Hiện nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Khánh Hòa chưa như kỳ vọng. Để đạt được mục tiêu giải ngân từ 95% trở lên vào cuối năm, các chủ đầu tư và địa phương cần nỗ lực nhiều hơn nữa.
Tỷ lệ giải ngân chưa cao do nhiều nguyên nhân
Năm 2023, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 7.014 tỷ đồng vốn đầu tư công. Tính đến ngày 10-9, tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn được hơn 6.014 tỷ đồng, còn 1.000 tỷ đồng chưa phân bổ. Tính đến tháng 9, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt 52,4% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 61,2% so với kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao thực tế. Tỷ lệ giải ngân chưa cao do nhiều nguyên nhân. Về nguyên nhân khách quan, đối với nguồn vốn trái phiếu chính quyền địa phương chưa phân bổ là 1.000 tỷ đồng, đến nay, tỉnh đã hoàn thành xây dựng đề án sơ bộ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, nhưng các bước tiếp theo vẫn phải đợi ý kiến hướng dẫn chi tiết của Bộ Tài chính. Đối với các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục dạy nghề thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, hiện nay, tỉnh chưa thể triển khai thủ tục đầu tư các dự án do các bộ, ngành Trung ương chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức liên quan đến ngành, lĩnh vực được phân công quản lý để làm cơ sở lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư cho các dự án không có cấu phần xây dựng theo quy định của Luật Đầu tư công. Bên cạnh đó, Dự án Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ được bố trí vốn cho huyện Cam Lâm, nhưng do huyện đang thực hiện các quy hoạch mới nên UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép điều chỉnh dự án sang huyện Khánh Vĩnh. Tuy nhiên, hiện nay, bộ vẫn chưa trả lời nên tỉnh không thể giải ngân kế hoạch vốn trong năm 2023 đối với dự án này.
Xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang. |
Về nguyên nhân chủ quan, công tác giải phóng mặt bằng, kiểm đếm, thẩm định và phê duyệt đơn giá, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án vẫn còn chậm. Ngoài ra, thủ tục đầu tư của các dự án còn thực hiện chậm, dẫn đến việc phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 chậm, nhất là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các dự án đầu tư công trọng điểm của tỉnh…
Cố gắng hoàn thành mục tiêu từ 95% trở lên
Thời gian qua, UBND tỉnh đã tổ chức các cuộc họp nghe chủ đầu tư báo cáo tiến độ giải ngân các dự án để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng trực tiếp theo dõi, kiểm tra thực địa tại các dự án, chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công; đẩy mạnh công tác bồi thường giải tỏa và thủ tục đầu tư của các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 đã giao.
Cùng với đó, UBND tỉnh tiếp tục trình HĐND tỉnh phân bổ, rà soát, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2023 của các dự án hoàn thành, hết nhiệm vụ chi năm 2023 để bố trí cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn trong năm nay. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Đề án giảm nghèo bền vững của 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh giai đoạn 2022 – 2025, nhóm các dự án trọng điểm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các chủ chương trình, đề án, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư để phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2023. Riêng với nguồn vốn trái phiếu, UBND tỉnh đã dự kiến danh mục sử dụng 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính quyền địa phương năm 2023 và chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục đầu tư để đủ điều kiện giao kế hoạch vốn năm 2023 sau khi Đề án trái phiếu chính quyền địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Công trình đường giao thông Quốc lộ 1 đi Đầm Môn (huyện Vạn Ninh). |
Ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: “Thông thường, tỷ lệ giải ngân những tháng cuối năm sẽ rất cao. Trong 3 năm gần đây, quý IV thường có tỷ lệ giải ngân cao gấp 2 lần các quý trong năm. Từ nay đến ngày 31-1-2024 (thời gian kết thúc giải ngân của năm), tỉnh sẽ gấp rút giải ngân vốn, cố gắng hoàn thành mục tiêu giải ngân đạt từ 95% trở lên. Để phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ODA cấp phát và vốn vay lại Chính phủ năm 2023 của tỉnh là 304,8 tỷ đồng của Dự án Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ – tỉnh Khánh Hòa và Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án TP. Nha Trang. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tài chính sớm có văn bản cho ý kiến đối với nội dung Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tỉnh có cơ sở tổ chức phát hành trái phiếu năm 2023 theo đúng quy định, nhằm hoàn thành phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao”.
ĐÌNH LÂM