Sáng 14-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tham dự.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa. |
Còn nhiều khó khăn
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, Việt Nam có 676 DNNN, trong đó có 478 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Tổng tài sản của các DNNN đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng (tăng 4% so với năm 2021); tổng giá trị vốn Nhà nước đang đầu tư tại các DNNN gần 1,7 triệu tỷ đồng (tăng 3%); tổng doanh thu của các DNNN đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng; tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước của khu vực DNNN hơn 382.900 tỷ đồng (tăng 21%)… Tuy nhiên, cả nước có 64 DN có lỗ phát sinh, 144 DN còn lỗ lũy kế; tổng nợ phải trả của các DNNN gần 1.982 nghìn tỷ đồng (tăng 6%)…
Sản xuất tại một phân xưởng ở Nhà máy thuốc lá Khatoco Khánh Hòa. Ảnh: Hải Lăng |
Đối với Khánh Hòa, hiện nay, UBND tỉnh đại diện chủ sở hữu vốn đối với 6 DNNN. Trong 8 tháng năm 2023, các DNNN của tỉnh có tổng doanh thu ước đạt từ 63% đến hơn 80% so với kế hoạch. Trong đó, một số DN đạt doanh thu lớn gồm: Tổng Công ty Khánh Việt ước đạt hơn 3,5 nghìn tỷ đồng; Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa hơn 3,3 nghìn tỷ đồng; Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Khánh Hòa hơn 700 tỷ đồng… Các DNNN nộp ngân sách nhà nước đạt từ 61% đến 112%. Trong đó, Tổng Công ty Khánh Việt nộp gần 2,5 nghìn tỷ đồng (đạt hơn 87%); Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa nộp hơn 209 tỷ đồng (đạt gần 73%); Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Khánh Hòa nộp ngân sách hơn 195 tỷ đồng (đạt gần 92%)…
Cùng với xu thế chung, hiện nay, các DNNN của Khánh Hòa đối mặt với những khó khăn như: Chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao, sức mua yếu, lãi suất cao… và một số khó khăn đặc thù. Cụ thể, đối với Tổng Công ty Khánh Việt, trong hoạt động sản xuất kinh doanh ngành chủ lực thuốc lá, tình hình khan hiếm nguyên liệu, giá cả liên tục tăng mạnh cùng với ách tắc về thủ tục cấp hạn ngạch nhập khẩu nguyên liệu khiến DN đối mặt với tình hình thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng, hoạt động sản xuất, kinh doanh rất bị động (DN đã phải dừng sản xuất một số mặt hàng phục vụ xuất khẩu và trong nước). Chi phí lưu kho nguyên liệu nhập khẩu tại các cảng ở trong nước cao, nguồn vốn ứ đọng, chi phí bị đẩy lên cao. Các yếu tố này dự báo sẽ tác động mạnh đến hiệu quả hoạt động kinh doanh chung cả năm 2023 của DN. Bên cạnh đó, Nhà máy Thuốc lá Khatoco Khánh Hòa thực hiện di dời vào Cụm Công nghiệp Trảng É nên hoạt động sản xuất của ngành bị ảnh hưởng nhất định.
Đối với Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa, hiện nay, yến sào bị làm giả xuất hiện tràn lan trên thị trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín chất lượng yến sào của công ty, cũng như thương hiệu yến sào Khánh Hòa, khiến doanh thu của DN bị ảnh hưởng. Mặt khác, do khí hậu diễn biến cực đoan, đô thị hóa… dẫn đến nguồn thức ăn hạn chế, ảnh hưởng sức khỏe của chim yến đảo, làm giảm số lượng bầy đàn, chim làm tổ chậm, kích thước tổ nhỏ, mỏng, làm giảm sản lượng tổ yến thu hoạch.
Ngoài ra, các DNNN cung ứng dịch vụ công ích (như: quản lý bảo vệ rừng, thủy lợi…), do đặc tính DN không có nguồn thu nên mức lương chi trả, chế độ đãi ngộ thấp, dẫn đến khó giữ chân người lao động. Hay vấn đề cổ phần hóa ở các DNNN bị chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra…
Tập trung các giải pháp tháo gỡ
Theo ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, để khắc phục các khó khăn cho DNNN ở Khánh Hòa, UBND tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; tổ chức thêm các hoạt động quảng bá, thu hút du lịch để khuyến khích đầu tư sản xuất, kích cầu tiêu dùng; đặc biệt ưu tiên các ngành, DN sản xuất xanh, thân thiện với môi trường. Bản thân các DNNN trên địa bàn tỉnh đã tận dụng triệt để lợi thế của mình, chủ động tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu thay thế, sử dụng tối ưu nguồn nhân lực, nguồn vốn, nghiên cứu chuyển hướng đầu tư sang ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới theo hướng nắm bắt xu thế, dẫn dắt thị trường. Cuối tháng 9-2023, UBND tỉnh sẽ tổ chức làm việc với từng DNNN nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, giúp các DNNN trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được Đảng, Nhà nước quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành trong thực hiện phát triển kinh tế – xã hội. Thủ tướng Chính phủ đề nghị, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương thẳng thắn nhìn nhận, phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực DNNN; khẩn trương nghiên cứu, tham mưu Chính phủ, Quốc hội sửa đổi hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách để tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển của các DNNN. Cùng với đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đóng góp của nhân dân trong xây dựng và phát triển khu vực DNNN đảm bảo hài hòa lợi ích của nhân dân – DN – Nhà nước; khai thác hiệu quả các mối quan hệ chính trị, quan hệ ngoại giao với các nước để xây dựng chương trình hợp tác, đầu tư sản xuất, kinh doanh với các đối tác quốc tế… Các DNNN chủ động nghiên cứu xu hướng phát triển ngành, lĩnh vực mới trên thế giới để đề ra phương án đầu tư, sản xuất, kinh doanh phù hợp, mang tính đột phá, mang lại hiệu quả cao và đóng góp cho nền kinh tế – xã hội; tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; triển khai các giải pháp tăng năng suất lao động, tăng tính hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn đầu tư và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động…
ĐÌNH LÂM