Chợ nhỏ ven đường nhóm chút buổi sáng rồi tan, phục vụ đa phần người dân trong khu phố nhỏ, người qua đường dừng xe mua nhanh, người nghỉ hưu buổi sáng đi bộ ra biển về tạt ngang. Tôi cũng là một trong số họ.
Từ biển về, tôi ghé chợ đã thấy không thiếu gì, từ thịt heo, bò tươi nõn dính tay, những miếng thịt gà công nghiệp xếp ngay ngắn đến rổ cá tươi xanh; hay miếng thịt heo quay còn bốc khói, nhìn lớp da bên ngoài biết giòn rụm, rau trái nhà quê chở xuống… Tôi thích những trái khổ qua nhỏ xíu, méo mó hay những trái cam, thanh long… nhìn qua là biết nhà vườn hái đem bán. Thỉnh thoảng, có những hàng quần áo, giày dép, xoong chảo, chén bát… lưu động với tiếng rao có vần, điệu làm không khí chợ vui như… Tết!
Ở hàng rau hành, người vợ vừa buông con dao xắt khổ qua, liền cân miếng bí, nhanh tay rút chút hành ngò, trả tiền thừa cho khách… Bên cạnh, người chồng đang lặt đậu cô-ve giúp ai đó, thỉnh thoảng lại đứng lên, ngồi xuống theo “lệnh điều động” của vợ. Cứ thế, chút buổi sáng của họ nhịp nhàng bản hòa tấu mà người vợ vừa là nhạc công vừa là nhạc trưởng! Hàng thịt heo cũng vui. Anh chồng trẻ đảm trách khâu “xử lý” giò, xương, da, mỡ… Luôn tay vậy mà đôi lúc còn bị vợ càm ràm khi chặt miếng thịt không vừa ý. Chẳng thấy anh cau có bao giờ mà luôn nở nụ cười tươi, thỉnh thoảng hào phóng khuyến mãi khách vài câu nói đùa hay cho lời khuyên miếng xương vá nấu thế nào mới ngon…
Bức tranh chợ không nhiều màu sắc hay đa dạng món ngon, vật lạ nhưng đủ để tôi dễ gần chục năm quên luôn các chợ lớn. Cảm giác thân thuộc, như mọi người ở đây đều quen biết nhau, từ tính ý đến thích ăn gì…
Dòng đời lững thững trôi với những màu sắc, âm thanh chừng ấy từng buổi sáng, bỗng một hôm thấy chợ như được làm mới, rực rỡ, tươi tắn hơn, chợt chớ ra là ngày rằm hay mùng một.
Một góc chợ sáng lên bởi những ôm hoa cúc vàng rực, nôn nao, người chọn, người mua rôm rả. Những bó hoa nhỏ rụt rè, e ấp, quê mùa với vài cây cúc vàng, thêm cây cúc tím, điểm cành măng là vừa đủ cho bình bông ở trang ông địa hay trang thờ ngoài sân. Tôi hình dung cảnh cả nhà thức suốt đêm để bó hoa; hay có thể chỉ mình người mẹ lặng lẽ, cặm cụi lựa, cột để sáng mai kịp chợ sớm. Lại thêm những loại chỉ có chợ ngày rằm, mùng một mới thấy: Bó bông điệp màu vàng hay màu cam ngơ ngác đến thương, cành bông trang đẹp rực rỡ, mấy cây vạn thọ tươi tắn, vô ưu, hiền lành…
Còn có những tràng bánh ít lá gai, bánh thuẫn, bánh phu thê, bánh in gói giấy bóng màu mè vui mắt. Trên một miếng ni-lông, chuối xanh đã ra nải xếp hàng ngay ngắn chờ tiếng mời chào, trả giá.
Chợ ngày rằm, mùng một, hàng thịt heo quen thường nghỉ bán. Cô bán thịt bò lấy ít hàng hơn. “Người ta ăn chay, sợ ế”, – cô nói.
Rồi cũng hết các thứ. Rổ cam nhà quê chẳng ai chú ý, chợ gần tan cũng có người hỏi mua. Chị rau hành còn trái gấc nhỏ xíu kèo nài mãi có người lấy giúp. Mấy bình bông cúng mộc mạc nằm xộc xệch rồi cũng nhẹ gánh. Chị hàng hoa hẹn chị hàng bánh nửa tháng sau lại đến phiên chợ mùng một, rồi quay sang chào tạm biệt chị rau hành, thịt heo.
“Nhà vườn ăn cau sâu”, các chị đảo một vòng, tìm mua mấy thứ cho bữa cơm trưa đạm bạc. Có chị ngồi sụp cái nón, lần vuốt thẳng từng tờ giấy bạc, đếm xong cất kỹ vào túi, cài thêm cái ghim băng, lẩm nhẩm tính tiền sách vở cho con hay nghĩ đến cái áo cho chồng.
Dù thời gian trôi nhanh hay chậm, dường như trong mỗi người ai cũng có phiên chợ ngày rằm để nhớ, một cái gì đó thân thuộc lắm từ ký ức rất xa gợi về. Ở đó, có đứa bé lủn tủn níu áo, theo mẹ đi chợ ngày rằm; có bà mẹ lượn năm bảy vòng tìm mua cho đủ lệ bộ thắp hương bàn thờ, tìm thêm vài thứ quà bánh cho bọn trẻ con đang náo nức chờ ở bụi tre đầu ngõ.
Bao nhiêu chợ ngày rằm đã đi qua trong cuộc đời một người phụ nữ?
Bạn tôi, ngày xưa vốn là một cô giáo dạy toán. Thời bao cấp khó khăn, đi dạy xa nhà, đồng lương không đủ chi phí cho cá nhân chứ nói gì nuôi con, bạn bỏ dạy về nhà học cách làm đậu phụ. Mỗi lần chúng tôi muốn gặp nhau cà phê hay đi chơi đâu đó đều phải né ngày rằm, mùng một vì những ngày ấy người ta ăn chay, bạn phải làm nhiều đậu hơn, bỏ cho các mối hàng từ rất sớm…
KIM DUY