“Rủ nhau đi bắt cá đồng/Cá chưa đầy giỏ nên không muốn về/Cá lóc, cá ngạnh, cá trê/Cá rô, cá diếc… chẳng chê cá nào/Cá ngoài ruộng, cá trong ao/Thứ kho, thứ nướng cá nào chẳng ngon”… Đó là câu hát rất quen thuộc ở quê tôi nói về niềm vui khi đi bắt cá đồng. Không chỉ vui mà hồi nhỏ, với chúng tôi, chuyện mùa mưa tới, ra đồng bắt cá còn là niềm đam mê.
Thông thường, vào khoảng giữa tháng Tám âm lịch hằng năm, cá từ dưới sông hay ở các khe suối theo nước của những cơn mưa đầu mùa, lên đồng rồi đẻ trứng và sinh sôi, nảy nở. Chừng mấy tháng sau, khi những thửa ruộng đã gặt xong, các loại cá xuất hiện rất nhiều, nhất là cá lóc, cá rô, cá trê… Ở những đám ruộng sâu, đầy nước chúng tụ lại thành đàn. Cá chép cũng như các loại cá khác như cá diếc, cá lưới, cá dền, cá leo, cá thát lát… chuyên sống ở sông, thường thì lụt đến chúng mới lên đồng rồi chỉ ở lại các mảnh ruộng nước sâu…
Để bắt cá đồng có rất nhiều hình thức, người đi úp nơm, đơm lờ, người đi nhủi, đi câu, thả lưới… Tôi còn nhớ, hồi chiến tranh chưa diễn ra ác liệt, ở phía sau hè nhà tôi có một cái chái rộng, ở đó cha tôi để nhủi, lờ, nơm, ống trúm… và tôi được phép sử dụng chúng để đi bắt cá với bạn bè.
Kéo vó. |
Thông thường, lờ chỉ được mang ra đơm lúc trời mưa lụt và dụng cụ này được đặt ngay ở chỗ nước chảy. Cá đi theo dòng nước, trước sau cũng có con chui vào. Thú vị nhất là khi đi thăm lờ, cầm lên, thấy trong đó cùng lúc có đến 5 – 6 con cá. Tôi nhớ có lần tôi ghim cái lờ ở bên một bờ mương, khi quay lại thăm thì không thấy, hóa ra cái lờ bị trôi xa đến mấy mét do có một chú cá lóc to bằng cổ tay chui vào, kéo đi.
Đi tát thì có lẽ không cần bàn nhiều. Khi thấy ao hoặc vũng nước nào sâu mà nhiều cá thì ngăn lại, tát cạn, sau đó chỉ mỗi việc bắt cá cho vào giỏ. Còn đi câu thì có khi mang cần câu ra, mắc mồi vào rồi ngồi đợi. Nhưng có một loại câu khá thú vị là chiều chiều, mắc mồi vào các lưỡi câu sau đó đem cắm dọc theo mấy bờ ruộng. Đêm xuống cá đi ăn, mắc câu, sáng ra cứ đi mà bắt. Thả trúm bắt lươn cũng có thú vui rất riêng. Lấy một đoạn tre rỗng ruột, một đầu bịt chặt, đầu còn lại đặt chiếc hom được đan bằng những thanh tre nhỏ, rất mỏng thành một chiếc ống trúm. Chiều chiều, khi trời sắp tối, bắt một ít trùn giã cho nát, bôi lên các miệng hom trúm rồi mang đi đặt dọc theo mấy bờ ruộng cạn. Lươn sống dưới hang, tối tối bò lên tìm thức ăn, nghe tanh, tưởng bên trong có món mồi ưa thích, thế là chui vào. Sáng sáng, đi mở trúm, xóc xóc, thấy chiếc ống trúm nào nằng nặng thì vui lắm, vì bên trong thế nào cũng có một con lươn.
Trong các cách bắt cá đồng, bọn nhỏ như tôi ngày ấy rất thích đi nhủi, vì nhủi là hình thức dễ bắt được cá nhất, lại ít tốn công. Nhủi là dụng cụ rất đơn giản, được làm từ những thanh tre già, chẻ nhỏ và đan lại với nhau bằng những sợi mây, tạo thành một tấm mành. Sau đó, người ta ghép tấm mành vào hai cái cán bằng tre, chéo nhau, một đầu xòe ra, một đầu túm lại, phần cuối là một thanh gỗ mỏng. Khi cầm hai cán, kê vào hông để đẩy trên những đám ruộng xăm xắp nước, thanh gỗ mỏng sẽ áp sát vào mặt đất, và không có cách nào khác cá sẽ bị ép vào khoang nhủi rồi nằm lại ở đó. Hằng ngày, vào độ gần trưa, sau khi dắt trâu đi ăn trở về, bọn nhỏ chúng tôi liền rủ nhau vác nhủi ra đồng. Chân tay có khi dính đầy bùn đất, quần áo có khi ướt sũng, nhưng đi nhũi có bao điều lý thú, nhất là lúc nhủi xong, đứa nào đứa nấy vác nhủi ra về với cái giỏ đầy ắp những chú cá. Không chỉ có các loại cá, đôi khi chúng tôi còn bắt được cả cua đồng hoặc ốc, lươn hay niềng niễng nữa. Tất nhiên, trong những lần bắt được cá lia thia, chúng tôi không quên chọn ra vài con đẹp nhất, cho vào cái chai bằng thủy tinh đặt trên bàn. Có lẽ lia thia là loại cá đẹp nhất trong tất cả các loại cá sống trên đồng, nhất là cá trống, con nào con nấy màu sắc cũng sặc sỡ với các màu xanh, đỏ tím, vàng…
Cá đã vào lờ – Ảnh Internet. |
Xóm tôi ngày ấy, nhà ai cũng có mấy cái lu sành. Cái thì đựng lươn, cái đựng cá. Cá bắt về nhiều, bỏ trong lu coi như thức để dành. Nhà nông mà! Ăn ngày trước, song mấy ai lại không nghĩ tới ngày hôm sau.
Ngoài món nướng, bà nội tôi có cách kho cá đồng khá đặc biệt, nhất là với cá lóc, cá rô. Trước khi kho, bao giờ bà cũng nướng cá trên lửa than, rồi chiên qua, sau đó mới đem kho, khi với lá gừng, khi với lá nghệ, làm như thế mùi tanh không còn mà miếng cá vừa thơm lại vừa dai. Có khi bà kho hai trã cá cùng lúc, vì theo bà, cá đồng phải kho ít nhất ba lửa mới thấm, ăn với cơm mới thấy đậm đà.
Thú vị làm sao, nhiều buổi tối, giữa tiết trời đông se se lạnh, cả nhà quây quần bên mâm cơm và trước mặt là nồi cá đồng kho mới vừa nhấc từ bếp xuống, hơi nóng đang còn nghi ngút, cùng nồi canh ốc nấu chuối xanh thơm lừng… Lớn lên, đi học rồi ra phố sống, chuyện quê với tôi đã lùi dần vào ký ức. Tuần trước, mấy anh em chúng tôi đi Đá Bàn. Trên đường về, cả nhóm dừng lại ăn trưa ở một quán cơm bên bờ sông Dinh. Bữa cơm làm ai nấy đều thấy ngon miệng vì có món cá rô kho tộ và món cá lóc nấu chua. Thế là cả nhóm râm ran nói về chuyện hồi nhỏ đi bắt cá đồng. Hóa ra, đa phần anh em trong nhóm trước đây từng sống ở quê và từng biết chuyện tát ao, đi câu, thả trúm, đi nhũi hay úp nơm, đơm lờ… Một anh bảo: “Thôi mấy ông đừng kể nữa làm tôi nhớ lắm! Mấy ông biết tôi nhớ cái chi không? Nhớ hình ảnh một con cá lóc được xỏ cái trui bằng tre từ đầu xuống đuôi, đem nướng trên lửa than! Trời ơi sao mà nó thơm đến thế không biết!…”.
HOÀNG PHÚ LỘC
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202412/ru-nhau-di-bat-ca-dong-f516283/