Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, bà Trần Thu Mai – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết:
Bà Trần Thu Mai – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh |
– Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ là dịp ôn lại truyền thống đoàn kết, mà còn là dịp để gắn kết tình cảm cộng đồng tại các khu dân cư, giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ vững ổn định chính trị. Đây cũng là dịp để các đồng chí lãnh đạo các cấp được trực tiếp sinh hoạt, gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, qua đó thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Trong từng giai đoạn, MTTQ các cấp trong tỉnh có những giải pháp lựa chọn hình thức tổ chức ngày hội phù hợp với từng địa bàn, phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc và nghi thức tôn giáo… Bằng sự sáng tạo trong quá trình tổ chức, ngày hội vừa thể hiện giá trị tinh thần, mang đậm sắc màu văn hóa, vừa có ý nghĩa về chính trị, kinh tế – xã hội đối với mỗi địa phương. Nhờ vậy, hằng năm, 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh đều tổ chức ngày hội, bao gồm phần lễ và phần hội; bình quân khoảng 80% khu dân cư tổ chức bữa cơm đoàn kết.
– Xin bà cho biết một số kết quả, hoạt động nổi bật của Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên trong thời gian qua?
– Thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên có nhiều nỗ lực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, lấy lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân làm trọng tâm, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền hoàn thành tốt những nhiệm vụ đề ra. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, huy động các nguồn lực xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, kêu gọi các tầng lớp nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội được chú trọng thực hiện, chất lượng, hiệu quả được nâng lên; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… Trong năm 2024, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức chủ trì giám sát 4 nội dung, 6 hội nghị phản biện, lấy ý kiến cộng đồng đối với nhiều dự án, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Học sinh xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh được nhận xe tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: T.Thịnh |
Đặc biệt, Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành đúng tiến độ, quy định Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2024 – 2029; thực hiện nhiều công trình, phần việc chào mừng đại hội. Từ đầu năm đến nay, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 445 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo với tổng trị giá hơn 23 tỷ đồng; trao 4.328 phần quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, học sinh nghèo hiếu học… với tổng số tiền hơn 8,8 tỷ đồng; xây mới 220 công trình phụ trị giá hơn 4 tỷ đồng và trên 200 mô hình tự quản được thành lập mới.
Ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư đã vận động gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư giúp đỡ hộ nghèo cả về vật chất và tinh thần, trị giá hàng trăm triệu đồng, góp phần chung tay chăm lo cho người nghèo. Các tổ chức thành viên của Mặt trận đã có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực trợ giúp người nghèo về vốn, giống, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, xây dựng hàng chục công trình phúc lợi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đạt 1,09%.
Bên cạnh đó, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận số tiền hơn 38 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh miền Bắc khắc phục thiệt hại do bão số 3 và kịp thời khen thưởng các cá nhân có nhiều nghĩa cử cao đẹp trong công tác cứu trợ.
– Tháng cao điểm “Vì người nghèo” hằng năm cũng là dịp kêu gọi ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” để có nguồn lực chăm lo cho người nghèo, yếu thế. Vậy, xin bà cho biết, năm nay, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh có đặt ra mục tiêu gì trong công tác vận động?
– Sau hơn 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế, cuộc sống của nhiều người dân và doanh nghiệp trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, trong công tác vận động, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh không đặt ra mục tiêu cụ thể mà tùy vào lòng hảo tâm, tình hình thực tế của mỗi đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, được sự thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh phát động vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; cán bộ, công nhân viên, người lao động trong các doanh nghiệp hưởng lương theo quy định hiện hành mỗi người ủng hộ ít nhất 1 ngày lương; mỗi hộ dân ở các xã ủng hộ 10.000 đồng trở lên; các phường, thị trấn từ 15.000 đồng trở lên/hộ; đối với thành phần khác ngoài hưởng lương thì vận động thông qua Thư ngỏ, tùy lòng hảo tâm và khả năng có thể. Bên cạnh đó, trong tháng cao điểm còn diễn ra nhiều chương trình quyên góp, hỗ trợ kinh phí, tặng quà, nhu yếu phẩm, tổ chức các buổi khám, chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ sinh kế, học bổng cho học sinh nghèo…
Ngày 16-11, tại lễ phát động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh năm 2024, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, nhà hảo tâm đã ủng hộ số tiền hơn 68,8 tỷ đồng nhằm chung tay chăm lo cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
– Năm nay, chương trình xây dựng, xóa nhà dột nát được Chính phủ rất quan tâm. Đối với Khánh Hòa, chương trình này được triển khai như thế nào, thưa bà?
– Ngày 5-10-2024, Thủ tướng Chính phủ đã phát động “Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” nhằm xóa hơn 153.000 nhà tạm, dột nát nằm ngoài nguồn vốn ngân sách. Chương trình là bước tiếp nối phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”. Đối với tỉnh Khánh Hòa, hưởng ứng chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, dự kiến tỉnh sẽ vận động xây mới, sửa chữa 1.560 căn nhà với tổng trị giá khoảng 63 tỷ đồng.
Người dân xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa tham gia các trò chơi tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. |
Bên cạnh nhà ở, thực tế hiện nay cuộc sống của một bộ phận người dân vẫn còn rất khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục được hỗ trợ về phương tiện sinh kế, vốn, cây, con giống… để phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Do đó, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” và trực tiếp hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, giúp đỡ các hộ nghèo. Đối với cộng đồng dân cư nơi có hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết, Ban vận động kêu gọi phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” hỗ trợ thêm về vật liệu, nhân công… để các hộ có ngôi nhà khang trang, bền chắc theo tiêu chuẩn 3 cứng (nền – tường – mái), bảo đảm sử dụng lâu dài.
Hoạt động này không chỉ tạo nên sức mạnh vật chất, tinh thần, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân mà còn từng bước thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” và biến giấc mơ an cư lạc nghiệp của nhiều hộ nghèo trở thành hiện thực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
– Xin cảm ơn bà!
CẨM VÂN (Thực hiện)
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202411/ky-niem-94-nam-ngay-thanh-lap-mat-tran-dan-toc-thong-nhat-viet-nam-18-11-1930-18-11-2024-huy-dong-nguon-luc-cham-lo-cho-nguoi-ngheo-f4222f6/