Những ngày này, tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa (số 16 Trần Phú, TP. Nha Trang) diễn ra hoạt động trưng bày bộ sưu tập nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam. Đến đây, công chúng được xem các hiện vật, hình ảnh, tư liệu giới thiệu về những loại nhạc cụ đặc trưng của một số dân tộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên và Khánh Hòa.
Những nhạc cụ đặc trưng
Ngay giữa không gian trưng bày bộ sưu tập là những chiếc trống đồng Đông Sơn được các nhà khảo cổ học tìm thấy trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2 chiếc được khai quật ở TP. Nha Trang và 2 chiếc tại thị xã Ninh Hòa. Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã khẳng định, đây đều là sản phẩm của cư dân Đông Sơn, thể hiện qua hình dáng, hoa văn, kỹ thuật đúc đồng. Sự xuất hiện của những chiếc trống đồng Đông Sơn ở Khánh Hòa, cũng như ở một số tỉnh, thành khác khu vực Nam Trung Bộ là minh chứng khá rõ ràng, thể hiện sự ảnh hưởng, giao lưu mạnh mẽ giữa các nền văn hóa thời tiền sử và sơ sử ở nước ta.
Các bạn trẻ xem hiện vật trống đồng Đông Sơn được tìm thấy trên địa bàn tỉnh. |
Tiếp nối là khu vực trưng bày các bộ đàn đá Khánh Sơn. Tuy đây không phải là những bộ được phát hiện vào năm 1979, nhưng các bộ đàn đá mới được chế tác, cùng những hình ảnh tư liệu đã phần nào giúp người xem hình dung được về những giá trị vật chất, tinh thần của một trong những loại nhạc cụ độc đáo của đồng bào Raglai trên địa bàn tỉnh. Ngoài đàn đá, trong bộ sưu tập nhạc cụ các dân tộc được trưng bày lần này còn có một số nhạc cụ khác của người Raglai như: Đàn chapi, mã la, kèn bầu…
Khu vực giới thiệu nhạc cụ của đồng bào Ê-đê có dàn chiêng, gồm các loại chiêng bằng lớn (chiêng ông), chiêng núm lớn (chiêng mẹ), chiêng bằng nhỏ (chiêng con). Dù vẫn còn thiếu chiêng núm nhỡ (chiêng bố), chiêng núm nhỏ (chiêng cậu) theo chuẩn một dàn chiêng thường được đồng bào Ê-đê sắp xếp, nhưng dàn chiêng trưng bày đã phần nào cho mọi người biết về tầm quan trọng của loại nhạc cụ này đối với đồng bào Ê-đê. Người xem cũng có thể tìm hiểu một số nhạc cụ khác của người Ê-đê được làm từ tre nứa như: Kèn đinh năm, sáo đinh buốt, đàn T’rưng, chiêng tre (ching kram), đàn goong, tù và sừng trâu…
Tại gian phòng giới thiệu về nhạc cụ của đồng bào Chăm, công chúng được tìm hiểu đàn kanhi, trống ghinăng, trống paranưng, kèn saranai… đều được người Chăm sử dụng trong các lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Với đồng bào Chăm, nhạc cụ không chỉ đơn thuần phục vụ cho đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư, mà còn là sợi dây kết nối giữa con người với thế giới thần linh và những người đã khuất…
Mang đậm giá trị văn hóa
Bộ sưu tập nhạc cụ truyền thống các dân tộc tuy chưa thể giới thiệu được hết những loại nhạc cụ trong kho tàng nhạc cụ dân tộc Việt Nam, nhưng trong phạm vi trưng bày chuyên đề cũng phần nào đưa đến cho công chúng những hình dung cơ bản về mặt vật chất, giá trị tinh thần của các loại nhạc cụ đối với đời sống của người dân. “Đến xem các hiện vật, hình ảnh, tư liệu về nhạc cụ các dân tộc, tôi biết thêm những thông tin giá trị, tầm quan trọng của nhạc cụ đối với người dân. Mỗi loại nhạc cụ đều chứa đựng câu chuyện của riêng mình từ nguồn gốc ra đời cho đến cách sử dụng. Cách sắp xếp, bài trí các hiện vật, hình ảnh cũng khá hợp lý, giúp người xem dễ theo dõi. Giá như hoạt động trưng bày này được giới thiệu rộng rãi hơn”, em Trần Quang Huy – sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa cho biết.
Không gian giới thiệu bộ chiêng của đồng bào Ê-đê và bộ mã la của đồng bào Raglai. |
Theo ông Nguyễn Thanh Phong – Giám đốc Bảo tàng tỉnh, hoạt động trưng bày bộ sưu tập nhạc cụ truyền thống các dân tộc diễn ra từ ngày 23-9 đến 23-11. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ một số bộ sưu tập giá trị về các dân tộc từ các đợt khai quật di chỉ khảo cổ học, hoặc từ những chuyến đi sưu tầm trong nhân dân như: Bộ sưu tập trang phục, trang sức; bộ sưu tập dụng cụ, công cụ lao động sản xuất; bộ sưu tập về chủ đề lễ hội truyền thống các dân tộc… Trong đó, bộ sưu tập nhạc cụ truyền thống các dân tộc là một trong những bộ sưu tập hiện vật, hình ảnh, tư liệu giá trị độc đáo, mang tính đặc trưng cao. Thông qua hoạt động trưng bày bộ sưu tập này, đơn vị mong muốn góp phần giới thiệu cho mọi người biết thêm về âm nhạc truyền thống của các dân tộc với những giá trị tinh thần to lớn. Ngoài ra, hoạt động trưng bày còn hướng đến tuyên truyền đến công chúng về cái hay, cái đẹp của các loại nhạc cụ dân tộc, cũng như ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị di sản văn hóa của người xưa để lại.
GIANG ĐÌNH