Cầm quyển sách bé nhỏ nhưng nặng trĩu một niềm yêu thương về một Thạch Lam tài hoa, cái tên từ lâu đã gắn với những áng văn vô cùng đẹp đẽ và cảm sắc: Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc, Ngày mới…, đặc biệt là tập bút ký Hà Nội băm sáu phố phường. Cuốn sách được in năm 1943 sau 1 năm Thạch Lam mất (tháng 6-1942).
Đã 80 năm trôi qua kể từ khi những trang ký nhỏ nhắn xinh xắn về Hà Nội có tên Hà Nội băm sáu phố phường thực sự đem lại thổn thức cho bạn đọc nhiều thế hệ. Trong lời tựa cho cuốn sách, nhà văn Khái Hưng đã nâng niu những dòng chữ tha thiết cho Thạch Lam (lúc này đã mất): “Người yêu Hà thành thấm thía hơn, âm thầm hơn là Thạch Lam”.
… Thạch Lam lưu tâm nhất đến cuộc sống hàng ngày của Hà thành, đến những cái thú con con của dân thành phố… Thạch Lam thực là nghệ sĩ, một thi sĩ về khoa thẩm vị. Nghệ sĩ muốn tận hưởng. Thi sĩ tìm cảm hứng trong vi tế cũng như trong vĩ đại. Hiểu nổi Thạch Lam tất đã phải biết như Thạch Lam rằng: “Ăn quà là một nghệ thuật; ăn đúng cái giờ ấy và chọn người bán mới là người sành ăn…”.
Thạch Lam không quên một thứ quà rong nào, mỗi thứ Thạch Lam đều tả hết cái hương vị, cái hình thức đặc biệt của nó, hương vị và hình thức truyền lại không biết tự đời nào. Nếu Thạch Lam thích làm thơ thì hẳn đã viết những bài Đường luật hay tứ tuyệt để vịnh chiếc bánh rán nóng một xu hai, hay cô hàng cơm nắm lẳng lơ với hai quang thúng bỏ chùng trông cũng ngon mắt như quà của cô vậy…
Thạch Lam vĩnh biệt Hà Nội, giữa một công cuộc mà anh đã tỏ ra có đủ tài năng để theo đuổi tới đích: Công cuộc soạn một pho Hà Nội sử ký. Nếu anh còn ráng ở lại với chúng ta thì ngòi bút linh động của anh tả cái Hà Nội hiện thời, hẳn phải làm chúng ta… “
Nhà văn Thạch Lam tên là Nguyễn Tường Lân, sinh ngày 7-7-1910 tại Hà Nội trong một gia đình công chức quan lại, là con thứ sáu trong gia đình có 7 anh em. Thạch Lam là em của 2 anh ruột nổi tiếng: Nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long). Ông gia nhập Tự lực văn đoàn do Nhất Linh sáng lập. Thạch Lam viết truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, thời đàm, phê bình văn học và làm công việc biên tập cho các tuần báo như Phong hóa và Thời nay. Hầu hết các sáng tác của Thạch Lam đều được đăng báo trước khi in thành sách. Cuốn Hà Nội băm sáu phố phường được in sau khi ông qua đời. Ông lập gia đình năm 25 tuổi, có 3 người con. Một tuổi thơ nhọc nhằn với cuộc sống lao lực đã làm ông sớm bị lao phổi, một bệnh nan y thời bấy giờ. Ông mất tại nhà riêng ở làng Yên Phụ ven Hồ Tây vào ngày 27-6-1942, lúc 32 tuổi, khi những ý tưởng sáng tạo đang còn tràn đầy.
Ra đi khi tuổi đời còn trẻ nhưng trước thử thách của thời gian, tác phẩm của Thạch Lam đã chứng tỏ sức sống lâu bền. Không cần chi tiết, tình huống xung đột kịch tính để hấp dẫn người đọc, bằng lối kể chuyện như tâm tình, những cảnh đời, số phận bé nhỏ trong văn Thạch Lam hiện lên vừa gần gũi vừa lung linh. Có lẽ bởi văn phong trong sáng giản dị giàu chất nhân văn đã chinh phục bạn đọc nhiều lứa tuổi nhiều thế hệ.
Thạch Lam đã viết những dòng về Hà Nội băm sáu phố phường: “Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải… trong các sách vở, trên báo chí họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu… Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố có nhiều vẻ đẹp vì Hà Nội đẹp thật… Hà Nội có một sức quyến rũ đối với các người ở nơi khác, những hang cùng ngõ hẻm cùng làng xa hay ở nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một chân trời để cố trông ánh sáng mờ của Hà Nội…”.
Hà Nội băm sáu phố phường – cuốn sách nhỏ xinh dịu dàng sâu lắng như Hà Nội nghìn năm văn hiến, điều mà chỉ Thạch Lam mới đem lại qua trang sách kỳ diệu này.
DƯƠNG TRANG HƯƠNG