Cùng với việc thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các di tích trên địa bàn, huyện Khánh Sơn luôn quan tâm và ngày càng có nhiều hoạt động thiết thực để giữ gìn, phát huy vốn di sản văn hóa trong cộng đồng.
Vui ngày đàn đá “hồi hương”
Mới đây, UBND huyện Khánh Sơn phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức trưng bày bộ đàn đá Khánh Sơn – hiện vật gốc được phát hiện ở thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp) cách đây hơn 40 năm. Sự kiện này đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân, chính quyền địa phương khi được tận mắt nhìn thấy bộ đàn đá 4.000 năm tuổi gắn liền với vùng đất, con người Khánh Sơn. Sự xuất hiện của bộ đàn đá đúng dịp kỷ niệm 63 năm ngày giải phóng huyện (20-11-1960 – 20-11-2023) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì càng gia tăng niềm tự hào của người dân nơi đây. Ông Cao Minh Vỹ – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, đối với đồng bào Raglai ở Khánh Sơn, đàn đá luôn gắn bó, hiện diện trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất từ bao đời nay. Người Raglai luôn coi đàn đá như báu vật của núi rừng, là tiếng cha ông ngàn năm vọng lại. Chính vì thế, việc đưa bộ đàn đá cổ về để người dân Khánh Sơn chiêm ngưỡng có ý nghĩa rất to lớn.
Một tiết mục văn nghệ biểu diễn trong ngày trưng bày bộ đàn đá Khánh Sơn có niên đại 4.000 năm ở huyện Khánh Sơn. |
Từ xa xưa, âm thanh của đàn đá có tác dụng xua đuổi thú dữ để bảo vệ mùa màng, đồng thời cũng là một loại hình giải trí của người dân sau những giờ lao động vất vả. Âm thanh thánh thót của đàn đá cũng thường vang lên trong dịp lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng của người Raglai hoặc sau mỗi mùa lúa, mùa bắp bội thu. Thanh âm đó như sợi dây liên kết các thế hệ người Raglai và giữa đồng bào Raglai với các dân tộc khác. Vậy nên, khi bộ đàn đá Khánh Sơn được trưng bày tại địa phương đã có hàng nghìn lượt người dân đến xem. Nghệ nhân Tro Ngọc Minh (đội văn nghệ Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn) chia sẻ: “Tôi đã nghe nói nhiều về bộ đàn đá Khánh Sơn được tìm thấy ở huyện mấy chục năm trước nên cũng mong được một lần tận mắt nhìn thấy bộ đàn đá cổ này. Thời gian gần đây, các xã, thị trấn của huyện đã có nhiều hoạt động truyền dạy, biểu diễn nhạc cụ đàn đá. Vậy nên, sự xuất hiện của bộ đàn đá Khánh Sơn đã góp phần thôi thúc niềm đam mê nhạc cụ truyền thống trong thế hệ trẻ”.
Quan tâm giữ gìn di tích, danh thắng
Hiện nay, trên địa bàn Khánh Sơn có 2 di tích đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, gồm: Di tích lịch sử căn cứ địa cách mạng Tô Hạp (thị trấn Tô Hạp); danh lam thắng cảnh thác Tà Gụ (xã Sơn Hiệp). Ngoài ra, còn có 3 di tích đã được kiểm kê, gồm: Di tích khảo cổ Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp); di tích Suối Giá (xã Ba Cụm Bắc); di tích Xóm Cỏ (xã Sơn Bình). Những năm qua, huyện luôn cố gắng thực hiện tốt công tác kiểm tra, quản lý, bảo vệ và phát huy các di tích trên địa bàn. Mới đây, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh tiến hành khảo sát di tích khảo cổ Dốc Gạo để triển khai công tác lập hồ sơ khoa học trình các cấp xếp hạng di tích. UBND xã Sơn Hiệp cũng phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành khảo sát vị trí đặt bia di tích danh lam thắng cảnh thác Tà Gụ.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Sơn, trên cơ sở đảm bảo gắn kết hài hòa giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế, du lịch với phát triển văn hóa, địa phương đã ban hành văn bản về việc tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn; hướng dẫn UBND các xã, thị trấn có di tích thành lập ban quản lý di tích. Thông qua các hoạt động kiểm tra, khảo sát nhằm tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh của toàn xã hội trong việc đầu tư trùng tu, tôn tạo, quản lý, phát huy giá trị di tích; nâng cao công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo di tích.
GIANG ĐÌNH