Ở Diên Khánh quê tôi, đa phần tên chợ được gọi theo tên xã. Riêng chợ lớn nhất là chợ Thành gọi theo tên di tích Thành cổ Diên Khánh.
Chợ Thành cách nhà cũ của tôi khoảng 300m, thời tuổi nhỏ tôi xách giỏ theo má đi chợ, hay má sai đi mua gì đó nên tôi quen thuộc từ dãy cửa tiệm bên ngoài cho đến các hàng trong chợ; từ tạp hóa, hàng khô đến vải vóc, bạt nhựa, bao bì, cá thịt và cả tên người bán hàng.
Chợ Diên An. |
Tôi nhớ chợ hồi ấy có hai phần phân biệt. Từ phía đường Phan Bội Châu vô chợ có các hàng tạp hóa, kim chỉ nút, cau trầu, đồ khô… Ra phía sau là hàng thịt, hàng cá sau cùng. Chợ vải, hàng may, chiếu, mùng mền… nằm trong khu vực cao hơn có bậc cấp bước lên. Đứa con nít lon ton theo má đi chợ, trong khi chờ má nói chuyện với cô bán vải, nó hết miết tay lên vải rồi hít hà mùi vải và tận hưởng cảm giác mát lạnh khi áp má vào những cây vải xếp thành chồng cao…; hay khi chờ má ở hàng gạo, nó sục tay vào thúng gạo rồi rút tay ra ngửi mùi thơm của cám… Hàng đậu cũng vậy, thể nào tôi cũng lén thò tay bốc một nắm đậu xanh, đậu đen, đậu phộng rồi thả cho nó rớt xuống lại. Là tôi bắt chước má khi mua đậu má hay vốc nắm đậu, nhìn hạt đậu rồi quyết định mua hay không.
Bánh ướt chợ quê. |
Ấn tượng nhất với đứa trẻ lên mười là ở những hàng cá. 2 – 3 người khiêng con cá đuối to như cái nia thả “bạch” xuống nền xi măng. Bà bán cá đưa con dao sắc lẻm rạch bụng cá hai đường chữ thập thật ngọt, rồi bà lấy ra cái gan cá bỏ vào rổ; hay bà mổ bụng con cá nhám lôi ra con cá nhỏ gọi là cá nhám em. Má tôi hay mua cá này về nấu cháo, con cá không xương, chỉ có sụn, ăn ngon lắm. Chợ Thành bây giờ quy mô hơn ngày xưa, các khu vực bán hàng được phân theo nhóm ngành hàng, không khác các chợ lớn ở Nha Trang…
Những ngày giáp Tết, tôi thích đi về các chợ vùng quê hơn, những ngôi chợ nhỏ, với các sản vật quê thân thương như: Khổ qua, rau, bí, mướp cuống còn tươi nhà vừa hái đem ra chợ… Trái cây, bánh chưng, bánh tét, thịt ngâm, dưa món, củ kiệu, mứt các loại đầy đủ. Ngoài những chợ gắn với tên xã: Chợ Diên An, Diên Thạnh, Diên Toàn, Diên Phú, Suối Tiên, Diên Tân…, có những tên chợ khá dễ thương như: Chợ Gò Đình thuộc thị trấn, chợ Cây Giáng Hương, chợ Cây Me ở Diên Lạc, hay những chợ gọi theo tên thôn: Đại Điền Trung, Đại Điền Đông…
Chợ Gò Đình. |
Chợ quê na ná nhau tùy theo chợ lớn hay nhỏ, có những chợ khá sầm uất nhưng cũng có chợ nhỏ nhỏ hay hay như chợ Diên Tân, Diên Lộc… Với riêng tôi, ở mỗi chợ lại có những hàng quen theo thứ tôi thích. Tôi thường mua hẹ sẻ ở chợ Diên An, hẹ nhà trồng, tươi ngọt. Một lần, tôi được bạn đãi ăn bánh ướt nóng ở một hàng gần chợ Cây Giáng Hương, đúng điệu bánh ướt Thành xưa. Trên đường về lại Nha Trang, tôi ghé chợ Cây Me mua bó rau, trái bí, trái mướp… nhà vườn hái ra bán sớm.
Có hôm tôi đi qua chợ Gò Đình chỉ để mua chục bánh thuẫn ở một hàng ngay đầu chợ; lại có hôm tôi chạy xe cả chục cây số lên chợ Diên Lộc nằm trên cánh đồng chỉ để ăn chén xu xoa mát miệng, gợi nhớ hương vị xưa. Có chị bán bánh tét khá ngon, chúng tôi ghé lại mua ít đòn nhỏ. Bạn tôi thích mua khoai từ đã gọt vỏ sẵn, những củ khoai từ nhỏ xíu chỉ thấy ở chợ quê này. Từ đây đi thêm một chút đến chợ Suối Tiên là chợ lớn trong vùng. Lần nào đi chợ quê, xe máy của tôi cũng treo đầy hai bên các thứ.
Có hôm, chúng tôi chạy tít vào chợ Diên Tân, chợ mới nhưng nhỏ. Hôm đó chúng tôi cũng mua vài thứ bánh mà ở chợ thành phố không có. “Mua cái hồn quê xưa cho đã thèm, đã nhớ”, bạn tôi nói.
Chợ quê dù lớn hay nhỏ đều chộn rộn vào 2 ngày cuối năm, kẻ mua người bán tấp nập, vội vàng. Năm nào chúng tôi cũng rủ nhau đi một vòng chợ Tết quê trước khi mọi thứ được dọn dẹp sạch sẽ chờ năm mới. Từ Nha Trang, chúng tôi qua cầu Thành đến chợ Gò Đình, đi tiếp qua chợ Diên Sơn, quay về chợ Tân Đức, vòng lên Thành chạy xe một mạch đến chợ Diên Lộc, Suối Tiên, hay có khi đi thẳng một lèo lên chợ Diên Lạc, Diên Phước, Diên Lâm. Chợ quê nào cũng thân thương.
KIM DUY
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202501/di-cho-tet-que-43a4b65/