Nhắc đến ẩm thực của Nha Trang – Khánh Hòa, nhiều người dành lời ngợi khen bởi sự tươi ngon của nguyên liệu, cách chế biến độc đáo tạo ra những món ăn ngon. Nhưng du khách đến Nha Trang – Khánh Hòa vẫn còn loay hoay với câu hỏi ăn gì, ăn ở đâu, bởi xứ Trầm vẫn còn thiếu những khu phố ẩm thực xứng tầm, nơi du khách có thể tìm thấy những món ăn đặc trưng của địa phương và của Việt Nam.
Thiếu những khu ẩm thực xứng tầm
Du lịch và ẩm thực từ lâu luôn song hành đối với mỗi người khi đến những vùng đất lạ, bởi trong những điều cần khám phá, tìm hiểu ở những đất nước, xứ sở cách xa nơi mình sinh sống thì ẩm thực là điều không thể bỏ qua. Trên thế giới, từ lâu đã hình thành nên những khu phố ẩm thực mang đặc trưng của vùng miền rõ rệt, như: Khu phố Tàu, chợ Nang Loeng, khu phố Saochingcha, khu Soi Rambutri, chợ cuối tuần Chatuchak (Bangkok, Thái Lan); chợ đêm Miêu Khẩu, Cơ Long (Đài Loan); khu phố Karakoy, Ortakoy (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ); khu phố Marrakech (Morocco)… Tại Việt Nam cũng có những khu phố ẩm thực nổi tiếng, như: Phố Tạ Hiện, Ngũ Xã, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây (TP. Hà Nội); phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ, Nguyễn Thượng Hiền, chợ đêm Tân Định (TP. Hồ Chí Minh); phố ẩm thực Phạm Hồng Thái (TP. Đà Nẵng); khu ẩm thực phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, khu phố cổ Gia Hội – Chi Lăng (TP. Huế)… Nhìn lại Nha Trang – Khánh Hòa, chúng ta chưa thấy có những khu phố ẩm thực hay đơn giản là khu vực ẩm thực được đông đảo du khách gần xa biết đến.
Một không gian giới thiệu ẩm thực các địa phương ở Khánh Hòa. |
Theo bà Lê Thị Hồng Minh – Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Khánh Hòa, tuy có văn hóa ẩm thực phong phú, đặc sắc nhưng Khánh Hòa chưa định vị được thế mạnh này. Văn hóa ẩm thực của tỉnh hiện nay đa phần chỉ mang tính chất tự phát, chưa có sự liên kết để tạo thành thương hiệu ẩm thực chung. Những khu du lịch trọng điểm cũng chưa có khu tổ hợp, hay tuyến phố ẩm thực để quảng bá tối đa đặc sản địa phương tới du khách. Những khu ăn uống trong các chợ đêm, nhiều sản phẩm ẩm thực chưa được đầu tư về chất lượng, chưa có nhiều sự sáng tạo về trình bày…
Chung quan điểm, ông Lê Văn Hoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, Khánh Hòa tập trung nhiều nhà hàng cao cấp chuyên phục vụ những thực khách tiêu dùng tầm trung, cao cấp. Tuy nhiên, những thực khách bình dân chưa thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ẩm thực ở khu vực này vì giá cả khá cao so với mức chi tiêu của họ. Vì thế, tỉnh nên đầu tư hoặc tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ẩm thực đầu tư xây dựng các khu phố ẩm thực tập trung nhằm phục vụ thực khách có mức chi tiêu trung bình. Những khu ẩm thực tập trung này cần bố trí ở gần các bãi biển, nơi tập trung đông đảo người dân, du khách đến tắm biển, nghỉ ngơi và giải trí.
Những đề xuất
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban, việc xây dựng các khu vực ẩm thực địa phương là một cách hay để tạo ra trải nghiệm độc đáo cho du khách và giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc trưng của Khánh Hòa. Muốn làm được điều đó, tỉnh cần xác định vị trí phù hợp để xây dựng các khu vực ẩm thực; đa dạng hóa các gian hàng và món ăn; tạo trải nghiệm tương tác cho du khách; thiết kế không gian ẩm thực độc đáo với các yếu tố văn hóa, trang trí phản ánh đặc trưng của Khánh Hòa; liên kết khu vực ẩm thực với các sự kiện nghệ thuật, triển lãm, biểu diễn âm nhạc hoặc các hoạt động văn hóa của địa phương…
Ông Nguyễn Văn Thích – Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh đề xuất tỉnh cần có quy hoạch liên quan đến phát triển ẩm thực. Chẳng hạn, quy hoạch khu văn hóa nghệ thuật cổ truyền dân tộc và ẩm thực truyền thống các loại bánh chế biến từ bột gạo, đặt tại di tích quốc gia Thành cổ Diên Khánh; tạo lập khu văn hóa ẩm thực truyền thống kết hợp món ẩm thực mới, ngon tại chợ Đầm…
Giới thiệu những món ăn ngon của vùng đất Khánh Hòa. |
Lãnh đạo Sở Du lịch đề nghị các địa phương, trọng tâm là TP. Nha Trang có sự phối hợp chặt chẽ với ngành Du lịch để nghiên cứu, triển khai tổ chức các khu phố ẩm thực. Trên cơ sở đó, tạo ra những không gian ẩm thực văn minh, lịch sự, chất lượng nhằm thu hút, phục vụ nhu cầu của khách du lịch và người dân, trở thành địa chỉ quen thuộc của du khách khi đến Khánh Hòa. Qua đó, góp phần đẩy mạnh, thu hút đầu tư, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch gắn với hoạt động thưởng thức văn hóa ẩm thực; khuyến khích xây dựng các chương trình tour du lịch lồng ghép thưởng thức ẩm thực địa phương.
Theo bà Lê Thị Hồng Minh, mong muốn của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Khánh Hòa là xây dựng được con đường ẩm thực, khu chợ nổi Champa gắn với di tích Tháp Bà Ponagar; cùng với đó xây dựng phố văn hóa ẩm thực trải nghiệm hương vị của biển. Thông qua dịch vụ ẩm thực, thưởng lãm, nhất là các hoạt động vui chơi, ăn uống về đêm góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch; kích thích chi tiêu; đem đến cho du khách các lựa chọn tiêu dùng đa dạng và tăng thêm trải nghiệm thú vị.
GIANG ĐÌNH