Những dấu ấn kinh tế nổi bật trong lĩnh vực giao thông vận tải năm 2024
Cùng với các dự án cao tốc, trong năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư nhiều dự án hạ tầng đường sắt, cảng biển quy mô lớn giúp gia tăng tốc độ cho mũi đột phá chiến lược hạ tầng trong kỷ nguyên mới.
Năm 2024 là năm tăng tốc, năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025.
Vượt qua những khó khăn thách thức, Bộ GTVT đã chủ động nắm bắt tình hình, bám sát thực tiễn, tập trung thực hiện quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; chú trọng tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chủ động, quyết liệt giải quyết những vấn đề phát sinh, những tồn tại, vướng mắc tồn đọng, kéo dài. Nhờ vậy, Bộ GTVT đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024, đóng góp một phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước với 5 dấu ấn nổi bật về kinh tế, cụ thể như sau:
Phối cảnh một đoạn đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. |
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam – công trình hạ tầng chiến lược, có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.
Đúng 15h25 ngày 30/11/2024 – thời điểm các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam chắc chắn sẽ là một trong những thời khắc lịch sử không chỉ đối với ngành đường sắt mà còn đối với toàn ngành giao thông.
Với 92,48% số phiếu tán thành, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam chính là công trình ý Đảng, lòng dân; đồng thời thể hiện ý chí thống nhất, quyết tâm cụ thể hóa mục tiêu đột phá kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra.
Sự kiện này còn khép lại hành trình 18 năm chuẩn bị để Dự án được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư, trước khi bắt tay vào giai đoạn thực hiện với quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị.
Theo đó, Dự án này có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quy mô đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827 ha; số dân tái định cư khoảng 120.836 người; tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1,7 triệu tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.
Tiến độ thực hiện: lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành Dự án năm 2035.
Nếu tính cả việc nâng cấp tuyến đường sắt Thống Nhất; xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, Campuchia; đầu tư mới 580 km đường sắt đô thị tại Hà Nội – TP.HCM… với tổng vốn đầu tư lên tới gần 150 tỷ USD đang được Bộ GTVT và các địa phương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị chắc chắn sẽ đưa giai đoạn 2025 – 2035 trở thành “thập kỷ” của đường sắt, nối tiếp thời kỳ bùng nổ về phát triển đường bộ cao tốc được khởi phát từ năm 2020 tới nay.
Một đoạn cao tốc Vân Phong – Nha Trang dự kiến đưa vào khai thác từ 10/1/2025 vượt tiến độ gần 1 năm so với kế hoạch. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động “Đợt thi đua cao điểm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km cao tốc” vào ngày 18/8/2024.
Hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”, với tinh thần chỉ bàn làm không bàn lùi, trong thời gian vừa qua Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt, xác định công tác đầu tư xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm quan trọng nhất và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình thực hiện.
Trong năm 2024, Bộ GTVT đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 08 dự án, nhiều vướng mắc, khó khăn phức tạp đã được tập trung xử lý, tháo gỡ như giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu phục vụ các dự án, nhất là khu vực phía Nam, đến nay tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo, một số dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng.
Tính đến cuối tháng 12/2024, tổng số km đường cao tốc cả nước đến nay lên đến 2.021 km. Hiện nay đã rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu quyết liệt tổ chức triển khai để hoàn thành mục tiêu 3.000 km vào năm 2025.
Thi công nhà ga hàng khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành. |
Công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn tiếp tục là điểm sáng của Bộ GTVT trong năm 2024. Bộ GTVT tiếp tục là một trong các Bộ, ngành, địa phương có mức giải ngân trung bình cao của cả nước.
Trong năm 2024, với quyết tâm giải ngân tối đa số vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ GTVT đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, coi giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân phải đi đôi với kết quả thực chất là sản lượng trên công trường.
Năm 2024, Bộ GTVT đã được được giao khoảng 75.484 tỷ đồng. Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch. Trong bối cảnh thời gian còn lại của niên độ ngân sách năm 2024 còn rất ngắn, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo quyết liệt và đôn đốc các cơ quan, đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2024.
Cầu Phong Châu trên Quốc lộ 32C bị sập do mưa lũ vào sáng ngày 9/9/2024. |
Hạ tầng giao thông bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ
Trong năm 2024, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được Bộ GTVT chủ động triển khai thực hiện, kịp thời ứng phó từ sớm, từ xa, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, vật tư, thiết bị tổ chức triển khai khắc phục hậu quả do m ưa, bão, lũ gây ra để thông đường trong thời gian nhanh nhất, đặc biệt là các tuyến đường phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, đường kết nối các vùng dân cư bị cô lập, các trục giao thông chính.
Tuy nhiên, trước sự tác động của nhiều cơn bão với cường độ lớn trong năm 2024, đặc biệt là cơn bão số 3 (Bão Yagi) đã tàn phá, gây thiệt hại nặng nề lên tài sản kết cấu hạ tầng giao thông. Biến năm 2024 trở thành năm bị thiệt hại nặng nề về kết cấu hạ tầng giao thông nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ khu vực miền núi phía bắc và đường sắt với mạng lưới rộng khắp, trải dài trên toàn đất nước chịu tác động lũ ống, lũ quét kéo theo sạt lở, đứt đường, xói trôi cầu cống… (riêng các cơn bão năm 2024 vừa qua, ước tính tổn thất cho kết cấu hạ tầng đường sắt khoảng 250 tỷ đồng, đường bộ khoảng 2.800 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng mới cầu Phong Châu chiếm khoảng 635 tỷ đồng).
Công ty Đóng tàu Phà Rừng (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ -SBIC) vừa tổ chức lễ hạ thủy tàu dầu mang tên “YN YEOSU” hôm 16/10/2024. |
Triển khai thực hiện đúng kế hoạch Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý SBIC
Thực hiện Nghị quyết số 220/NQ-CP ngày 22/12/2023 của Chính phủ về chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy – SBIC, Bộ GTVT đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 220/NQ-CP26; chỉ đạo Hội đồng thành viên, Người đại diện doanh nghiệp thực hiện nộp đơn phá sản Công ty mẹ – SBIC và 7 Công ty con.
Đến nay, SBIC đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty mẹ và 7/7 Công ty con; đã đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao hỗ trợ trong quá trình xử lý phá sản SBIC và các công ty thành viên, đồng thời chỉ đạo xây dựng Đề án nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước. Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã ký kết chương trình phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương trong quá trình xử lý SBIC.
Trong năm 2024, Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại đến hết năm 2025 của 5/5 Tổng công ty, Công ty 100% vốn nhà nước thuộc Bộ; đánh giá, xếp loại năm 2023, ban hành Kế hoạch giám sát tài chính năm 2024 đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT; phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh, Kế hoạch đầu tư phát triển năm 2024 của 5/5 doanh nghiệp thuộc Bộ; phê duyệt Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 của các doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ về danh mục các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần theo Quyết định số 26/QĐ-TTg ngày 12/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ.