Ngày 9/7, Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm (40 Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).
Tới dự lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và nhiều lãnh đạo Bộ, ngành.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, văn hoá có vị trí đặc biệt quan trọng góp phần to lớn vào sự phát triển bền vững của đất nước. Trong quá trình lãnh đạo qua các thời kỳ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao vai trò của văn hoá, xác định văn hoá soi đường cho quốc dân đi. Các Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc đều khẳng định văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của phát triển đất nước.
Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng khi đến dự lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm – công trình văn hoá quan trọng, toạ lạc trong không gian đặc sắc, đầy trầm tích lịch sử, có vị trí đắc địa ở trung tâm Hà Nội.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định để có được nhà hát hiện đại như thế là sự nỗ lực rất lớn của Bộ Công an, thành phố Hà Nội cùng các bộ, ngành, tổ chức có liên quan.
“Đặc biệt, tôi đánh giá cao sự cống hiến của các nhà thiết kế, tư vấn, giám sát đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, yêu nghệ thuật, yêu Việt Nam, yêu ngành công an, yêu văn hoá”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng nhận định, Nhà hát Hồ Gươm là một thiết chế văn hoá với không gian nghệ thuật hiện đại xen lẫn truyền thống, cơ sở vật chất đồng bộ, có kết nối với công trình văn hoá lịch sử, cảnh quan kiến trúc quanh Hồ Gươm, tạo thành một quần thể văn hoá của Thủ đô.
“Có thể nói đây là một trong những công trình kiến trúc văn hoá mang tính biểu tượng của lực lượng Công an nhân dân và góp phần tô thắm biểu tượng của thành phố Hà Nội. Chúng ta thấy sự kết hợp giữa tính dân tộc với hội nhập quốc tế, truyền thống với tinh hoa nhân loại. Đặc biệt là kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng, kiến trúc, hội hoạ cho thấy sự hòa quyện rất rõ”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, sau khánh thành, đội ngũ lãnh đạo Nhà hát Hồ Gươm cần tăng cường giao lưu giữa nhà hát trong nước và quốc tế để mang đến những màn biểu diễn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân; là nơi đào tạo, huấn luyện, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của Việt Nam đến bạn bè quốc tế; đồng thời, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, nhất là những người làm nghệ thuật.
“Nhà hát phải luôn sáng đèn vì nghệ thuật chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ công an và bạn bè quốc tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm đến nhu cầu nâng cao văn hoá tinh thần cho nhân dân Thủ đô, lực lượng Công an nhân dân cũng như khán giả cả nước và bạn bè quốc tế.
Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, Bộ trưởng Tô Lâm hứa sẽ tổ chức phối hợp với các cơ quan quản lý thật tốt để Nhà hát Hồ Gươm tiếp tục phát huy giá trị truyền thống văn hoá nghệ thuật của dân tộc.
Lãnh đạo Nhà hát Hồ Gươm và Nhà hát Opera hoàng gia Versailles (Pháp) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Công an đã tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai dự án Nhà hát Hồ Gươm.
Các nghệ sĩ biểu diễn sau lễ khánh thành.
Ngay sau lễ khánh thành, các đại biểu và khán giả đã có dịp thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc do Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời cùng một số nghệ sĩ Nhà hát Opera hoàng gia Versailles, Nhà hát Ca múa nhạc CAND biểu diễn.
Với quy mô 5.000m2, tọa lạc tại vị trí đắc địa giàu giá trị văn hóa bậc nhất của Thủ đô, cùng trang thiết bị tiên tiến, hiện đại ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới, Nhà hát Hồ Gươm hội đủ điều kiện để trở thành tâm điểm của các sự kiện chính trị, văn hóa nghệ thuật, nơi các đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến biểu diễn, giao lưu.
Nhà hát Hồ Gươm nằm tại giao điểm 4 con phố lớn trung tâm Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm chỉ 3 phút đi bộ. Nhà hát sẽ thành tâm điểm kết nối với các công trình văn hóa, di tích lịch sử, cảnh quan kiến trúc ngàn năm tuổi đang hiện hữu của Thủ đô, tạo thành quần thể văn hóa nghệ thuật, giải trí quanh hồ Hoàn Kiếm.
Nhà hát Hồ Gươm gây ấn tượng bởi phong cách thiết kế theo lối kiến trúc tân cổ điển, gợi nhớ về những nhà hát đầu tiên của nhân loại, nơi giao thoa các yếu tố lịch sử, văn hóa bản địa với vẻ đẹp đương đại.
Nhà hát có 6 tầng nổi, 3 tầng hầm gồm khán phòng chính lên đến 900 chỗ ngồi, phòng hòa nhạc nhỏ 500 chỗ và khu vực trưng bày, triển lãm nghệ thuật, các công trình phụ trợ khác.
Điểm nhấn kiến trúc châu Âu xưa toát lên sang trọng và lộng lẫy từ 52 cột đá nguyên khối, được nhập khẩu trực tiếp từ Tây Ban Nha, cùng các khối mặt kính và mái vòm bao bọc tòa nhà.
Phương án chiếu sáng trần sảnh chính lấy ý tưởng từ bầu trời đầy sao đêm với dàn đèn lộng lẫy khiến nhà hát về đêm lung linh – đúng nghĩa một thánh đường nghệ thuật.
Từng chi tiết thiết kế của hệ mái sảnh và nội thất bên trong nhà hát lại tái hiện một phần lịch sử của dân tộc Việt Nam qua những hoa văn truyền thống, biểu trưng cho văn hóa Việt như mặt trời, chim hạc, trống đồng Đông Sơn, các nhạc cụ dân tộc…
Hoạ tiết phù điêu tinh xảo và nhiều chi tiết, hình ảnh trang trí như rùa vàng trao kiếm hay hệ thống tranh sơn mài… tại các phòng khách, phòng VIP hay khu chức năng. Đặc biệt ấn tượng là bức phù điêu Huyền thoại Hồ Gươm đặt trên khối kính màu xanh lục tại sảnh thông giữa tầng hầm 1 và hầm 2, nhằm kết nối không gian bằng hình khối và ánh sáng.
Nhà hát có khả năng đáp ứng đa dạng yêu cầu trình diễn của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, từ khắt khe nhất như opera cho đến nhạc giao hưởng, nhạc kịch, múa ballet cho tới biểu diễn âm nhạc hiện đại, hội thảo, show truyền hình…
Các trang thiết bị âm thanh đều được đặt hàng riêng tương thích với thiết kế nhà hát, tuân thủ những tiêu chuẩn cao cấp, hiện đại bậc nhất thế giới.
Vietnamnet.vn