Bà Hà Hồng Hạnh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Khánh Hòa trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về những điểm mới trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Bà Hà Hồng Hạnh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa. |
– Thưa bà, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật Việc làm (sửa đổi), xin bà cho biết sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Việc làm?
Luật Việc làm số 38/2013/QH13 đã được Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 16 tháng 11 năm 2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 năm 1 năm 2015. Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (bao gồm cả đối tượng lao động có giao kết và không có giao kết hợp đồng lao động, người thất nghiệp); là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế và tăng cường cơ hội việc làm theo hướng bền vững cho lao động không có giao kết hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội; hỗ trợ lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp thông qua phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, chính sách việc làm công; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng nghề; hỗ trợ đảm bảo một phần thu nhập, giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế, bất cập như sau:
Thứ nhất, một số quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với quy định của các văn bản hiện hành có liên quan như: Quy định độ tuổi người lao động chưa phù hợp với Bộ Luật Lao động 2019; Một số quy định liên quan tới việc tổ chức thực hiện về bảo hiểm thất nghiệp chưa thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024 vừa được Quốc hội thông qua; Quy định về điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm không còn phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017 …
Thứ hai, các quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa kịp thời đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế – xã hội, cụ thể:
– Thế giới đang bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với bản chất là dựa trên cuộc cách mạng kỹ thuật số. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhờ vào định hướng phát triển nền kinh tế số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số. Phát triển kinh tế số mở ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, với nhiều hình thức việc làm đa dạng, từ việc làm đòi hỏi trình độ cao đến những việc làm với trình độ phổ thông. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lao động, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm; chưa có quy định về các hành vi giao dịch việc làm trên môi trường điện tử…
Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới (nước ta đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số” ngay từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo của Tổng cục Thống kê là năm 2017), tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số.
Mức độ đáp ứng của hệ thống thông tin thị trường lao động, sự kết nối về thông tin thị trường lao động trên phạm vi vùng, cả nước chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; chất lượng, tính minh bạch, chuyên nghiệp của hoạt động dịch vụ việc làm chưa cao; tình trạng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với khó khăn trong tuyển dụng lao động, kể cả lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phổ thông.
Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động; còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến giải pháp phòng ngừa thất nghiệp; một số quy định về mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp và mức hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp tính trên mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định không còn phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW …
Thiếu các quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong phát triển kỹ năng nghề, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là nhân lực trình độ cao; tổ chức hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu …
Thứ ba, một số quy định của Luật Việc làm năm 2013 cần rà soát, sửa đổi theo khuyến nghị của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như: Công ước số 88 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về dịch vụ việc làm trong đó nhấn mạnh Nhà nước phải bảo đảm việc duy trì dịch vụ việc làm công và miễn phí, dịch vụ việc làm phải được hợp thành một hệ thống, có mạng lưới tại các địa phương và số lượng đủ để phục vụ cho người lao động, người sử dụng lao động. Công ước số 122 về chính sách việc làm quy định mỗi nước thành viên, trong khả năng phù hợp với điều kiện của đất nước, quyết định, thực hiện, rà soát các biện pháp để đạt được mục tiêu chính sách, hướng tới các chính sách việc làm chủ động.
Xuất phát từ những lý do, yêu cầu nêu trên, việc sửa đổi Luật Việc làm là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
– Thưa bà, so với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này có những sửa đổi, bổ sung lớn gì?
So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn như sau:
Nhóm chính sách 1: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung:
a) Sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động (từ Điều 27 đến Điều 33)
b) Bổ sung quy định về đăng ký lao động (từ Điều 20 đến Điều 26)
c) Bổ sung quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về dịch vụ việc làm (Điều 48)
Nhóm chính sách 2: Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động
a) Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Điều 56)
– Đề xuất sửa đổi, bổ sung:
Bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: (i) Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên (hiện nay từ 03 tháng trở lên); (ii) Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
b) Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (Điều 58)
– Đề xuất sửa đổi, bổ sung:
Sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
c) Sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp
– Chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
– Sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Nhóm chính sách 3: Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
a) Bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề
b) Sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia
Nhóm chính sách 4: Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững
a) Sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm (Điều 7)
b) Mở rộng đối tượng vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài (Điều 10)
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung như:
– Bổ sung các quy định hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi (Điều 17); chính sách hỗ trợ việc làm trong bối cảnh khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh (Điều 19).
– Bổ sung các quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực việc làm: quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm theo phương thức thương mại điện tử (Điều 47); quy định về xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia nhằm phát triển dịch vụ việc làm (điểm c khoản 1 Điều 53).
– Sửa đổi quy định về hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công theo hướng thu gọn đầu mối và chuyên nghiệp hóa (Điều 49).
– Rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hạn chế gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo phù hợp với chủ trương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương và Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (từ Điều 64 đến Điều 69).
– Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan về quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp (từ Điều 78 đến Điều 82), Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (từ Điều 83 đến Điều 84) và khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm thất nghiệp (từ Điều 85 đến Điều 89), đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
3. Về phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính
– Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến quy định 20 thủ tục hành chính, trong đó có 4 thủ tục ban hành mới, 12 thủ tục sửa đổi, bổ sung và 4 thủ tục giữ nguyên (so với Luật Việc làm số 38/2013/QH13).
– Dự thảo Luật đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cơ quan, tổ chức ở địa phương.
– Xin cảm ơn bà!
TRÍ NGHĨA (Thực hiện)
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202411/bo-sung-nhung-quy-dinh-moi-phu-hop-voi-thuc-trang-thi-truong-lao-dong-xu-huong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-dat-nuoc-va-yeu-cau-hoi-nhap-quoc-te-cae57aa/