Tác giả Chế Diễm Trâm vừa ra mắt cuốn chân dung, phê bình văn học “Âm vang của chữ”. Vậy là trong 3 năm liên tiếp, mỗi năm chị đều có 1 tập sách được xuất bản, đưa tổng số đầu sách của chị đã được công bố lên con số 6, gồm: “Nghệ thuật tùy bút Vũ Bằng” (chuyên luận văn học, năm 2015); “Những ô cửa nhìn ra vườn văn” (nghiên cứu, phê bình văn học, năm 2017); “Tám phút mười chín giây” (tập truyện ngắn, năm 2020); “Thương thiệt thương thà” (bút ký, tùy bút, năm 2022); “Những mảnh ghép đa chiều” (tùy bút, năm 2023) và “Âm vang của chữ”.
“Âm vang của chữ” gây ấn tượng ban đầu từ chính thiết kế bìa sách, đến tên gọi tập sách như gây tò mò, chú ý cho người đọc. Gói gọn trong 255 trang sách là 25 bài viết của tác giả Chế Diễm Trâm về những tác giả, tác phẩm nổi tiếng của nền văn học Việt Nam, của làng văn xứ Trầm. Những tác phẩm đó được tác giả chia làm 3 phần. Trong đó, phần “Quê hương từ âm vang của chữ” tập hợp 7 bài viết của tác giả về 7 gương mặt nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Khánh Hòa, gồm: Giang Nam, Cao Duy Thảo, Trần Vạn Giã, Lê Khánh Mai, Hoàng Nhật Tuyên, Trần Chấn Uy, Tô Hằng Thanh. 12 bài viết trong phần “Từng ngày từng chữ vang vọng” lại là những cảm thức văn học của tác giả về những gương mặt nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc, từ những nhà thơ điển hình của văn học trung đại như: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đến Tản Đà – người được xem là dấu gạch ngang giữa thơ trung đại với thơ hiện đại, tiếp đến là những gương mặt của phong trào Thơ Mới như: Quách Tấn, Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh… Cùng với đó là những cảm nhận của tác giả về một số chủ đề tâm đắc như: Nhà văn Cao Duy Sơn và truyện ngắn Chích bông ơi!; Inrasara – nhà nghiên cứu, phê bình thơ thời kỳ đổi mới; Vài nét phác thảo văn chương dân tộc Chăm hai mươi năm đầu thế kỷ XXI; Mãi đừng xa tôi – lời cảnh báo khẩn thiết về giá trị người. Phần cuối của tập sách với tên gọi “Mùa xuân ngân vang trong chữ”, người đọc có dịp được tác giả dẫn lối vào vườn xuân trong thơ của Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Hàn Mặc Tử… hay cùng tìm hiểu về ngày Tết trong “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng, hương vị xuân trong “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư.
Là tập sách tập hợp các bài viết của tác giả Chế Diễm Trâm nên thỉnh thoảng đọc sách, chúng ta lại thấy vừa quen, vừa lạ ở cái cách tiếp cận vấn đề, cách nói, cách viết dung dị, chân thật của một người từng là giáo viên chuyên Văn. Nói như tác giả Mai Bá Ẩn trong bài giới thiệu về tập sách “Âm vang của chữ: “… với Chế Diễm Trâm, lý luận học thuật của người làm nghiên cứu không hiển lộ thành chủ đích mà hòa quyện một cách thuần thục trong phương thức thực hành của một cô giáo chuyên Văn. Ai đọc Chế Diễm Trâm sẽ cảm nhận rất rõ, đây là một cây bút sắc sảo nhưng chân phương và hiền lành… Có thể nói, đọc “Âm vang của chữ” không hề thấy bóng dáng một “khuôn lý luận” nào, mà chỉ là tiếng lòng, điệu hồn đang lắng nghe âm vang của từng con chữ. Cứ như thể những người đàn bà Chăm đang cần mẫn với đôi tay thủ công “xoay nặn” tài hoa trên từng sản phẩm gốm của mình”.
NHÂN TÂM
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202410/am-vang-cua-chu-thanh-am-tu-nhung-cam-thuc-van-hoc-1ad1010/