Có thể nói, TP. Nha Trang có đẹp, tiện ích, đẳng cấp hay không phụ thuộc rất nhiều vào không gian đô thị của gần 20km phía đông đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh quyết tâm giữ, mở rộng và nâng cấp dải không gian này, hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người dân và du khách.
Nâng tầm hướng biển
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, Đồ án quy hoạch phân khu khu vực phía đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng được UBND tỉnh phê duyệt năm 2014 đã bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại. Vì vậy, từ nhiều năm trước, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện điều chỉnh quy hoạch này theo hướng giảm số lượng dự án, công trình trong khu vực quy hoạch để phát triển công viên cây xanh, dịch vụ công cộng trên tuyến công viên bờ biển, đảm bảo phục vụ cộng đồng nhiều hơn. Sau nhiều lần góp ý, chỉnh sửa, mới đây, Thiết kế ý tưởng đô thị khu vực phía đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng do Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova và Công ty Cổ phần Đầu tư Đất Tâm tài trợ đã được Thường trực Tỉnh ủy thông qua. Có thể nói, thiết kế ý tưởng đô thị này đã nâng Nha Trang lên một tầm cao mới, trong đó có nhiều ý tưởng táo bạo.
Phối cảnh Bảo tàng A. Yersin được đề xuất xây dựng tại khu vực Nhà khách 378. |
Theo đại diện Tập đoàn NDA (đơn vị lập Thiết kế ý tưởng đô thị khu vực phía đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng), ngay khi bắt tay vào việc lập ý tưởng thiết kế, các chuyên gia, kiến trúc sư hàng đầu của tập đoàn đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa, ẩm thực và con người Nha Trang. Đội ngũ chuyên gia của Tập đoàn NDA xác định con đường dọc biển Nha Trang là hệ thống chính để liên kết đô thị thông qua đường giao thông, đường dạo, đường đạp xe và chuỗi quảng trường, công viên ven biển. Đây là mặt tiền chính tạo nên sức hấp dẫn của Nha Trang, là không gian thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ và cải thiện môi trường sống. Vì vậy, trong tương lai cần phải cải tạo bãi tắm, bổ sung và mở rộng dịch vụ tắm biển, mở rộng công viên, bổ sung dịch vụ công cộng. Đồng thời, tổ chức mạng lưới bến du thuyền, bến thủy nội địa, cảng du lịch cộng đồng gắn với khu chức năng ven biển. Bên cạnh đó, còn thiết kế đường đi xe đạp an toàn, thuận lợi, gắn với cảnh quan đa dạng và các tuyến phố sinh động.
Phối cảnh cầu An Viên bắc qua Cửa Bé. |
Ông Đặng Trung Chính – Giám đốc Văn phòng Tập đoàn NDA tại Việt Nam cho biết, hiện nay, dải ven biển của Nha Trang có những đặc tính riêng nhưng chưa thật sự nổi bật. Các vị trí quan trọng chưa được quan tâm và thiếu điểm nhấn đã làm giảm đi tính nhận diện của thành phố. Vì vậy, đơn vị tư vấn đề xuất tăng tính nhận diện của các khu vực thông qua đường nét thiết kế, không gian hoạt động tương ứng với từng khu vực; đồng thời kiến tạo các công trình điểm nhấn, không gian điểm nhấn cho toàn khu vực. Trong định hướng chung phát triển đến năm 2040, Nha Trang sẽ là trung tâm dịch vụ sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế, trở thành một tiêu chuẩn mới về chất lượng sống và làm việc với bờ biển xanh, sạch và phát triển bền vững, giàu bản sắc văn hóa, tổ chức giao thông đa dạng, thông minh, phù hợp. Với Thiết kế ý tưởng đô thị khu vực phía đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng, đơn vị tư vấn muốn biến Nha Trang có bờ biển đa dạng, trung tâm sự kiện, chăm sóc sức khỏe, văn hóa ẩm thực… tầm cỡ quốc tế.
Nhiều điểm nhấn nhận diện thành phố
Đơn vị tư vấn xác định một số điểm nhấn dọc bờ biển Nha Trang gồm: Cầu An Viên bắc qua Cửa Bé sẽ như một cổng chào ở phía nam của Nha Trang; dinh Bảo Đại nằm trên núi Cảnh Long được cải tạo, nâng cấp; nút giao giữa trục chính sân bay Nha Trang cũ và đường Trần Phú sẽ được xây dựng thành Nhà hát Đại Dương với nhiều khu chức năng. Ngoài ra, khu vực Nhà khách 378, cầu Trần Phú và cổng chào nằm ở cuối đường Phạm Văn Đồng cũng được xác định là các điểm nhấn giúp nhận diện Nha Trang.
UBND tỉnh đã thu hồi đất 5 biệt thự di tích trên lầu Bảo Đại để tôn tạo, khai thác, phục vụ cộng đồng. |
Toàn cảnh khu vực dọc biển phía nam Nha Trang cũng được cải tạo, tạo điểm nhấn tại cửa ngõ vào thành phố. |
Một trong những điểm mới của Ý tưởng thiết kế này là tạo ra một con đường đạp xe dài 20km xuyên suốt để ngắm cảnh bờ biển Nha Trang. Đường đạp xe trải dài từ cầu An Viên đến khu vực Vega City với màu sắc và vật liệu an toàn, tạo nên sự thoải mái cho người sử dụng. Hoạt động này giúp người dân, du khách có thể tiếp cận dễ dàng các điểm tham quan, các khu tiện ích và khám phá đường biển theo nhu cầu mỗi cá nhân. Tại khu vực Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara Nha Trang cũ sẽ xây dựng Ngôi làng của biển. Tại đây sẽ tháo dỡ phần lớn các công trình cũ, chỉ giữ lại và cải tạo một số công trình phục vụ thương mại, đảm bảo mật độ xây dựng không quá 5%. Đồng thời, cải tạo không gian thành một công viên với lối tiếp cận ra biển, giữ lại tối đa cây xanh hiện trạng, bổ sung các công trình phục vụ tiện ích. Tại dinh Bảo Đại sẽ chăm sóc cây xanh hiện trạng và trồng thêm nhiều cây mới, tạo đường đi dạo dưới bóng cây, các điểm ngắm cảnh trên núi; trùng tu 5 biệt thự cổ, mở cửa miễn phí khuôn viên dinh cho người dân và du khách đến như một vườn bách thảo. Tại vị trí Nhà khách 378 sẽ cải tạo thành Bảo tàng A. Yersin bằng cách giải phóng toàn bộ các cụm công trình, bố trí một bảo tàng theo chủ đề bác sĩ A. Yersin, khu thương mại, khu ngắm cảnh, uống cà phê, tạo điểm đến thu hút người dân và khách du lịch.
Phối cảnh cầu Trần Phú được cải tạo, mở rộng, có thêm lối đi bộ và lối đạp xe. |
Sơ đồ bồ trí các điểm xây dựng mới, cải tạo dọc công viên bờ biển đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng. |
Bên cạnh đó, cầu Trần Phú sẽ được cải tạo trên hiện trạng theo hướng mở rộng, có làn đi bộ, làn xe đạp và làn xe cơ giới, trở thành điểm nhấn độc đáo của Nha Trang. Tại khu vực phía bắc Nha Trang (đoạn gần núi Cô Tiên) sẽ xây dựng Công viên tịnh dưỡng và bến du thuyền với điểm nhấn là quảng trường ánh sáng, nhạc nước nghệ thuật, thiên đường ẩm thực, điểm ngắm hoàng hôn trên biển. Tại khu vực biển gần Hòn Đỏ (khu đất thu hồi Dự án Nha Trang Sao) sẽ xây dựng Công viên di sản văn hóa với nhiều điểm check-in, quảng trường di sản văn hóa có sức chứa hơn 11.000 người, sân trượt ván tầm cỡ quốc tế rộng hơn 1ha, cầu kính bắc qua chùa Từ Tôn, tượng đá khổng lồ cao 15m đối diện chùa Từ Tôn. Ngoài ra, các công trình như: Nhà hàng Bốn Mùa, Sailing Club, Nhà hàng Louisiane… được đơn vị tư vấn đề xuất tháo dỡ công trình kiên cố để cải tạo hiện trạng công viên, tạo không gian mở, thân thiện với khu vực xung quanh; mật độ xây dựng toàn khu được khống chế khoảng 2,17%; mật độ cây xanh sẽ tăng thêm 25% so với hiện tại; giao thông được thiết kế thông minh, kết nối thuận lợi, có nhiều bãi đỗ xe và trạm trung chuyển.
Ông NGUYỄN TẤN TUÂN – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Trong Thiết kế ý tưởng đô thị khu vực phía đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng, đơn vị tư vấn đã đề xuất nhiều phương thức vận chuyển và cải thiện môi trường, làm cho phương tiện vận chuyển thay thế ô tô trở nên hấp dẫn và khả thi hơn đối với công chúng. Mục tiêu thiết kế đô thị cơ bản tạo ra nhiều không gian mở có thể tiếp cận công khai hơn trong toàn thành phố. Những khu phát triển mới kết nối trực quan với các tòa nhà lân cận là cầu nối thành công giữa quá khứ và tương lai. Các công trình mang tính biểu tượng thể hiện đặc điểm đô thị độc đáo… Các công trình dịch vụ ven biển phù hợp với không gian và khớp nối hài hòa, tạo thành một khu vực bờ biển liên hoàn, liền mạch, đẳng cấp.
Một số ý kiến góp ý của các sở, ngành được thống nhất đưa vào Thiết kế ý tưởng đô thị khu vực phía đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng như: Cảng du lịch Nha Trang không xây dựng quy mô lớn, chỉ xây dựng bến tàu nhỏ, bến tàu dân sinh, hậu cần; xem xét phương án bảo tồn và cải tạo đối với 5 biệt thự cổ trên lầu Bảo Đại, không tác động đến cảnh quan khu vực phía đông núi Cảnh Long; khu vực đường Trần Phú đoạn sân bay Nha Trang cũ cần giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng lấn về phía công viên bờ biển; xem xét bảo tồn và cải tạo công trình Nhà truyền thống Yến sào Khánh Hòa.
VĂN KỲ
Kỳ 1: Nỗ lực giữ dải công viên ven biển
Kỳ 3: Phát huy nguồn lực toàn xã hội để tập trung hiện thực hóa