Những tràng pháo tay liên hồi, những tiếng hò reo cổ vũ rộn rã… đã tạo nên bầu không khí sôi động ở khán phòng Trung tâm Hội nghị tỉnh (số 46 Trần Phú, TP. Nha Trang) trong các đêm diễn của chương trình xiếc Việt Nam – Lào, do các nghệ sĩ, học sinh Việt Nam và Lào đến từ Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam thể hiện.
Tiết mục đu dây trên không. |
Mở đầu chương trình, khán giả như lạc vào không gian khu rừng nguyên thủy bí ẩn với sự xuất hiện của khủng long và các loài vật trong tiết mục tạp kỹ Vũ điệu rừng xanh. Các nghệ sĩ, diễn viên đã hóa trang thành các con vật đáng yêu, ngộ nghĩnh như: Hổ, báo, gấu, sư tử, voi, lạc đà, sói, cáo, chim, cá…, thu hút sự quan tâm của khán giả. Khi bầu không khí vẫn chưa lắng xuống, khán giả lại hồi hộp theo dõi tiết mục Chuyện tình Avatar, được các nghệ sĩ, diễn viên tái hiện trong màn đu dây trên không trung, tung hứng trên dây thép chùng. Cứ mỗi động tác kỹ thuật khó được thực hiện thành công, cả hội trường lại ngập tràn những thanh âm cổ vũ. Đến với đêm diễn, khán giả còn được theo dõi phiên bản của hai nghệ sĩ Quốc Cơ – Quốc Nghiệp trong tiết mục Sức mạnh của đôi tay. Bằng sức mạnh, sự dẻo dai, các diễn viên lần lượt biểu diễn những động tác giữ thăng bằng trên những bộ phận cơ thể, như: Đầu, tay, chân. Đặc biệt, chương trình còn giới thiệu đến khán giả tiết mục nhào lộn đã đạt huy chương vàng Liên hoan xiếc quốc tế Hà Nội năm 2022.
Màn thăng bằng trên đầu đầy mạo hiểm. |
Ấn tượng trong đêm diễn là những tiết mục của học sinh đến từ nước Lào. Ở độ tuổi từ 16 đến 18 và đang theo học năm cuối của chương trình đào tạo ở Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, các học sinh Lào đã gửi tặng khán giả những màn biểu diễn hấp dẫn với các tiết mục nhào lộn trên sào, bật cầu trên không trung, tạo hình uốn dẻo, tung hứng đồ vật. Với tuổi đời còn ít, kinh nghiệm biểu diễn chưa nhiều, nhưng các học sinh Lào trong những bộ trang phục dân tộc đẹp mắt đã thể hiện sự tự tin, khả năng nắm bắt kỹ thuật biểu diễn một cách thuần thục. Theo dõi chương trình đến những phút cuối cùng, chị Nguyễn Phương Nga (phường Phước Long, TP. Nha Trang) cùng các con đều yêu thích các màn biểu diễn. “Lâu lắm rồi tôi mới đi xem xiếc. Các nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn thật xuất sắc. Trong đó, những tiết mục của học sinh Lào đã mang lại cảm xúc đặc biệt”, chị Nga chia sẻ.
Tiết mục nhào lộn đạt huy chương vàng Liên hoan xiếc quốc tế Hà Nội năm 2022. |
Với các nghệ sĩ, diễn viên, đêm diễn với sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả là nguồn động lực lớn. “Tuy phải tập trung biểu diễn nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự cổ vũ của khán giả dành cho mình và các bạn diễn. Điều đó có ý nghĩa rất lớn để tôi nỗ lực hơn, cống hiến tiết mục hay, hấp dẫn hơn cho khán giả”, diễn viên Phùng Tuyết Phương chia sẻ. Còn em Tinh Noy – học sinh Lào cho biết: “Chuyến lưu diễn đã giúp tôi và những học sinh khác có dịp được đến nhiều nơi của đất nước Việt Nam. Trong thời gian học ở trường, tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè người Việt Nam để hòa đồng, học tập tốt. Nay đi biểu diễn, tôi lại nhận được những tình cảm quý mến của khán giả. Sau chuyến lưu diễn, tôi sẽ trở lại trường và tốt nghiệp. Khi về Lào, tôi sẽ cố gắng phát huy tốt nhất những gì mình đã được học để phục vụ nhân dân Lào”.
Chương trình biểu diễn xiếc Việt Nam – Lào góp phần tô thắm tình hữu nghị giữa hai quốc gia. |
Theo ông Trương Công Giang – đạo diễn chương trình, đây là chuyến lưu diễn đáng nhớ đối với học sinh của nhà trường, đặc biệt là học sinh Lào. Tại các nơi đoàn đã biểu diễn, như: Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa đều nhận được tình cảm, sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả và sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương. Ngoài mang đến cho khán giả những tiết mục biểu diễn nghệ thuật xiếc chất lượng, chương trình còn góp phần thể hiện tinh thần hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Lào. Qua chương trình đã phần nào khẳng định năng lực của nhà trường khi đào tạo được những học sinh có trình độ chuyên môn tốt. Sau khi ra trường, các em sẽ là những người góp phần phát triển nghệ thuật xiếc ở Việt Nam và Lào trong tương lai, bắt kịp với xu hướng xiếc quốc tế.
Việc đào tạo học sinh Lào của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam là một trong nhiều hoạt động cụ thể hóa Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam – Lào về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Hiện tại, nhà trường đào tạo 1 khóa chính quy, thời hạn 5 năm chuyên ngành xiếc cho 14 học sinh Lào. Cuối năm 2023, những học sinh này sẽ tốt nghiệp và trở về nước bổ sung cho lực lượng nghệ sĩ xiếc tài năng của Lào.
Trong chương trình biểu diễn xiếc Việt Nam – Lào, thành phần của đoàn có hơn 30 người, trong đó có 14 học sinh Lào. Theo kế hoạch, đoàn đi diễn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, như: Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng; trong thời gian từ tháng 4 đến đầu tháng 9. Tại Khánh Hòa, đoàn biểu diễn từ ngày 3 đến 6-8, với nhiều suất diễn trong ngày.
GIANG ĐÌNH