyền thông và đặc biệt mạng xã hội, các tác giả dù lớn hay nhỏ đều cố gắng tổ chức lễ ra mắt cuốn sách của mình. Đáp ứng nhu cầu ra sách của các tác giả, các trung tâm văn hóa lớn như Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thành sự kiện thường xuyên. Ngay như các Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Kim Đồng đều thiết kế những không gian sách rất hiện đại, trang nhã để lễ ra mắt sách được ấn tượng. Các thư viện lớn, quán cà phê sách cũng có không gian để cho tác giả ra mắt sách. Ở TP. Hồ Chí Minh, ngoài đường sách ở quận 1 có tới 2 sân khấu lớn để tổ chức các cuộc giao lưu, quảng bá, trụ sở Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh (số 81 Trần Quốc Thảo) cũng là nơi thường xuyên tổ chức cho tác giả và các tác giả cũng chọn nơi đầy âm hưởng văn thơ này làm lễ ra mắt sách. Có thể kể đến các tác giả ra sách gần đây được dư luận chú ý như: Nhà văn – đạo diễn nổi tiếng Xuân Phượng 95 tuổi ra cuốn “Khắc đi khắc đến”; nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh với “Viễn ca”; nhà báo Phan Đăng với “39 câu chuyện cho tâm hồn”… và rất nhiều tác giả đều đến với công chúng bằng những lễ ra mắt ấm áp, đầy truyền cảm, thu hút hàng trăm bạn bè dự, hàng nghìn công chúng qua mạng xã hội. Có các tác giả rất thành công khi tự tổ chức phát hành như: Nguyễn Quang Lập, Cù Mai Công, Văn Công Hùng… Việc phát hành càng thành công hơn với tác giả viết cho thiếu nhi tự tổ chức tương tác trực tiếp với bạn đọc nhỏ tuổi như: Hồ Huy Sơn, Võ Thu Hương, Bùi Tiểu Quyên, Lê Đức Dương. Có tác giả đã được nhà xuất bản tái bản ngay sau khi ra sách 1 tháng.
Hiện nay, các nhà xuất bản coi việc in sách và thu hồi vốn sản phẩm của mình là vô cùng nặng nề. Bởi số sách ra được tới kệ sách của nhà sách là một chặng đường rất gian nan. Ngay cả sách đã nằm trên kệ, được bạn đọc cầm xem và quyết định mua lại là vấn đề khác. Do vậy, các tác giả hầu hết đều tự thân vận động để phát hành sách của mình. Có người rất thành công nhờ uy tín, có người đi con đường riêng, tạo thương hiệu cho mình. Tựu trung, người viết sách hôm nay phải năng động hơn, thức thời hơn thì mới “tồn tại” trên thực tế.
DƯƠNG TRANG HƯƠNG
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202410/nang-niu-ra-sach-1d1483c/