Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án về chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 – 2030. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Đảng đoàn UBMTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án về chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 – 2030. Đảng đoàn UBMTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ngành triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng Đề án về chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 – 2030; trong đó thuê đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để trực tiếp xây dựng dự thảo Đề án và báo cáo dự thảo Đề án cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo lộ trình.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Đề án phải bám sát các quan điểm về phát triển bền vững tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2021 và phải hiện thực hóa mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành “một trong những địa phương đi đầu trong bảo vệ môi trường và việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức không” theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Đồng thời, đề án cần làm rõ thực trạng chuyển đổi xanh của tỉnh trong thời gian qua; dự báo tình hình, xác định nhu cầu của các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi xanh và đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách của tỉnh, đảm bảo khả thi, hiệu quả trong tổ chức thực hiện; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội, cộng đồng dân cư trong thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh giai đoạn 2024 – 2030.
Các nghệ sĩ tham dự Lẽ trao giải Cánh diều vàng 2023 đạp xe cổ động vì một Nha Trang xanh. Ảnh: Vĩnh Thành |
Đề án cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh, du lịch xanh, đô thị xanh, giao thông xanh, lối sống xanh. Về nông nghiệp xanh: cần quan tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ; chú trọng nuôi biển công nghệ cao, thân thiện môi trường; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh sản xuất của các ngành nông, lâm, thủy sản; đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững … Về công nghiệp xanh cần thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống; từng bước hạn chế các ngành phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm; phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường; tăng cường sử dụng nguyên vật liệu tái chế; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, xây dựng các khu công nghiệp sinh thái… Về du lịch xanh: xây dựng các chương trình về phát triển sản phẩm du lịch xanh; xây dựng tiêu chí và triển khai dán nhãn du lịch xanh cho các cơ sở kinh doanh du lịch; ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, triển khai hệ thống xếp hạng về chuyển đổi xanh cho các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở kỹ thuật phục vụ các loại hình du lịch theo hướng chuyển đổi xanh chú trọng tính kết nối của kết cấu hạ tầng; triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030 gắn với kinh tế xanh, kinh tế biển xanh. Về đô thị xanh, câng quan tâm đến quy hoạch các khu đô thị sinh thái và xây dựng hệ thống giao thông công cộng xanh; sử dụng năng lượng sạch; các công trình kiến trúc phải được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí xanh hóa công trình; nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường; thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả kinh tế – sinh thái. Về giao thông xanh, cần xây dựng phương án thay thế những phương tiện giao thông không đạt chuẩn, xả thải nhiều khí độc hại ra môi trường; thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông vận tải sử dụng năng lượng sạch, sử dụng các loại phương tiện không khí thải (xe buýt điện,xe taxi điện, ô tô điện,…); xây dựng cơ chế và lộ trình chuyển đổi sử dụng xe công từ xe chạy xăng, dầu sang xe điện; xây dựng quy hoạch trên địa bàn tỉnh hệ thống trạm và thiết bị sạc xe điện. Về lối sống xanh, cần tập trung xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống văn minh và phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam để nâng cao chất lượng sống, hòa hợp với thiên nhiên; từng bước tạo lập môi trường và hình thành văn hóa, lối sống xanh trong bối cảnh hội nhập với thế giới; xây dựng nông thôn mới có lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh; vận động cộng đồng dân cư thực hiện chống rác thải nhựa, có các hoạt động hiệu quả để bảo vệ môi trường sống… Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên,bảo vệ môi trường và giám sát việc thực hiện.
Trong kế hoạch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ phải hoàn chỉnh Đề án trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt (trong tháng 3/2024). Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, từ quý II năm 2024 đến năm 2025 sẽ triển khai thực hiện đề án. Năm 2025 sẽ sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm việc triển khai Đề án, từ đó đề ra nội dung cụ thể cho giai đoạn 2026 – 2030.
Mời bạn đọc xem toàn văn Kế hoạch theo đường link bên dưới.
XUÂN THÀNH