Những năm 1980, buổi sáng trước khi đi làm, dân công chức văn phòng mong có chén cơm nguội cho chắc dạ là mừng, mấy ai dám mơ ăn phở sáng. Phở ngày ấy là món ăn sáng cho những người có tiền. Bạn bè sáng Chủ nhật mời nhau đi ăn phở, cà phê là có điều kiện lắm. Cụm từ “tô, ly, điếu” ra đời thời điểm này, có lẽ chỉ những ai ở độ tuổi U50 trở lên mới biết…
Một quán phở trên đường Tăng Bạt Hổ, Nha Trang. |
Nha Trang ngày ấy bé xíu, có thể có nhiều quán phở nhưng tôi chỉ biết có mấy quán rất nổi tiếng. Đó là phở Hợp Lợi ở đường Lý Thánh Tôn; phở Tân Thành đường Trần Quý Cáp; phở giò heo ở dốc đường Tăng Bạt Hổ xuống chợ Đầm; phở 79 Bạch Đằng; phở tái gân (không bảng hiệu) ở đường Phạm Hồng Thái mà người ta quen gọi phở trường Tàu… Các tiệm phở hồi đó hầu hết bán phở bánh Nam (bánh phở khô), chỉ có tiệm phở 79 Bạch Đằng có bán bánh Bắc, vì khu vực này có nhiều người Bắc di cư năm 1954. Tôi biết các quán phở này bởi lâu lâu có bạn ở huyện về công tác, bọn tôi hay rủ nhau đi ăn sáng, còn chủ yếu là ăn ké ông anh hồi đó làm nghề chạy xe tải đường dài nên tiền bạc rủng rỉnh.
Bao nhiêu năm vật đổi sao dời, nay những quán phở ấy quán còn, quán nghỉ bán. Đầu tiên là phở Hợp Lợi đã nghỉ bán vào cuối những năm 1980 do gia đình đi định cư nước ngoài. Phở Bạch Đằng di chuyển địa điểm đi nơi khác, giờ chỉ thấy tấm bảng hiệu vẫn treo ở số 112 Bạch Đằng. Phở giò heo đường Tăng Bạt Hổ chuyển sang phía đối diện, dù có di chuyển thì quán bán chè sen nhãn nhục vẫn ở kế bên, ai ăn phở kêu thêm ly chè nữa là no đến trưa khỏi ăn cơm. Chỉ còn phở Tân Thành và phở gân đường Phạm Hồng Thái còn bám trụ với địa điểm cũ và giữ hương vị cũ. Người đứng bán có lẽ đã là thế hệ thứ 3 trong gia đình.
Nhớ lại cái thời nghèo khó ấy mà vui, bởi ai cũng nghèo như nhau nên chả có mấy ai để so sánh. Thời đó, tôi mới ra trường, nhận công tác ở một cơ quan lương ba cọc ba đồng. Ở tập thể nên chiều chiều, sau bữa ăn bếp tập thể lúc 5 giờ chiều, tôi hay qua chơi với mấy cháu nhỏ, con các anh chị có gia đình để họ rảnh tay nấu cơm. Sếp của tôi có cậu nhóc lẻo khoẻo nhưng rất thông minh và hay bịnh vặt. Anh chị là người tiên phong cho cháu học trường Thực nghiệm khi đó còn nhiều tranh cãi (giờ là Trường Tiểu học Phước Hòa 2). Mỗi khi cậu nhóc bị bệnh, anh thường nhờ tôi đi mua phở về bồi dưỡng cho con. Thời ấy, đi mua phở thường mang theo cái cặp lồng, do vậy chủ quán luôn cho nước dùng nhiều hơn, trừ hao bánh phở để lâu bị nở. Xớt phở ra tô, còn dư chút nước, anh trộn cơm nguội ăn ngon lành. Thấy tôi nhìn, anh cười nói giọng Tuy Hòa: “Có chút nước mà ngon dữ bây!”. Bao nhiêu năm sau, khi chia tách tỉnh, anh trở thành một cán bộ chủ chốt của tỉnh Phú Yên, vậy mà mỗi khi gặp nhau, nhắc lại kỷ niệm ấy anh vẫn cười, vỗ lưng tôi bồm bộp “cái thời sao anh em mình khổ dữ bây!”.
Nói không quá lời, suốt thời kỳ bao cấp ấy, bọn tôi chỉ mong buổi sáng Chủ nhật có ai rủ đi “tô, ly, điếu”, có nghĩa là đi ăn phở xong ra quán cà phê ngồi tám bên điếu thuốc… Buổi sáng những ngày đầu tháng, mới lãnh lương, bọn tôi cũng chỉ dám chạy ra quán bánh canh, còn lại thì triền miên cơm nguội. Lâu lâu có bạn từ huyện về công tác, cả bọn kéo nhau ra ăn sáng ở Cửa hàng mậu dịch số 3 ở đường Hoàng Hoa Thám, bây giờ là Trung tâm Phát triển quỹ đất… Ăn tô cháo lòng quốc doanh lõng ba lõng bõng xong, ngồi tám với nhau bên ly cà phê đen, gói thuốc Đà Lạt khét mù đã là sung sướng lắm.
Ngày nay, các quán phở ở Nha Trang như nấm sau mưa, hình như mỗi con phố có một vài quán phở, phục vụ đủ sáng trưa chiều tối. Gõ trên mạng thì đủ các loại quảng cáo top 10, top 15… các quán phở nổi tiếng Nha Trang, tùy theo gu của các bạn review. Các tên tuổi phở gia truyền ngoài Bắc hầu như có mặt đủ: Phở Bát Đàn, phở Cồ Nam Định, phở Lý Quốc Sư… Nha Trang còn có các loại phở biến tấu ở đủ mọi miền nữa: Phở khô Gia Lai, phở dê thố đá, phở đuôi heo… Nhiều người buổi sáng trước khi đi làm, cứ ngẩn ngơ không biết ăn gì, ở đâu.
Cứ nghĩ thời buổi này, phở chỉ là một trong muôn món ăn, chả còn ai thèm phở nữa, ấy vậy mà vẫn có mới lạ. Nhớ những ngày Nha Trang bị phong tỏa vì đại dịch, mọi người loanh quanh nấu cơm, nấu mì tôm… ăn sáng đến phát ngán. Ròng rã mấy tháng trời, nghĩ đến mùi phở mà thèm chảy nước miếng. Khi bắt đầu sang giai đoạn “bình thường mới”, các quán lác đác bán lại, cả nhà tôi khẩu trang kín mít, kéo ra quán phở cạnh nhà. Thấy mọi người e dè mua đem về, tôi liều kéo cả nhà vào quán, bàn ghế lúc này vẫn dựng những tấm ngăn, hạn chế tiếp xúc. Ôi trời ơi, hương vị tô phở đầu tiên sau những ngày dịch giã sao thơm ngon đến thế, đúng là ngon tận đến giọt nước dùng cuối cùng(!)
Ông bà mình có câu: “Miếng ngon nhớ lâu…”. Hương vị phở của thời bao cấp đâu chỉ đơn thuần là một món ngon, đó còn là niềm vui bạn bè, là một văn hóa chia sẻ, là kỷ niệm ấm áp của một thời vất vả. Bởi vậy, hương phở xưa cứ mãi thơm trong ký ức, cho dù hôm nay đi giữa trùng trùng quán phở…
THỦY NGÂN