Khánh Hòa là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và hiện nay vẫn còn giữ gìn được nhiều di sản văn hóa vật thể. Với nhiều hoạt động cụ thể, hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh được quan tâm trùng tu, tôn tạo, bảo vệ để phát huy giá trị cho hôm nay và mai sau.
Nhiều di tích được tu bổ
Thời gian qua, ngành Văn hóa tỉnh đã bàn giao 6 di tích cấp tỉnh sau khi hoàn thành việc thi công tu bổ công trình gồm: Đình Lập Định (thôn Lập Định, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm); đình Quang Đông (thôn Quang Đông, xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa); đền Hùng Vương (số 173 đường Ngô Gia Tự, phường Tân Tiến, TP. Nha Trang); trên địa bàn TP. Cam Ranh có 3 di tích, gồm: Trụ sở UBND cách mạng lâm thời Ba Ngòi (Tổ dân phố Xóm Cồn, phường Cam Linh), đình Trà Long (Tổ dân phố Hương Long, phường Ba Ngòi), đình Mỹ Thanh (thôn Mỹ Thanh, xã Cam Thịnh Đông). Trước đó, các công trình này đều đã xuống cấp với nhiều cấu kiện, thành phần kiến trúc bị hỏng, mối mọt… cần phải tu bổ. Sau khi được tu bổ và bàn giao, các di tích này đều được địa phương tiếp nhận để quản lý, sử dụng. “Hai di tích đình Trà Long và đình Mỹ Thanh sau khi được tu bổ đã góp phần giữ gìn kết cấu hạng mục công trình, gia tăng tuổi thọ di tích, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trong vùng, cũng như phục vụ tốt hơn cho hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tâm linh. Tại di tích trụ sở UBND cách mạng lâm thời Ba Ngòi, địa phương sẽ tổ chức trưng bày, giới thiệu các hiện vật, hình ảnh, tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, thành tựu kinh tế – xã hội của Cam Ranh để người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu”, ông Vũ Trọng Nghĩa – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP. Cam Ranh cho biết.
Đền Hùng Vương – một trong những di tích được tu bổ và bàn giao trong năm 2024. |
Theo ông Trần Đức Hà – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, trong năm 2024, đơn vị đã hoàn thành lập hồ sơ khoa học trình xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích biệt thự Cầu Đá (Nha Trang) và di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo (huyện Khánh Sơn). Trung tâm cũng đang tiến hành lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar; hoàn thiện lập báo cáo chủ trương đầu tư tu bổ, gia cố, phục hồi tháp Nam thuộc di tích Tháp Bà Ponagar; tham mưu lập Đề án Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích Thành cổ Diên Khánh; hướng dẫn sửa chữa, tôn tạo các di tích đình Vĩnh Châu, đình – lăng Trường Tây (Nha Trang); hoàn thành xong 5 bia ở các di tích, danh thắng được đặt tại đền Hùng Vương, Hòn Đỏ (Nha Trang), đình Đông Hải (Ninh Hòa), thác Tà Gụ (Khánh Sơn), căn cứ cách mạng Hòn Dữ (huyện Khánh Vĩnh). Năm 2024, trung tâm cũng đã thực hiện đo đạc bản đồ di tích đối với 12 di tích trên địa bàn Nha Trang, Ninh Hòa và huyện Diên Khánh; hỗ trợ kinh phí bảo vệ, chăm sóc di tích cho ban quản lý của 9 di tích quốc gia và cấp tỉnh với số tiền hơn 440 triệu đồng.
Đẩy mạnh quảng bá di sản
Một trong những điểm đáng chú ý đối với công tác phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua là thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá. Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức thành công Hội thi tìm hiểu di sản văn hóa cấp huyện ở 8 huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, đã chọn được 8 đội xuất sắc tham gia hội thi cấp tỉnh diễn ra vào đầu tháng 10, với 24 thí sinh chính thức và 120 thí sinh hỗ trợ biểu diễn. Hội thi cấp tỉnh còn được livestream trên Fanpage Facebook và YouTube của Báo Khánh Hòa để gia tăng sức lan tỏa, cũng như tăng tính tương tác với khán giả. Thực hiện công tác số hóa di sản văn hóa, trung tâm đã thực hiện phần mềm quản lý hồ sơ di tích; gắn mã QR-Guiding tại 13/16 di tích quốc gia; gắn mã QR-Guide thuyết minh tự động đọc giới thiệu di tích bằng 2 ngôn ngữ Việt – Anh các di tích quốc gia trên Trang Thông tin điện tử Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh tại địa chỉ: ditichkhanhhoa.org.vn; lập bản đồ số các di tích tích hợp trên Trang Thông tin điện tử Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh; triển khai và ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR360 phục vụ khách tham quan di tích Tháp Bà Ponagar; thực hiện ấn phẩm Tín ngưỡng của cộng đồng cư dân ven biển ở Nha Trang; thực hiện hội thảo khoa học phát huy tiềm năng giá trị di sản văn hóa Tháp Bà Ponagar với phát triển du lịch bền vững; tổ chức thành công Lễ hội Tháp Bà Ponagar.
Biểu diễn nghệ thuật trong chương trình Linh thiêng xứ Trầm ở khu di tích Tháp Bà Ponagar. |
Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cũng tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật tại di tích Tháp Bà Ponagar như: Chương trình giao lưu với các nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ Ấn Độ; chương trình tham quan đêm Linh thiêng xứ Trầm và Trăng soi dáng tháp; trưng bày ảnh chủ đề Di tích thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu ở Khánh Hòa, Di tích Chăm miền Trung. Tại danh thắng Hòn Chồng tổ chức chương trình tọa đàm và trưng bày hình ảnh với chủ đề Trở về với di sản văn hóa Raglai ở Khánh Hòa, Di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo. Đơn vị tiếp tục phối hợp với các trường tổ chức hoạt động trải nghiệm tìm hiểu di sản văn hóa tại di tích Tháp Bà Ponagar, danh thắng Hòn Chồng, qua đó đã đón 490 học sinh của 8 trường đến tham gia trải nghiệm.
Quan tâm công tác bảo tồn di sản văn hóa là góp phần bảo vệ và phát huy hệ giá trị văn hóa, góp phần phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành Văn hóa tỉnh tiếp tục chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan tới di sản văn hóa, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vai trò của di sản văn hóa trong phát triển bền vững; thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa…
Ông NGUYỄN VĂN NHUẬN – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo, trong đó có một số di tích được tu bổ, phục hồi, tôn tạo gắn với phát triển du lịch, góp phần bảo tồn di sản văn hóa, giáo dục truyền thống, quảng bá về hình ảnh, vùng đất, con người Khánh Hòa. Tuy nhiên, do hệ thống các di tích được xếp hạng phân bố rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, với số lượng lớn và tuổi đời công trình cao nên ngày một bị xuống cấp. Đối với những di tích lịch sử cách mạng thường ở xa khu dân cư, nằm sâu trong rừng núi, đường đi lại khó khăn nên chưa được đầu tư nhiều, vì thế ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị di tích vào giáo dục truyền thống cũng như thu hút khách du lịch… Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã có kiến nghị UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố có hướng tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc. Từ đó, nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích được toàn diện và mang tính bền vững hơn trong thời gian tới.
Hiện nay, Khánh Hòa có 16 di tích được xếp hạng quốc gia, 182 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội cầu ngư, lễ bỏ mả của người Raglai) và là 1 trong các địa phương có nghệ thuật bài chòi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong 10 tháng năm 2024, di tích Tháp Bà Ponagar đã đón hơn 1,6 triệu lượt khách tham quan có thu phí và hơn 51.000 lượt khách không thu phí. Danh thắng Hòn Chồng đón hơn 675.000 lượt khách có thu phí và gần 1.000 lượt khách không thu phí.
GIANG ĐÌNH
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202411/chao-mung-ngay-di-san-van-hoa-viet-nam-23-11-giu-gin-di-san-xu-tram-a5e7492/