Triển khai từ giữa năm 2023, mô hình chăn nuôi dê sinh sản được Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Khánh Vĩnh triển khai tại 2 hộ trên địa bàn huyện. Nhờ tận dụng quỹ đất rộng và nguồn thức ăn tự nhiên nên bước đầu mô hình đã cho thấy hiệu quả.
Đàn dê của gia đình ông Trần Thanh Bách. |
Triển khai Dự án Khuyến nông Trung ương năm 2023 của Bộ NN-PTNT, qua khảo sát nhận thấy huyện Khánh Vĩnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp với phát triển nuôi dê sinh sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Khánh Vĩnh, UBND 2 xã Khánh Trung và Khánh Phú thực hiện dự án với quy mô 105 con dê, trong đó có 5 con giống dê đực ngoại, 80 con giống dê cái lai Boer và 20 con dê cái bách thảo. Dự án nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi dê sinh sản, sử dụng các giống dê hướng thịt nhập nội, các giống bản địa và con lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; đồng thời nhân rộng mô hình chăn nuôi dê.
Ông Trần Thanh Bách (thôn Ngã Hai, xã Khánh Phú) là 1 trong 2 hộ được lựa chọn tham gia Dự án Xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản tạo vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái tại tỉnh Khánh Hòa thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương năm 2023. Ông Bách cho biết, trước đây, nguồn kinh tế chính của gia đình ông phụ thuộc vào công việc trồng trọt với hơn 2ha đất trồng bưởi và dâu da. Tuy nhiên, những năm gần đây, bưởi mất giá nên thu nhập giảm sút. Được sự khuyến khích của UBND xã Khánh Phú, với lợi thế có hơn 2ha đất sản xuất và nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có, ông thử sức với mô hình chăn nuôi dê sinh sản. Tham gia mô hình, gia đình ông nhận được 42 con dê giống, trong đó có 2 con dê đực và 40 con dê cái sinh sản. Hiện nay, đã có 2 dê cái mang thai, trong tháng tới sẽ có lứa dê con đầu tiên. Mô hình nuôi dê sinh sản được dự án hỗ trợ 70% vốn, người dân đối ứng 30%. Việc nuôi dê không quá khó khăn và không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp. Nguồn thức ăn chủ yếu của dê là các loại lá, cỏ có sẵn trong tự nhiên. Ngoài ra, chuồng trại phải xây dựng thông thoáng, khô ráo, hàng ngày thả dê ra ngoài vườn cho dê tắm nắng, vận động.
Ông Cao Trọng – Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Phú cho biết, quá trình triển khai mô hình nuôi dê ban đầu gặp khó khăn ở công tác chọn hộ. Cùng với đó, dê giống ban đầu cấp về địa phương do thay đổi môi trường sống nên gặp một số bệnh, như: Rối loạn tiêu hóa, viêm loét… Tuy nhiên, cán bộ thú y đã phối hợp với hộ nuôi điều trị hiệu quả, đàn dê đang phát triển tốt. Cuối tháng 8-2023, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã đến thăm mô hình và đánh giá mô hình được xây dựng đạt các tiêu chuẩn về chuồng trại và con giống.
Mô hình chăn nuôi dê sinh sản tạo vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái giai đoạn 2023 – 2025 được Bộ NN-PTNT triển khai tại tỉnh Khánh Hòa có quy mô 300 con dê cái và 15 con dê đực, với chỉ tiêu kỹ thuật cần đạt 1,6 lứa/con cái/năm trở lên; dê con mới đẻ từ 2,3 kg/con; tỷ lệ nuôi sống đến 3 tháng tuổi đạt từ 90% trở lên. Hiệu quả kinh tế tăng ước đạt từ 10% trở lên so với chăn nuôi đại trà. Nhân rộng mô hình với quy mô từ 15% trở lên so với quy mô dự án được phê duyệt.
Mô hình chăn nuôi dê sinh sản tạo vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai tại huyện Khánh Vĩnh mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho các hộ gia đình. Cùng với đó, việc phát triển giống dê lai có khả năng sinh trưởng nhanh, sinh sản tốt sẽ giúp người dân yên tâm mở rộng mô hình, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
VĂN GIANG