Khánh Hòa có bề dày 370 năm (1653-2023) xây dựng – phát triển gắn liền với lịch sử của dân tộc Việt Nam. Thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, diện tích đất liền 5.197km2, cùng với vùng biển đảo rộng lớn. Với hệ sinh thái núi – rừng – biển – đảo phong phú, đa dạng, Khánh Hòa được xem là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam. Nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, có hệ thống giao thông khá hoàn chỉnh, hệ thống dịch vụ, du lịch phát triển nên Khánh Hòa có nhiều điều kiện để giao lưu, kết nối đa dạng với các khu vực trong nước và quốc tế. Khánh Hòa còn được nhiều người biết đến với tên thơ mộng “Xứ Trầm Biển Yến”.
Là địa bàn sinh sống của 36 dân tộc anh em, với dân số gần 1,2 triệu người, Khánh Hòa có bề dày lịch sử văn hóa, với nhiều di sản văn hóa, di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử cổ, trung đại nổi tiếng như công cụ đá Hòn Tre (Nha Trang); đồ trang sức bằng đá, lõi ốc Xóm Cồn, Hòa Diêm (Cam Ranh); mộ chum Diên Sơn (Diên Khánh); xưởng chế tác đàn đá ở Dốc Gạo (Khánh Sơn); hòn ghè, bàn đập, khuôn đúc đồ đồng bằng đá ở Vĩnh Yên (Vạn Ninh), tháp bà Ponưga…
Từ năm 1653, thời chúa Nguyễn Phúc Tần, vùng đất Kauthara từ núi Đá Bia – Đèo Cả vào đến bờ bắc sông Phan Rang trở thành đơn vị hành chính của nước Đại Việt với tên gọi dinh Thái Khang, sau đó lần lượt đổi tên thành dinh Bình Khang (1690), dinh Bình Hòa (1803), trấn Bình Hòa (1808) và tỉnh Khánh Hòa (1832).
Trong suốt chiều dài lịch sử 370 năm (1653-2023), nơi đây luôn là bộ phận lãnh thổ, đơn vị hành chính cấp tỉnh của nước ta. Các thế hệ nhân dân Khánh Hòa đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, viết nên những trang sử vẻ vang, phản ánh sinh động những biến đổi to lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Trước hết, hòa vào dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XVI và XVII, công cuộc mở đất, lập làng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nước ta, dinh Thái Khang được thành lập. Sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi: Năm 1653, bắt đầu đặt dinh Thái Khang. Bấy giờ có vua nước Chiêm Thành là Bà Tấm xâm lấn Phú Yên, Chúa sai cai cơ Hùng Lộc (không rõ họ) làm Thống binh, xá sai Minh Vũ (không rõ họ) làm Tham mưu, lãnh 3000 quân đi đánh, lấy được đất đến sông Phan Rang. Bà Tấm sai con là Xác Bà Ân mang thư xin hàng. Hùng Lộc đem việc báo lên. Chúa y cho, khiến lấy sông Phan Rang làm giới hạn, từ phía đông sông đến địa đầu Phú Yên chia làm 2 phủ là Thái Khang và Diên Ninh. Đặt dinh Thái Khang giao Hùng Lộc trấn giữ. Phía tây sông Phan Rang vẫn về Chiêm Thành, bắt giữ lệ cống. Từ đây, vùng đất Kauthara trở thành phần lãnh thổ và tổ chức thành hệ thống các đơn vị hành chính thuộc nước Đại Việt của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Dinh Thái Khang có vị trí quan trọng trong quá trình Nam tiến của chúa Nguyễn sau này. Ở nơi đầu sóng ngọn gió chống lại các lực lượng xâm lược, cũng là nơi rất thuận lợi cho việc giao thương quốc tế, có địa thế hiểm trở về quân sự (thuận khi tấn công, vững chắc khi phòng thủ).
Vì vậy, ngay sau khi sáp nhập vào Đại Việt, bằng những chính sách ưu đãi của chúa Nguyễn đối với vùng đất mới, đông đảo người Việt, chủ yếu là những binh lính đồn trú cùng gia đình của họ từ vùng Nam-Ngãi-Bình-Phú chuyển vào sinh sống, xây dựng Thái Khang thành một miền đất trù phú, với những xóm làng ngày càng đông đúc. Nguồn nhân lực và vật lực của vùng đất mới đã làm tăng nhanh thanh thế và nội lực của triều đình chúa Nguyễn. Kinh tế ngoại thương đã phát triển khá nhanh chóng, thuyền bè ra vào thương cảng Vĩnh Điềm tấp nập, các làng nghề thủ công như gốm Lư Cấm, dệt chiếu…, đúc đồng Diên Khánh hoạt động thật nhộn nhịp. Những sản vật của núi rừng như trầm hương, mật ong, sáp ong, tô hạp, mây, lá buông,… cùng các sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, đường, mật… và mặt hàng thủy sản, yến sào Khánh Hòa đã có mặt ở những thương cảng lớn như: Hội An (Quảng Nam), Đông Nại Phố (Biên Hòa) và từ đó qua những thương thuyền của người Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Bồ Đào Nha… tỏa đi khắp nơi. Từ đây dinh Thái Khang trở thành địa vực với dân thịnh, binh hùng không những đủ sức tự vệ mà còn đảm đương vai trò trấn biên, mở rộng biên cương ở phía nam và vùng biển đảo phía đông của nước Đại Việt.
Có thể nói, Thái Khang xưa – Khánh Hòa nay, từ rất sớm đã trở thành một “vùng đất có hình thế trọng yếu ở một phương”, một phần lãnh thổ không thể tách rời và có vai trò quan trọng của nước Việt Nam như các sử gia thời phong kiến đã khẳng định.
Thứ hai, hòa vào dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XVIII và XIX, các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn đoàn kết chung sức, chung lòng vượt qua bao hy sinh, gian khổ trong các cuộc kháng chiến chống phong kiến, thực dân, đế quốc. Nhiều lớp thanh niên trai tráng các dân tộc ở Bình Khang đứng dưới ngọn cờ đào của người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ, chiến đấu chống chính quyền phong kiến thối nát ở Đàng Trong (1775–1795), tích cực tham gia cuộc chiến tranh chính nghĩa, chống cường quyền áp bức, dẹp thù trong, đánh tan giặc ngoài, mở đầu sự nghiệp thống nhất giang sơn Đại Việt. Vùng đất Bình Khang là nơi tranh chấp và là chiến trường quyết liệt giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Thời gian đầu, người dân hướng về Tây Sơn chống lại thế lực phong kiến tàn bạo ở Đàng Trong. Khi nội bộ Tây Sơn lục đục, suy yếu thì người dân hướng về Nguyễn Ánh, xây Thành làm cứ điểm quân sự, nơi tích trữ vũ khí, lương thực để tiếp tục hành trình thống nhất giang sơn đất nước. Đây là nét đẹp của nhân dân Khánh Hòa góp phần tô điểm truyền thống văn hóa con người Việt Nam.
Ngoài việc chống các thế lực cầm quyền áp bức, các dân tộc ở Khánh Hòa giàu lòng yêu nước, yêu quê hương nồng nàn. Khi giặc Pháp xâm lược nước ta, tại Đà Nẵng (01/9/1858), nhân dân Khánh Hòa cùng với cả nước hướng về mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng. Năm 1866, Hội Nam Trung Nghĩa sĩ đã liên lạc với người dân Khánh Hòa lập căn cứ kháng chiến ở xứ Đồng Châu (Vĩnh Xương); thành lập các đội hương binh; tích cực sản xuất, tích trữ lương thực, rèn đúc vũ khí chống Pháp xâm lược.
Năm 1885- 1886, phong trào Cần Vương chống Pháp ở Khánh Hòa nổ ra dưới sự lãnh đạo của Đề đốc Trịnh Phong đã thu hút hàng ngàn nghĩa quân bao vây, tấn công gây cho quân Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, và bởi âm mưu thâm độc, hèn hạ của kẻ thù, nên cuộc kháng chiến thất bại. Tuy thế, tấm gương của “Khánh Hòa tam kiệt, Quảng Phước tam hùng” mãi mãi in đậm trong ký ức và tâm hồn của nhân dân Khánh Hòa và trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Những năm đầu thế kỷ XX, vùng đất Khánh Hòa là nơi hội tụ các chí sĩ yêu nước theo tư tưởng duy tân. Năm 1908, hưởng ứng phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, nhân dân huyện Vĩnh Xương bao vây huyện đường đòi giảm thuế thân, chống bắt đi xâu. Chí sĩ yêu nước Trần Quí Cáp, người sáng lập Hội Duy Tân ở Quảng Nam đã khởi xướng phong trào Duy Tân, xây dựng lực lượng, mở mang dân trí để cứu nước ở Khánh Hòa. Thực dân Pháp đàn áp phong trào, Ông bị bắt và xử chém vào ngày 17 tháng 5 năm Mậu Thân (nhằm ngày 15/6/1908) tại gò sông Cạn – Diên Khánh. Phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Khánh Hòa vẫn tiếp tục phát triển theo dòng chảy lịch sử phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam.
Thứ ba, hòa vào dòng chảy lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, dân nhân Khánh Hòa đã lập nhiều chiến công hiểm hách, góp phần tô đậm truyền thống lịch sử Việt Nam thời hiện đại. Năm 1925, thầy giáo Hà Huy Tập (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 26/7/1936 – 30/3/1938) và thầy giáo Ngô Đức Diễn dạy học ở Khánh Hòa. Những hoạt động truyền bá tư tưởng cách mạng vô sản của hai thầy đã nhen nhóm những cơ sở đầu tiên của Đảng Tân Việt, góp phần rất quan trọng vào cuộc vận động thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại tỉnh Khánh Hòa. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì ngày 24/02/1930, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa chính thức được thành lập do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm Bí thư. Ngày 01/5/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Khánh Hòa mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, có cờ đỏ búa liềm, truyền đơn, biểu ngữ. Ngày 16/7/1930, gần 1.000 người dân huyện Ninh Hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiến hành cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, ủng hộ Liên bang Xô Viết, sự kiện đó là một mốc son tươi thắm trong những trang sử vàng của quê hương và trở thành Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Khánh Hòa.
Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng bộ Khánh Hòa đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh giành chính quyền sớm so với nhiều địa phương trong nước ở các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa và đúng ngày 19/8/1945, tại sân vận động Nha Trang, lực lượng quần chúng cách mạng đã lật đổ chính quyền phong kiến, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng ở Khánh Hòa, cùng thời gian với thủ đô Hà Nội. Chỉ sau đúng 1 tháng Nam bộ Kháng chiến (23/9/1945) thì ngày 23/10/1945, quân và dân Khánh Hòa bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, mở đầu cho cuộc kháng chiến ở miền Trung với trận chiến kéo dài 101 ngày đêm chiến đấu bao vây quân giặc Pháp tại Mặt trận Nha Trang, lập nên những chiến công vang dội, được Bác Hồ kính yêu gửi điện khen “đã làm gương anh dũng cho toàn quốc”. Ngày 18/10/1946, trên đường từ nước Pháp trở về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc hội kiến với Cao ủy Pháp Đắc-Giăng-li-ơ (D’Argenlieu) tại vịnh Cam Ranh để bàn thực thi Tạm ước, tìm kiếm cơ hội độc lập, hòa bình cho Việt Nam. Đây là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam.
Liên tiếp trong hai cuộc kháng chiến vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng bộ và quân dân Khánh Hòa đã đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng nhân dân Khánh Hòa đã đoàn kết một lòng, cùng nhân dân cả nước viết tiếp những trang sử chói lọi, hết đánh Pháp, rồi đuổi Mỹ, đập tan chính quyền tay sai cho đến ngày quê hương hoàn toàn sạch bóng quân thù.
Mỗi sự kiện lịch sử, mỗi phong trào đấu tranh của Khánh Hòa đều góp phần tô thắm trang sử vàng của dân tộc ta. Điển hình trong kháng chiến chống Pháp với những trận đánh ngày 02/0/1946, sau khi làm phá sản kế hoạch “Đánh nhanh, thắng nhanh” của Pháp, lực lượng ta rút về Tứ thôn Đại Điền, căn cứ Đồng Trăng, núi Chín Khúc, Đồng Bò, xây dựng lực lượng kháng chiến lâu dài. Chiến dịch Trường Chinh năm 1949, chống chiến dịch Atland đầu năm 1954, phối hợp với chiến trường chung cả nước, trên chiến trường chính Bắc Khánh (Ninh Hòa, Vạn Ninh), chiến trường Nam Khánh (Diên Khánh, Nha Trang), quân dân Khánh Hòa đã liên tục tiến công tiêu diệt quân Pháp, góp phần phân tán quân địch, “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ.
Trong kháng chiến chống Mỹ với các phong trào bám đất, bám dân, hình thành thế trận từ trong dân, giải phóng vùng miền núi Khánh Hòa năm 1960 và phong trào “đồng khởi” giải phóng đồng bằng những năm 1964-1965, tiên phong trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 19683. Đặc biệt tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chỉ đạo các lực lượng cách mạng tích cực chuẩn bị, sẵn sàng đón lấy thời cơ…với các sự kiện trận đánh “chọt thủng lá chắn thép” Đèo Phượng Hoàng từ ngày 30/3 đến 01/4/1975 thắng lợi và được sự hỗ trợ của sư đoàn 10 chủ lực, quân dân Khánh Hòa đã phối hợp tấn công và nổi dậy giải phóng quê hương, xây dựng chính quyền cách mạng. Ngày 2/4/1975, Khánh Hòa hoàn toàn giải phóng trở thành hậu phương trực tiếp cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ tư, trên con đường xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước thống nhất, Khánh Hòa luôn là một trong những ngọn cờ tiên phong.
Sau ngày giải phóng, nhân dân Khánh Hòa đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đạt nhiều thành tích quan trọng, góp phần đáng kể trong thắng lợi chung của đất nước; nhân dân trong tỉnh đoàn kết ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, thiên tai; ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn tỉnh. Bộ mặt quê hương có nhiều thay đổi: sản xuất được phục hồi, tình hình trật tự xã hội và đời sống nhân dân từng bước ổn định, chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước được thực hiện có hiệu quả… đạt nhiều thành tựu quan trọng về trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội.
Sự kiện nổi bật là ngày 28/12/1982 Nghị quyết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định sát nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh và sau ngày tái lập tỉnh (01/7/1989), Trường Sa là một huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Có thể nói, xây dựng và bảo vệ Trường Sa có ý nghĩa quan trọng, mang tầm vóc chiến lược không chỉ đối với Khánh Hòa mà là đối với cả nước. Cuộc chiến đấu anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa năm 1988 được nhân dân cả nước và thế giới ca ngợi… Hành động chiến đấu anh dũng, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Hải quân nhân dân Việt Nam, quân và dân huyện Trường Sa ngày 14/3/1988 là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về lòng dũng cảm, tình đoàn kết thương yêu đồng chí, đồng đội và tình người trong sáng, thuỷ chung sắt son tiếp tục tô thắm thêm lịch sử dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới.
Thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được trong suốt chặng đường đầy khó nhọc mà rất đỗi tự hào ấy, nhân dân Khánh Hòa nỗ lực tạo dựng nền tảng, phát triển nhanh trong xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội.
Nhiều chương trình kinh tế – xã hội trọng tâm, trọng điểm được lựa chọn và tập trung thực hiện như: chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển đô thị, chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình phát triển nguồn nhân lực. Điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đầu tư thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch, dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp; ưu tiên đầu tư nhằm hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng; khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, tạo ra những khởi sắc toàn diện, đưa Khánh Hòa vươn lên trong công cuộc đổi mới đất nước với những con số, sự kiện khá ấn tượng, tiêu biểu là: ngày 10/3/1997, Câu lạc bộ những Vịnh đẹp nhất thế giới (Club of the Most Beautiful Bays of the World – world-bays) đã bình chọn Vịnh Nha Trang là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, mở ra cơ hội cho sự phát triển của Khánh Hòa nói riêng, Việt Nam nói chung. Năm 2012, sân bay Quốc tế Cam Ranh được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn 4 sao, được bình chọn thứ 2 top nhà ga được khách hàng hài lòng nhất và được xếp hạng thứ 2 giải thưởng routes asia 2019 marketing awards, hàng năm thu hút hàng chục triệu lượt du khách đến với Khánh Hòa. Các di sản, giá trị văn hóa, lịch sử được giữ gìn, phát huy như Thành cổ Diên Khánh, Tháp Bà Ponagar Nha Trang, Văn miếu Diên Khánh, Lăng Bà vú (Ninh Hòa), Chùa Long sơn (Nha Trang) cùng bao nhiêu làng nghề và bao nhiêu lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa Việt… nhiều dự án bảo tồn tài nguyên biển, nhiều dự án bảo vệ môi trường đang tiếp tục được triển khai, cùng với các dự án nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và xây dựng hệ thống khách sạn và các cơ sở dịch vụ mang tầm cỡ quốc tế để đón bạn bè năm châu đến với Nha Trang – Khánh Hòa. Có thể nói, thực hiện công cuộc đổi mới, Khánh Hòa đã có sự phát triển nhanh chóng, diện mạo các vùng đô thị – nông thôn dần khởi sắc, theo hướng khang trang, hiện đại hơn, góp phần tô thắm hình ảnh dân tộc Việt Nam.
* *
*
Nhìn lại quá trình Khánh Hòa 370 năm (1653-2023) hình thành và phát triển trong dòng chảy liên tục của lịch sử dân tộc Việt Nam, đến hôm nay chúng ta càng thấy xúc động và tự hào về quá khứ hào hùng, về công lao to lớn của các thế hệ cha ông – những người đã đổ biết bao mồ hôi và cả xương máu để khai phá, xây dựng và bảo vệ không chỉ quê hương Khánh Hòa, mà còn góp phần làm rạng danh dân tộc Việt Nam. Đó chính là niềm tự hào và động lực, động viên, cổ vũ lớn lao để nhân dân các dân tộc tỉnh nhà quyết tâm “xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc trung ương, phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực Nam Trung Bộ” như tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị, tiếp tục xây dựng quê hương Khánh Hòa ngày càng giàu đẹp, góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
PGS.TS Chu Đình Lộc
Trường Đại học Khánh Hòa Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Khánh Hòa