Theo thống kê mới nhất, có ít nhất 34 ngôn ngữ, chữ viết trên thế giới với 46 bản dịch khác nhau về “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua các bản dịch, các nhà nghiên cứu trên thế giới đã hiểu được ý nghĩa nội dung và hình thức thể hiện của tập thơ độc đáo của Bác. Qua đó, các ý kiến đánh giá đồng nhất: Tập thơ không chỉ thể hiện khí phách cách mạng phi thường, có giá trị nhân văn sâu sắc mà còn giàu giá trị nghệ thuật thơ ca.
Hiện nay có hai hướng nghiên cứu, đánh giá “Nhật ký trong tù” trong học giới nước ngoài, đó là: Nghiên cứu, dẫn giải nội dung; đi sâu phân tích các thủ pháp nghệ thuật thơ ca mà Hồ Chí Minh sử dụng.
Các nhà nghiên cứu nội dung (chủ yếu là các học giả ngoài khu vực châu Á) đa phần không biết chữ Hán, không quá am tường văn hóa Việt Nam và Trung Quốc. Vì không thể đọc nguyên tác nên các học giả này chủ yếu nghiên cứu qua bản dịch. Ai cũng biết, dẫu bản dịch có công phu nhường nào vẫn không thể hiện hết ý nghĩa, sự tinh tế của thơ ca qua nhạc điệu, cách chơi chữ, đặc trưng thể loại thơ Đường luật… Đó là hạn chế lớn nhất của những nhà nghiên cứu theo hướng nội dung khi chỉ nghiên cứu được “một nửa” tập thơ. Thực chất, họ cũng chỉ muốn nắm bắt nội dung tập thơ để hiểu phẩm chất, tâm hồn, những suy nghĩ thầm kín của lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh.
Bản dịch tiếng Hàn “Nhật ký trong tù” của Giáo sư Ahn Kyong Hwan |
Sau khi đọc hiểu nội dung, các học giả đều bày tỏ khâm phục ý chí cách mạng, tinh thần lạc quan của Hồ Chí Minh. Dịch giả Xosé Neira Vilas (1928-2015), người dịch “Nhật ký trong tù” sang chữ Galicia-một trong 5 ngôn ngữ chính thức của Tây Ban Nha, viết: “Ốm đau, phiền muộn và đắm chìm trong nỗi ghê sợ bao quanh mình, Hồ Chí Minh vẫn tìm thấy sức mạnh để viết nên những câu thơ trong trẻo và đẹp đẽ… Những bài thơ ngắn được ông dệt nên một cách súc tích, trong bóng tối của phòng giam, bất chấp đói rét, khổ đau và bệnh tật. Nhà thơ và nhà cách mạng hòa quyện làm một trong ông”. Giáo sư Cho Chae Hyeon (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Hàn Quốc) trong lời giới thiệu bản dịch tiếng Hàn “Nhật ký trong tù” của GS Ahn Kyong Hwan, nhận định: “Tôi tin tưởng rằng, thông qua bản dịch này, người Hàn Quốc sẽ hiểu rõ hơn vị anh hùng đã đưa dân tộc Việt Nam đến hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do… Người đọc Hàn Quốc sẽ hiểu rõ hơn về Việt Nam, hiểu thêm tính nhân bản, nhân văn của Việt Nam thông qua Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Hướng nghiên cứu sâu sắc, kỹ lưỡng hơn là nghiên cứu nghệ thuật thơ ca trong “Nhật ký trong tù” để khẳng định nhà cách mạng Hồ Chí Minh còn là một nhà thơ lớn. Giáo sư, Tiến sĩ, dịch giả người Séc Ivo Vasiljev (1935-2016) là một học giả phương Tây hiếm hoi thông thạo tiếng Việt, chữ Hán, “sành sỏi” văn hóa phương Đông nên ông đã có những nhận xét rất tinh tế: “Không thể phủ nhận sự hoàn mỹ về hình thức trong các dòng thơ Hán văn của Hồ Chí Minh. Nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ, tương phản, nghịch lý, nghệ thuật chơi chữ và nghệ thuật trào phúng. Tập thơ bao gồm cả những bài thơ minh chứng cho tài năng điêu luyện của tác giả: Hồ Chí Minh đã sử dụng thành thục ngôn ngữ và chữ viết Trung Quốc tới mức ông đã tổ chức thể thơ tứ tuyệt khép kín vô cùng hiệu quả từ nghệ thuật chơi chữ tượng hình, trong đó tự mỗi chữ đều chứa một ẩn ý, một ý nghĩa độc lập, tự thân và chiều sâu tư tưởng, đồng thời mọi con chữ và bốn câu thể tứ tuyệt đó đều phục tùng một tư tưởng thống nhất”.
Ở hướng nghiên cứu này, các học giả Trung Quốc có nhiều nghiên cứu hơn cả vì đơn giản là quen thuộc với ngôn ngữ, thể thơ mà Hồ Chí Minh sử dụng. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu Việt Nam, có hàng chục bài viết khoa học về nghệ thuật thơ ca “Nhật ký trong tù”. Nổi bật là tác giả Đặng Thế Long với bài viết “Thử bình tuyển thơ “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh” (1990), khẳng định: Ngôn ngữ thơ có tính bình dân và mang vẻ đẹp của âm nhạc; tác phẩm thể hiện sự kết hợp giữa phong cách nghị luận và trữ tình. Tác giả đã sử dụng hàng loạt thủ pháp nghệ thuật phức tạp như: Mô phỏng nhân hóa, tỉ dụ hình tượng hóa, phản ngữ, vấn đáp, châm biếm…
Tổng hợp những ý kiến đánh giá của các học giả nước ngoài có thể nhận định: Bạn bè quốc tế dịch và nghiên cứu “Nhật ký trong tù” của Bác vì giá trị tự thân về nghệ thuật và văn hóa, không chỉ đơn thuần là vì nhân thân tác giả.
Theo qdnd.vn