Lợi thế hạ tầng giao thông – động lực mới trên “chuyến tàu” logistics tại miền Trung
Các tỉnh, thành phố ở miền Trung đang tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng để không bỏ lỡ “chuyến tàu” logistics, vốn được kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển lớn về kinh tế cho địa phương và khu vực trong thời gian tới.
Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) được kỳ vọng trở thành điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên |
Kỳ vọng lớn
Với lợi thế về hạ tầng giao thông, cảng biển, khu kinh tế, Quảng Ngãi đang có cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển logistics. Trong đó, Trung tâm Logistics Dung Quất được định hướng đầu tư là trung tâm logistics cấp vùng.
Mới đây, làm việc với tỉnh Quảng Ngãi, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Quảng Ngãi có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển, dịch vụ vận tải, đặc biệt là phát triển công nghiệp nặng với 3 ngành chủ lực gồm lọc hóa dầu, luyện cán thép và đóng tàu. Đồng thời, lợi thế này còn là tiền đề quan trọng để phát triển dịch vụ logistics, du lịch biển…
Để làm được điều đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Quảng Ngãi cần áp dụng linh hoạt các mô hình đầu tư có hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng logistics… nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư.
– Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO)
Trong đó, tỉnh cần chủ động thúc đẩy mối liên kết giữa Khu kinh tế Dung Quất với Khu kinh tế mở Chu Lai để hình thành trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Trung bộ và cả nước; đồng thời, xây dựng Dung Quất trở thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia.
“Trước hết, tỉnh cần chú trọng đầu tư phát triển hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện; đồng thời, tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông kết nối để phát triển Quảng Ngãi thành trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên, các nước Đông Nam Á… Từ đó, Quảng Ngãi từng bước trở thành cửa ngõ vận tải hàng hóa qua biển Đông và dần hình thành thành trung tâm logistics của cả nước”, Bộ trưởng Bộ Công thương nhìn nhận.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế biển, nhất là các ngành công nghiệp nặng gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất. Vì thế, địa phương đang mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, logistics; công nghiệp bán dẫn… Cùng với đó, tỉnh sẽ xây dựng mối liên kết phát triển logistics trong khu vực cảng và bên ngoài khu vực, nhằm giảm tối đa chi phí dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động logistics tại địa phương; lấy cơ sở từ doanh nghiệp đang thực hiện dịch vụ vận tải, bốc xếp trong tỉnh làm nòng cốt…
Góp ý với tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, trước mắt, tỉnh cần dành nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng liên hoàn, đồng bộ. Trong đó, khai thác triệt để lợi thế cảng nước sâu Dung Quất, cảng hàng không Chu Lai để xây dựng nơi đây trở thành trung tâm logistics của cả vùng.
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO), thời gian qua, THACO đã phát triển đầu tư sản xuất về lắp ráp ô tô, phát triển sản xuất linh kiện, phụ tùng để gia tăng tỷ trọng đầu vào logistics và phát triển dịch vụ logistics tại Quảng Nam.
“Kết quả mà THACO đã đạt được là xác lập được vai trò, vị trí của một doanh nghiệp động lực của tỉnh Quảng Nam. Cùng với sự phát triển này, chúng tôi hướng tới đảm bảo mục tiêu đầu tư và phát triển của THACO, của tỉnh Quảng Nam, tiếp tục phát triển một cách bền vững”, ông Trần Bá Dương khẳng định.
Chủ tịch THACO chia sẻ thêm, THACO đã đầu tư cảng, đầu tư hệ thống, nhưng giá thành dịch vụ logistics vẫn cao hơn so với 2 đầu đất nước khoảng 20%. Để xử lý khó khăn này, THACO đã nhập linh kiện để sản xuất, lắp ráp rồi xuất khẩu, nhưng khó khăn hiện nay là vẫn thiếu hàng.
“Chúng ta đầu tư vào hạ tầng sớm, tàu hàng lớn vào được, thì sẽ giải quyết được vấn đề chi phí
logistics. Khi chi phí logistics thấp, thì các nhà đầu tư khác sẽ đến với miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng”, ông Trần Bá Dương phân tích, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, việc Quảng Nam trở thành trung tâm logistics hàng hóa tại miền Trung là rất khả thi.
Bắt tay trên “đường đua”
Đề cập tiềm năng, lợi thế phát triển logistics của tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Tân Cảng – Petro Cam Ranh (thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn) nhấn mạnh, Khánh Hòa có 3 vịnh lớn, với các cảng nước sâu tự nhiên, kín gió, là điều kiện lý tưởng để khai thác, từ đó nâng cao giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa. Định hướng vịnh Vân Phong là trung tâm logistics của tỉnh và khu vực là hợp lý, nhưng phải sau năm 2030, bởi hiện nay, khu vực này chưa phát triển. Trong khi đó, nếu khai thác tốt cảng quốc tế Cam Ranh, thì sẽ phát huy giá trị, đem lại nguồn thu rất lớn cho tỉnh trong những năm tới.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, yếu tố quan trọng để ngành logistics phát triển là đầu vào (nguồn hàng). Bài toán đặt ra là làm thế nào để tỉnh Khánh Hòa trở thành điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa trong tương lai, không chỉ của địa phương, mà của cả khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên.
Giải quyết bài toán này, tỉnh Khánh Hòa đã và đang tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay… Trong đó, tỉnh sẽ khai thác tối đa lợi thế kết nối với Tây Nguyên, khi Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn I và Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (đoạn Vân Phong – Nha Trang) được hoàn thành.
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, các dự án này khi hoàn thành sẽ tạo ra mạng lưới liên kết, tạo động lực liên kết phát triển giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk, giữa Tây Nguyên và Nam Trung bộ, mà điểm kết nối chính sẽ nằm ở Khu kinh tế Vân Phong, do có vị trí thuận lợi về cảng nước sâu.
Khi đó, hàng hóa từ các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ sẽ tập trung về các cảng biển trong vịnh Vân Phong để xuất khẩu đi các quốc gia trong khu vực, trên thế giới. Ở chiều ngược lại, đây cũng là nơi đón hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.
Mới đây, tỉnh Khánh Hòa xây dựng kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đó, Khánh Hòa sẽ phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Địa phương này sẽ chú trọng phát triển các cảng tổng hợp, chuyên dùng cho tàu biển tải trọng lớn tại Vân Phong và Cam Ranh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Theo đó, cảng quốc tế Cam ranh sẽ phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của tỉnh, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, cũng như của cả nước và xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Khu kinh tế Vân Phong, có thể tiếp vận tàu container trọng tải tới 24.000 teu.
Tỉnh Khánh Hòa kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án dịch vụ logistics theo quy hoạch được duyệt để phát triển kết cấu hạ tầng logistics, ứng dụng công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển logistics theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.
“Việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 còn góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ logistics của tỉnh Khánh Hòa”, ông Tuân chia sẻ.
Không đứng ngoài “cuộc đua” này, Phú Yên cũng tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển 3 trung tâm logistics, gồm trung tâm logistics tại Đông Hòa và cảng cạn (ICD) phục vụ bến cảng Vũng Rô và bến cảng bãi Gốc; trung tâm logistics phía Tây TP. Tuy Hòa; trung tâm logistics Sông Cầu gắn với các khu công nghiệp.
Về đầu tư hạ tầng logistics, Phú Yên sẽ tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, hạ tầng giao thông – vận tải, hạ tầng kho bãi và ứng dụng mới trong logistics; xây dựng các trung tâm logistics tại Khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kết nối giữa Phú Yên với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; đầu tư xây dựng, nâng cấp cảng tổng hợp Vũng Rô đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Phú Yên và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Đặc biệt, mới đây, Phú Yên “bắt tay” tỉnh bạn Khánh Hòa, hợp tác phát triển nhiều lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có logistics. Theo đó, tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ giới thiệu, kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu đầu tư hình thành trung tâm logistics tại tỉnh Phú Yên để cùng liên kết với các trung tâm logistics của Khánh Hòa, tạo thế mạnh, đủ sức cạnh tranh trong vùng và khu vực; kêu gọi, vận động các doanh nghiệp sản xuất, chế biến của 2 tỉnh có nhu cầu đầu tư nhà máy tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa…
Với những nỗ lực mà các địa phương ở khu vực miền Trung đã và đang làm, “chuyến tàu” logistics được kỳ vọng sẽ ngày càng bứt tốc mạnh mẽ.