Cứ mỗi độ tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm, làng nghề trầm hương ở thôn Phú Hội 1 (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh) bước vào chính vụ sản xuất các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân dịp Tết. Câu chuyện với người dân đan xen cả những thăng trầm của làng nghề và niềm hy vọng vào vụ Tết năm nay.
Chủ cơ sở Hương Trầm Việt đóng gói sản phẩm nhang trầm. |
Trầm vẫn tỏa hương
Sau 3 năm, chúng tôi trở lại làng nghề trầm hương thôn Phú Hội 1 – một trong hai thôn có số lượng lớn các hộ làm nghề trầm hương lâu đời ở xã Vạn Thắng. Còn nhớ 3 năm trước, cả làng đi qua đại dịch Covid-19 với những nỗi ưu tư, lo lắng. Nhìn những mặt hàng có giá trị lên đến hàng tỷ đồng phải rơi vào cảnh ế ẩm, ngâm vốn mà không ít người cảm thấy hoang mang. Nhiều người đã phải ngậm ngùi từ bỏ nghề truyền thống; những người cố gắng bám trụ với nghề cũng chật vật, khó khăn. Vậy nhưng, chỉ sau 3 năm “cơn bão” Covid-19 đi qua, làng trầm hương thôn Phú Hội 1 đã trở lại với hình ảnh khởi sắc một thời. Đến thăm nhà người bạn lâu năm là anh Trần Nhựt Trường – chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất Hương Trầm Việt, chúng tôi vui chung với sự phát triển của gia đình anh. 3 năm trước, vợ chồng anh Trường vẫn ở chung với gia đình bên vợ, còn bây giờ vợ chồng anh tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang còn nguyên màu sơn mới. Anh đã mua được xe ô tô để phục vụ việc kinh doanh. Đặc biệt, xưởng sản xuất của gia đình anh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 6 nhân công. “Đến bây giờ, tôi vẫn luôn cảm thấy mình thật may mắn khi đã vượt qua được những ngày khó khăn do đại dịch Covid-19. Thời điểm đó, giữa rất nhiều điều bất lợi, chúng tôi đã tìm được cho mình hướng đi đúng, đó là giữ vững chất lượng sản phẩm, đảm bảo giá thành ổn định, đa dạng các kênh giới thiệu, bán hàng. Nhờ đó, bên cạnh những khách hàng quen thuộc, chúng tôi còn có thêm được những đối tác, khách hàng mới. Từ đó, dần khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh”, anh Trần Nhựt Trường chia sẻ.
Nhân công của cơ sở Hương Trầm Việt đang chế tác sản phẩm vòng đeo tay từ trầm hương. |
Rảo bước trên những con đường của làng “triệu phú” thôn Phú Hội 1, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân nơi đây. Ghé thăm nhà nào, chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp cảnh làm hương, chế tác trầm cảnh mỹ nghệ, hay sản xuất các loại vòng đeo tay, mặt dây chuyền… Trong mùi trầm hương thoang thoảng, dịu ngọt bay ra từ những hạt vòng đeo tay vừa được làm xong, bà Trà Thị Thu Huyền (người dân thôn Phú Hội 1) cho biết, vợ chồng bà không có cơ sở sản xuất riêng mà hàng ngày đi nhận nguyên liệu từ các cơ sở khác về để chế tác làm công. Tùy theo mặt hàng, tiền công có sự chênh lệch khác nhau. Thời gian gần đây, công việc ổn định nên mỗi ngày vợ chồng bà thu nhập được từ 200 đến 500.000 đồng. Với ông Huỳnh Lý – người chuyên kinh doanh mặt hàng trầm cảnh mỹ nghệ ở thôn Phú Hội 1, từ đầu năm đến nay, tuy việc tiêu thụ sản phẩm có chững lại đôi chút nhưng ông vẫn bán được những đơn hàng có giá trị cao.
Bước vào vụ Tết
Hiện nay, làng trầm hương thôn Phú Hội 1 có hơn 200 hộ gia đình, cơ sở sản xuất sản phẩm trầm hương. Mỗi năm, vào tháng 9 và tháng 10 âm lịch là cao điểm sản xuất các sản phẩm trầm hương của người dân trong làng để phục vụ Tết. Với đặc điểm của một làng nghề truyền thống, hoạt động sản xuất của người dân nơi đây đa số dừng lại ở quy mô hộ gia đình. Bước vào mùa sản xuất hàng Tết năm nay, các gia đình trong thôn Phú Hội 1 vẫn sản xuất các mặt hàng chính như: Nhang trầm (gồm các loại nhang tăm, nhang nụ, nhang vòng); các loại vòng đeo tay, đeo cổ, mặt dây chuyền; trầm cảnh mỹ nghệ. “Gia đình tôi chuyên sản xuất, kinh doanh các dòng trầm cảnh mỹ nghệ. Đây là những mặt hàng được xoi, tỉa từ cây trầm tự nhiên và có hình dáng, kích thước, màu sắc, hương thơm hoàn toàn phụ thuộc vào đường vân dầu trên mỗi cây trầm. Giá thành của những mặt hàng này cũng không cố định mà phụ thuộc vào chất lượng, độ tuổi trầm, hình dáng, kích thước.
Người dân thôn Phú Hội 1 phơi nhang trầm phục vụ cho mùa Tết. |
Với cơ sở Hương Trầm Việt, để phục vụ nhu cầu khách hàng dịp Tết Ất Tỵ 2025, các sản phẩm nhang trầm và vòng tay đã bắt đầu được sản xuất. Hiện tại, tuy chưa có đơn hàng cụ thể từ các đối tác, nhưng chủ cơ sở cũng đã nhận được những cuộc điện thoại đề nghị giữ lượng hàng nhất định cho một số cửa hàng ở TP. Hồ Chí Minh. Giá các loại nhang dao động từ 150.000 đồng/kg đến 2,5 triệu đồng/kg, nhưng loại nhang được bán chạy nhất là loại 450.000 đồng/kg; còn vòng tay dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng. “Nhìn chung, giá thành sản phẩm của cơ sở chúng tôi có cao hơn một chút so với mặt bằng chung. Nhưng chúng tôi cam kết đưa đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng được làm từ trầm hương tự nhiên của vùng rừng núi Khánh Hòa”, anh Trường chia sẻ.
Người dân thôn Phú Hội 1 đang gọt lỉa một sản phẩm trầm cảnh mỹ nghệ. |
Một điều đáng mừng khác khi đến với làng trầm hương Phú Hội 1 chính là việc người dân nơi đây đã ý thức được trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Trước đây, người dân chủ yếu làm sản phẩm gia công cho những thương hiệu, nhãn hàng ở TP. Nha Trang, cũng như một số địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Nhưng nay, một số hộ sản xuất đã đăng ký nhãn hiệu sản phẩm như: Hương Trầm Việt, Trầm hương Hoàng Hảo… đặc biệt là Hợp tác xã Trầm hương xã Vạn Thắng với 7 thành viên. Theo ông Trần Công Đức – Giám đốc Hợp tác xã Trầm hương xã Vạn Thắng, với lợi thế và tiềm năng vốn có, những năm qua, người dân mạnh dạn đầu tư phát triển làng nghề trầm hương truyền thống. Để phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, người dân làng nghề đang tích cực sản xuất và đóng gói sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập. Tuy thời điểm hiện tại, sức sản xuất cũng như đơn hàng Tết còn khá cầm chừng nhưng đã có những tín hiệu cho thấy nhu cầu sản phẩm trầm hương mùa Tết này sẽ tăng cao.
Chia tay làng trầm hương thôn Phú Hội 1, chúng tôi vấn vương về mùi hương thoang thoảng, về câu chuyện của làng nghề truyền thống trong nền kinh tế thị trường. Mong rằng người dân nơi đây mãi giữ được nghề, sống được với nghề.
GIANG ĐÌNH – VĨNH THÀNH
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/phong-su/202410/lang-tram-vao-vu-tet-e2f46a8/