KỲ 1: Cống hiến cho Tổ quốc
KỲ 2: Tích cực tham gia xây dựng đời sống mới
Những năm qua, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, nhiều chương trình, cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được người dân trong tỉnh nói chung và đồng bào các tôn giáo nói riêng tích cực tham gia hưởng ứng, thực hiện. Qua đó, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Cao đẹp “nghĩa đồng bào”
Thời gian qua, hoạt động từ thiện xã hội của đồng bào phật tử trong tỉnh được tổ chức rộng khắp. Nhằm tiếp nhận và hỗ trợ tốt hơn cho người nghèo với tinh thần tương thân tương ái, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã thành lập Ban Từ thiện xã hội để các mạnh thường quân, gia đình phật tử đóng góp vật chất chia sẻ, giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn bằng tinh thần “máu chảy ruột mềm”.
Trò chuyện về việc tham gia hưởng ứng chủ trương thực hiện công tác an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước trong những năm qua, Thượng tọa Thích Thiện Phước – Phó Ban Trị sự kiêm Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho biết, hơn 34 năm Phật giáo Khánh Hòa thành lập và phát triển đã luôn đồng hành với sự phát triển của tỉnh. Tăng, ni, phật tử trên địa bàn tỉnh luôn chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, khi tỉnh triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội, giáo hội đã chủ động phát huy tinh thần tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách”, dang tay giúp đỡ vô điều kiện đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.
Đại diện Ban Từ thiện xã hội Phật giáo Khánh Hòa trao quà cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại thị xã Ninh Hòa. Ảnh: Ban Từ thiện xã hội Phật giáo Khánh Hòa cung cấp |
Tính từ năm 2017 đến tháng 6-2023, hoạt động từ thiện xã hội của tăng, ni, phật tử trong tỉnh thông qua Ban Từ thiện xã hội hơn 205,9 tỷ đồng, với rất nhiều chương trình về giáo dục, y tế, xây dựng, an sinh xã hội… Cụ thể như: Tặng quà cho các cơ sở từ thiện xã hội, đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa vào dịp lễ, Tết; cứu trợ người dân khu vực bị thiên tai, hỏa hoạn; duy trì tủ thuốc từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; hỗ trợ chi phí cho bệnh nhân nghèo phẫu thuật y tế (như: Thay thủy tinh thể, mổ tim, chạy thận nhân tạo…); hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho người nghèo, tặng xe lăn cho người khuyết tật… Nhờ đó, nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng lợi, góp phần cùng với tỉnh giúp người nghèo vượt qua nghịch cảnh, từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Hoạt động từ thiện bác ái trong đồng bào Công giáo cũng tiếp tục được xây dựng và phát triển mạnh mẽ. Hầu hết các giáo xứ, dòng tu đều quan tâm, qua đó góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong câu chuyện về những nghĩa cử cao đẹp trong đồng bào Công giáo, ông Trần Vạn Giã – Ủy viên Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh giới thiệu về ông Trương Đua (thôn Ngọc Sơn, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa) – gương sản xuất kinh doanh giỏi, làm tốt công tác từ thiện bác ái. Ông Đua cho biết, ông cùng gia đình luôn hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của xã Ninh An. Từ việc mở hoạt động một máy xay xát nhỏ giải quyết nhu cầu xay lúa trong thôn năm 1980, ông đã phát huy tinh thần khởi nghiệp, đầu tư xây dựng nhà máy xay xát lúa công suất lớn từ năm 2010 với dây chuyền công nghệ tự động hóa hoàn chỉnh. Cơ sở của ông góp phần giải quyết đầu ra cho người trồng lúa, đồng thời giải quyết việc làm ổn định cho 21 công nhân… Điều đáng trân trọng là hằng năm vào dịp Tết, cơ sở của ông dành 1 tấn gạo để tặng người già neo đơn; người lao động tại cơ sở của ông khi lập gia đình đều được hỗ trợ tiệc cưới, nếu xây nhà riêng được tặng 30 bao xi măng…
Ngoài ra, công tác bác ái xã hội cũng phải kể đến Ban Caritas Bác ái xã hội Nha Trang. Những năm qua, ban đã giúp đỡ nhiều trường hợp người nghèo, trẻ mồ côi cơ nhỡ, bệnh tật, phụ nữ bị bạo hành, người nhiễm HIV, chất độc da cam… không phân biệt lương – giáo. Ông Trần Vạn Giã cho biết, từ tinh thần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng bào Công giáo ở hầu hết các giáo xứ và dòng tu trên địa bàn TP. Nha Trang đều nỗ lực cùng Mặt trận các cấp đến thăm, tặng quà cho đồng bào vùng sâu vùng xa, chăm sóc những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh…
Còn ở Giáo xứ Xuân Sơn (xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh), Linh mục quản xứ Cao Hòa Vinh cho biết, công tác bác ái tại giáo xứ không phân biệt lương – giáo. Trước đây, tại thôn Xuân Trang có hệ thống nước tự chảy nhưng chất lượng nước còn hạn chế, chủ yếu dùng cho tắm giặt, còn uống phải nấu sôi, trong khi đó nhiều người chở nước sạch từ nơi khác đến bán cho nhân dân. Vì vậy, giáo xứ bàn với Cộng đoàn nữ tu đầu tư hệ thống lọc nước sạch để người dân trong xã lấy nước sử dụng ăn uống, sinh hoạt. Khi lấy nước, những gia đình có điều kiện thì tùy lòng hảo tâm gửi tiền để làm quỹ bảo dưỡng, vận hành hệ thống, còn hoàn cảnh khó khăn có thể lấy nước miễn phí. Mô hình này đã góp một phần trong việc hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở xã Xuân Sơn.
Lan tỏa nhiều mô hình, phong trào kiểu mẫu
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh, Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội đã thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào “Dân vận khéo” bằng nhiều hình thức phong phú. Các đơn vị, tổ chức đã cụ thể hóa từng phần việc sát với điều kiện thực tiễn thông qua các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; các phong trào: “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “Con đường cựu chiến binh tự quản”, “Tuổi trẻ Khánh Hòa chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Tuyến đường xanh”, “Giảm thiểu rác thải nhựa – bảo vệ môi trường biển”, “Dòng tộc không có người mắc tệ nạn xã hội”, “Camera an ninh”, “Khu dân cư an toàn”, “Hòm thư an ninh”, “Tổ tự quản về an ninh trật tự”; “Xóm đạo bình yên”; “Xóm đạo chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”…
Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 300 mô hình hiệu quả, tiêu biểu, trong đó có nhiều mô hình của các tôn giáo. Điển hình như, ở Giáo họ Anna (thôn Đống Đa, xã Ninh Sim, Ninh Hòa) thuộc Giáo xứ Dục Mỹ, những năm qua đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình hay nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động của UBMTTQ Việt Nam tỉnh. Trong đó, nổi bật nhất là mô hình “Giáo họ không có người vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội” trong đồng bào Công giáo. Linh mục Nguyễn Văn Dàng – Giáo họ Anna (thôn Đống Đa) cho biết: Giáo xứ Đống Đa ở khu vực có Quốc lộ 26 đi qua, dân cư các tỉnh, thành về đây sinh sống đã hình thành một cộng đồng dân cư đa dạng về văn hóa. Đây cũng là khu vực cửa ngõ các tỉnh Tây Nguyên về Khánh Hòa. Vì những yếu tố trên, Đống Đa cũng là khu vực ít nhiều chịu ảnh hưởng của tệ nạn xã hội và an ninh, trật tự. Do đó, Giáo họ Anna đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức ở địa phương xây dựng mô hình “Giáo họ không có người vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội” từ năm 2018, thực hiện tại 108 hộ gia đình giáo dân. Đến nay, mô hình thu hút 155 hộ tham gia ký cam kết thực hiện. Trước khi có mô hình này, trong giáo họ có 1 thanh niên lười lao động, hút chất gây nghiện. Từ khi triển khai mô hình, bằng sự quan tâm tuyên truyền, vận động, giáo dục, giúp đỡ, thanh niên này đã bỏ hút chất gây nghiện, có sự tiến bộ rõ rệt và đã có việc làm ổn định. Những năm qua, tình hình an ninh, trật tự trong khu vực giáo họ luôn ổn định.
Linh mục Nguyễn Văn Dàng (giữa) trao đổi tình hình hoạt động của Giáo họ Anna với lãnh đạo Mặt trận xã Ninh Sim. |
Ông Vũ Hoàng Thuận – Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Ninh Sim cho biết: Thời gian qua, Giáo họ Anna nhận được nhiều bằng khen của UBND tỉnh và UBMTTQ Việt Nam tỉnh về việc tham gia thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Mới đây, giáo họ đề nghị Bộ Công an xem xét tặng thưởng bằng khen về thành tích thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09 ngày 19-8-2014 của Bộ trưởng Bộ Công an “về đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào tôn giáo”.
Việc các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động của Đảng, Nhà nước và Mặt trận triển khai đã từng bước nâng cao đời sống nhân dân, diện mạo từ nông thôn đến đô thị ngày càng đổi mới, an ninh, trật tự ổn định, hướng tới góp phần tham xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Ông CAO NGỌC TÂM – Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh: Những năm qua, chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ các tôn giáo đã tích cực hưởng ứng nhiều phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận. Các tôn giáo đã quan tâm vận động tín đồ tham gia đóng góp để xây dựng các tiêu chí nông thôn mới, nhờ đó đường làng ngõ xóm được khang trang, sạch đẹp; có nhiều hoạt động bác ái, từ thiện xã hội, khám, chữa bệnh, giúp đỡ học sinh, sinh viên, người nghèo, người yếu thế, tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng đời sống văn hóa… bằng nhiều việc làm rất thiết thực. Những thành tích đạt được đã chứng minh cho tinh thần gắn bó với dân tộc, với quê hương trong việc tham gia phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà. Từ đó, góp phần giúp cho tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững; một số chủ trương, chính sách về an sinh, phúc lợi xã hội, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn được phát huy hiệu quả tích cực. Trong thời gian tới, mong rằng đồng bào các tôn giáo trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, đồng hành với Mặt trận để góp phần cùng các tầng lớp nhân dân xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp; đồng bào các tôn giáo đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong tình nghĩa đồng bào.
ĐẠI HẢI
KỲ 3: Chung tay xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh