(TN&MT) – Ngày 05/12, tại TP. Cần Thơ, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng (Bộ TN&MT) đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả hoàn thành hạng mục hạ tầng và hệ thống thông tin và Lễ khánh thành Trung tâm Dữ liệu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên tham dự và chủ trì Hội thảo và buổi Lễ. Cùng tham dự các sự kiện này còn có đại diện các Bộ, Ban ngành Trung ương và địa phương; Ngân hàng thế giới; các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; các chuyên gia, nhà khoa học; Sở TN&MT, Sở NN&PTNT,… các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên ghi nhận, biểu dương sự nổ lực của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng (Bộ TN&MT), sự vào cuộc quyết liệt của nhà thầu, đơn vị tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là sự giúp đỡ của các Bộ, ngành liên quan và sự phối hợp của UBND TP. Cần Thơ. Đồng thời, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết: “Hôm nay, chúng ta đứng ở tòa nhà này, đây là sản phẩm cụ thể của tiểu dự án 4. Cùng với ba dự án trước liên quan đến nước mặt, nước ngầm, sử dụng công nghệ viễn thám quan sát sạt lở bờ sông, bờ biển… Tất cả những nội dung này có thể nói có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với vấn đề phát triển bền vững vùng ĐBSCL, đảm bảo quốc phòng an ninh. Tôi nhớ lại quá trình xây dựng Trung tâm này cũng như các hợp phần khác rất khó khăn trong công tác lựa chọn vị trí xây dựng, đảm bảo lực chọn vị trí quan trắc được các thông số tốt nhất, không bị các yếu tố tác động làm sai lệch số liệu. Rất cám ơn các đồng chí Lãnh đạo UBND TP. Cần thơ, Sở TN&MT, chính quyền quận Bình Thủy đã hỗ trợ xây dựng tào nhà hiện đại, khang trang, thân thiện với môi trường”.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cũng tin tưởng rằng: “Việc phát huy hiệu quả của nguồn vốn đầu tư cho hợp phần này sẽ mang lại hiệu quả vô cùng to lớn cho tất cả các ngành, các cấp trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách, quy hoạch… từ dự án nhỏ đến các dự án có tính chất liên tỉnh, liên vùng. Chúng ta đã có dữ liệu này, làm sao dữ liệu đó phải luôn luôn là dữ liệu sống, được bổ sung đầy đủ. Sau này có điều kiện sẽ làm dầy, để làm sao số liệu đầu vào phải chính xác và được bổ sung liên tục. Từ đó, chúng ta sẽ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kể cả trí tuệ nhân tạo (AI)”.
“Tôi cũng chưa kỳ vọng giai đoạn này Trung tâm Dữ liệu ĐBSCL như chìa khoá vạn năng, có thể giải quyết tất cả những khó khăn, vướng mắc, nhưng tôi tin sẽ giải quyết được cơ bản. Mục tiêu của chúng tôi là Trung tâm Dữ liệu ĐBSCL phải sống và sống khỏe bằng năng lực, bằng dữ liệu đã thu thập được, bằng khả năng cung cấp dịch vụ cho khu vực Nhà nước và cả khu vực tư nhân. Để làm sao chúng ta tiết kiệm thời gian nhất, tiết kiệm chi phí nhất, nhưng lại có tư vấn chính xác nhất cho việc hoạch định, quyết định các công việc liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội của Trung ương, của địa phương…” – Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết thêm.
Cũng tại buổi lễ khánh thành này, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết: TP. Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL rất phấn khởi khi Bộ TN&MT quan tâm xây dựng Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL tại quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ. Đây là công trình được đầu tư xây dựng kịp thời, là công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL đi vào hoạt động chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nhanh chóng, bền vững trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng – Bộ TN&MT, Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL được khởi công xây dựng năm 2022 và đến nay đã hoàn thiện và chuẩn bị các thủ tục đi vào vận hành… Cũng trong buổi chiều 5/12, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng – Bộ TN&MT còn tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả hoàn thành hạng mục hạ tầng và hệ thống thông tin Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Phú, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng – Bộ TN&MT cho biết: Phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, với nhiều chủ trương, chính sách phát triển để phát huy tiềm năng, lợi thế tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội của vùng ĐBSCL. Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược với chủ trương phát triển “thuận thiên” để chủ động hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Công, tận dụng tiềm năng, thế mạnh, tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển vùng ĐBSCL.
Giai đoạn 2016 – 2021 và 2021 – 2025, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng được Bộ TN&MT giao làm chủ đầu tư 04 tiểu dự án 1, 2, 3, 4 thuộc Hợp phần I, Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Trong đó, tiểu dự án 1 “Đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước mặt tại ĐBSCL”; tiểu dự án 2 “Nâng cấp, xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu”; tiểu dự án 3 “Xây dựng Hệ thống giám sát biến động bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL bằng công nghệ viễn thám” và tiểu dự án 4 “Đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL tích hợp dữ liệu tài nguyên và môi trường của khu vực phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu”.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Phú, hiện nay. 4 tiểu dự án thuộc hợp phần I đã hoàn thành góp phần cung cấp dữ liệu trực tuyến trong việc quản lý nước mặt, nước dưới đất, viễn thám và đặc biệt là xây dựng xong Trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL phục vụ cung cấp dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định. Đây là tiểu dự án quan trọng nhất trong Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL”. Hiện tại, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Việt Nam là một trong số các quốc gia hàng đầu sẽ phải đối mặt với sự biến đổi khí hậu, trong đó vùng ĐBSCL, nơi sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. “Vì vậy, việc xây dựng Trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL tích hợp dữ liệu đa ngành, đa lĩnh vực, thiết kế, tạo lập cơ sở dữ liệu và xây dựng các công cụ phần mềm xử lý, hỗ trợ ra quyết định là rất cần thiết và sẽ hỗ trợ xử lý kịp thời được các vấn đề trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng tại khu vực” – ông Phú thông tin thêm.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia, nhà khoa học giới thiệu về hệ thống thông tin của Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL; phương pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo Al; các giải pháp tạo lập dữ liệu và ứng dụng nền tảng mô hình thủy động lực đối với bài toán quản lý tài nguyên nước trong việc chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan; năng lực xử lý của hạ tầng công nghệ thông tin và giới thiệu về ứng dụng máy bay không người lái (UAV). Nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, nguồn nước vùng ĐBSCL đang chịu nhiều tác động mạnh bởi khai thác, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, do đó việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước phải thật chính xác và có độ tin cậy cao, qua đó góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tại vùng ĐBSCL ngày càng nhanh và bền vững.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/khanh-thanh-trung-tam-du-lieu-vung-dbscl-384168.html