Lễ khánh thành do Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Bình Thuận tổ chức. Điểm cầu chính tại nút giao Phan Thiết, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (dự án Phan Thiết-Dầu Giây), kết nối trực tuyến với điểm cầu hầm Thung Thi, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá (dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45).
Tham dự buổi lễ tại các điểm cầu có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi khảo sát dọc tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây vừa được khánh thành và kiểm tra, đôn đốc tiến độ dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết đang được gấp rút hoàn thành.
Hoàn thành thêm 150 km cao tốc trong tháng 5
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 có tổng chiều dài 652,86 km được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công).
Ngoài 2 dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45, Phan Thiết-Dầu Giây vừa được khánh thành, các dự án thành phần Cao Bồ-Mai Sơn (dài 15 km) và Cam Lộ-La Sơn (98 km) đã đưa vào khai thác trước đó.
Còn dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết (dài hơn 100 km) và dự án Nha Trang-Cam Lâm (dự án PPP, dài 49 km) dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2023. Dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn (dài 43,28 km), dự án Nghi Sơn-Diễn Châu (dài 50 km) và dự án cầu Mỹ Thuận 2 cùng đường dẫn hai đầu (dài 6 km) dự kiến hoàn thành quý III và IV năm 2023. Dự án Diễn Châu-Bãi Vọt (dự án PPP, dài 49 km) và dự án đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo (dự án PPP, dài 78,5 km) sẽ hoàn thành trong năm 2024.
2 dự án vừa khánh thành đều do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Trong đó, dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 có chiều dài tuyến khoảng 63,37 km đi qua các tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa, tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng.
Dự án giúp rút ngắn hành trình di chuyển, đẩy nhanh thời gian kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị từ Hà Nội với các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa các khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, cũng như từ Bắc vào Nam; tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1A đoạn qua các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá.
Dự án Phan Thiết-Dầu Giây có chiều dài tuyến khoảng 99 km đi qua các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, kết nối với tuyến đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây. Dự án có tổng mức đầu tư 12.577,5 tỷ đồng.
Dự án giúp rút ngắn hành trình từ TPHCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung Bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1A; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam với khu vực miền Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung bộ, cũng như từ Bắc vào Nam; góp phần tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà.
Sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong khó khăn, thách thức
Theo báo cáo của Bộ GTVT và ý kiến các nhà thầu, lãnh đạo các địa phương phát biểu tại buổi lễ, quá trình thi công 2 dự án đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ như ảnh hưởng của dịch COVID-19; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, chưa đạt tiến độ theo kế hoạch; biến động giá nguyên, vật liệu gây khó khăn cho các nhà thầu; thiếu hụt về nguồn vật liệu đắp; thời tiết diễn biến bất thường, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ…
Nắm bắt và chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc đó, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện với tinh thần “khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, không đùn đẩy, không né tránh”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”; “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện và có sản phẩm cụ thể, mang lại hiệu quả cân đong đo đếm được”.
Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều văn bản để giải quyết thiếu hụt vật liệu cho các dự án; quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp để sớm bình ổn giá vật liệu xây dựng, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu… Đặc biệt, Chính phủ đã liên tiếp ban hành 2 Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án.
Lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả thi công các dự án. Riêng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi dọc tuyến 2 lần vào các dịp Tết Nguyên đán.
Vượt nắng, thắng mưa, vượt đại dịch, thắng bão giá
Tại buổi lễ, trong không khí phấn khởi, tự hào kỷ niệm Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, Ngày Quốc tế lao động 1/5, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại 19/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chính thức tuyên bố khánh thành các dự án. Đây là những đoạn tuyến quan trọng, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, thuận lợi, an toàn giữa Bình Thuận-TPHCM, giữa Hà Nội-Ninh Bình-Thanh Hóa và các địa phương khác, kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và khu vực miền Trung, TPHCM với khu vực miền Trung. Việc đưa vào khai thác thời điểm này càng ý nghĩa hơn khi nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng cao dịp nghỉ lễ.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội.
Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được tích cực đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới để phát triển các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ và đặc biệt là giảm chi phí logistics (chi phí logistics ở nước ta khoảng 17% trong khi đó các nước trong khu vực chỉ 12-13%, làm cho khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu chưa cao).
Trong hạ tầng giao thông, hệ thống đường cao tốc đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, nâng cao năng lực vận tải, đảm bảo quốc phòng-an ninh, mở rộng các không gian phát triển kinh tế-xã hội cho mỗi địa phương, mỗi vùng và cho cả đất nước. Đặc biệt, hành lang vận tải Bắc-Nam luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế-vận tải huyết mạch của đất nước.
Chính vì vậy, để tạo ra động lực đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương trên hành lang này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ Cửa khẩu Hữu Nghị-Lạng Sơn đến Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố và chúng ta đã hoàn thành đưa vào khai thác 642 km. Với 2 dự án vừa được khánh thành dài 160 km, tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc-Nam đạt khoảng 800 km và dự kiến sẽ đạt khoảng 950 km khi các đoạn Phan Thiết–Vĩnh Hảo, Cam Lâm–Nha Trang hoàn thành trong tháng 5 tới.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương cán bộ, công chức, người lao động ngành GTVT, đặc biệt là các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn đã có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để khắc phục các khó khăn, làm việc không quản ngày đêm, “3 ca, 4 kíp”, huy động đủ nguồn lực, thiết bị và máy móc, thực hiện nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để đưa các dự án đi vào khai thác, vận hành.
Thủ tướng cũng đánh giá cao sự chủ động vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương đã phối hợp, hỗ trợ Bộ GTVT và các địa phương nhanh chóng giải quyết những vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền. Đồng thời, biểu dương sự nỗ lực, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết thiếu hụt vật liệu cho các dự án. Thủ tướng cảm ơn bà con nhân dân trong vùng ảnh hưởng của các dự án, đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà, nhường chỗ ở, nhường chỗ canh tác để triển khai các dự án.
“Chúng ta đã vượt nắng, thắng mưa, vượt qua đại dịch, thắng bão giá, vượt lên chính mình với quyết tâm cao nhất, cố gắng lớn nhất, nỗ lực và quyết liệt hành động để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Phải nhắc lại điều này để chúng ta có thêm tự tin, bản lĩnh trong đối phó với các khó khăn, thách thức, tiếp tục triển khai công việc trong thời gian tới”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu tới năm 2025, cả nước có khoảng 3.000 km cao tốc và tới năm 2030, có khoảng 5.000 km cao tốc. Theo Bộ GTVT, tính cả các tuyến đường trục ngang và tuyến Bắc-Nam, đến nay, cả nước đã hoàn thành 1.580 km cao tốc, trong đó giai đoạn trước năm 2020 đưa vào khai thác 1.163 km và chỉ riêng 3 năm gần đây đưa vào khai thác 416 km. Như vậy, từ nay tới cuối nhiệm kỳ, chúng ta phải hoàn thành gần 1.500 km cao tốc nữa. Cùng với đó, chúng ta đang nghiên cứu, triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, tiếp tục xây dựng các sân bay, cảng biển…
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là khối lượng công việc rất lớn, rất nặng nề, với yêu cầu rất cao, phải quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa trong thời gian tới, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả.
Những bài học kinh nghiệm quan trọng
Thủ tướng nêu rõ một số bài học kinh nghiệm quan trọng từ việc triển khai các dự án cao tốc thời gian qua. Theo đó, phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới; quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả, lấy hiệu quả làm thước đo.
Đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo; tuyệt đối không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phải phối hợp hiệu quả, chặt chẽ, có trách nhiệm giữa các chủ thể liên quan và người dân trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, nhà thầu.
Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi để các địa phương chủ động, linh hoạt, sáng tạo giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền, nhất là giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu, đường hậu cần, bãi thải…; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và đồng thuận chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đặt lợi ích của quốc gia dân tộc, lợi ích chung lên trên hết, trước hết.
“Phải quan tâm đến đời sống của nhân dân, chú trọng công tác bố trí tái định cư, đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Tôi muốn nhấn mạnh là làm sao để đời sống nhân dân phải tốt hơn và ít nhất là bằng nơi ở cũ một cách bền vững cả về vật chất và tinh thần; đặc biệt lưu ý đến là sinh kế của nhân dân nơi có dự án đi qua”, Thủ tướng nói.
Cùng với đó, không chia nhỏ gói thầu; xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để lựa chọn nhà thầu phù hợp; lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực, uy tín, kinh nghiệm quản lý, triển khai dự án quy mô lớn; đảm bảo các yếu tố về kỹ – mỹ thuật, tiết kiệm chi phí, không để tăng tổng mức đầu tư không hợp lý, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn lao động, thưởng phạt phân minh, kịp thời.
“Phải xác định rõ các khó khăn, vướng mắc ở đâu, ai giải quyết? Thời hạn giải quyết? Những vấn đề giải quyết được ngay thì các bộ, ngành, địa phương có câu trả lời rõ ràng, dứt khoát; những vấn đề chưa giải quyết được ngay thì phải khẩn trương nghiên cứu, chủ động giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả”, Thủ tướng nêu rõ.
Việc hoàn thành 02 tuyến cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây có vai trò, ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Ninh Bình, Thanh Hóa nói riêng, của các địa phương lân cận, của các vùng và của đất nước nói chung.
Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức vận hành khai thác bảo đảm an toàn, hiệu quả; căn cứ nhu cầu giao thông để xây dựng kế hoạch đầu tư hoàn chỉnh dự án theo quy mô quy hoạch trong tương lai; nghiên cứu, phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc triển khai dự án để làm bài học cho các dự án sau này.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa các đoạn còn lại của tuyến cao tốc Bắc-Nam vào khai thác đúng kế hoạch, nhất là tuyến Phan Thiết-Vĩnh Hảo và Cam Lâm-Nha Trang; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các địa phương khẩn trương triển khai xây dựng các dự án cao tốc trục Đông-Tây, các dự án Vành đai TPHCM và Hà Nội; Bộ GTVT chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh hơn nữa các dự án kết nối liên vùng theo hình thức PPP, đầu tư công.
Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận và Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống của người dân, nhất là những gia đình, những người đã nhường mặt bằng cho dự án, bảo đảm người dân có điều kiện sống ổn định, tốt hơn, nhất là sinh kế của người dân; tận dụng tối đa lợi thế của tuyến đường cao tốc để quy hoạch và phát triển không gian mới, các khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Các cơ quan, đơn vị quản lý và người dân cần chung tay có ý thức chăm lo bảo dưỡng và bảo vệ các công trình, hạng mục công trình đã hoàn thành, bảo đảm chất lượng cho công trình, ngày càng bền vững và an toàn tuyệt đối khi vận hành, bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình khai thác.
Sớm hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc phía đông
Phát biểu tại điểm cầu Thanh Hoá, chia sẻ về những khó khăn trong quá trình triển khai 2 dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, các dự án đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trung ương và địa phương.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “những lúc cả nước khó khăn phải cùng đồng lòng vì mục tiêu chung, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc; lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”, ngành GTVT xác định phải quyết tâm hoàn thành các dự án vì đó là danh dự, trách nhiệm của ngành trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trực tiếp các đồng chí Lãnh đạo Bộ đã thường xuyên kiểm tra hiện trường, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, làm việc với các bộ, ngành và địa phương để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ theo thẩm quyền và đôn đốc triển khai.
Để dự án về đích theo kế hoạch đã đề ra, Bộ GTVT đã phát động phòng trào thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật” với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” để các Ban Quản lý dự án, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu nỗ lực phấn đấu. Hưởng ứng phong trào thi đua, các đơn vị đã tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực triển khai thi công “3 ca 4 kíp”, thi công xuyên lễ, xuyên Tết nhằm sớm hoàn thành các dự án. Đến nay, 2 dự án đã cơ bản hoàn thành và đủ điều kiện đưa vào khai thác phục vụ nhân dân.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã dành nhiều thời gian trực tiếp kiểm tra hiện trường, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các Dự án. Sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo, Đảng, nhà nước, đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn, tạo ra khí thế tích cực, quyết tâm đối toàn ngành GTVT trong thực hiện mọi nhiệm vụ được giao”, Thứ trưởng nói.
Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn cần tiếp tục phát huy và nỗ lực hơn nữa để triển khai các đoạn còn lại thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông đảm bảo chất lượng, tiến độ; các đơn vị tư vấn cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán đảm bảo chất lượng, chặt chẽ về thủ tục, hạn chế tối đa việc điều chỉnh thiết kế trong giai đoạn thi công, không làm tăng tổng mức đầu tư dự án; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực ngay từ khâu thiết kế và quản lý thi công.
Thứ trưởng nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 và một số đoạn khác để thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
“Toàn ngành phấn đấu sớm hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc phía đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu.