Ngày 17/1, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Thời báo văn học nghệ thuật, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam long trọng tổ chức Lễ Khánh thành nhà bia Lưu niệm nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam, nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Tham dự buổi lễ có TS Đoàn Thanh Nô, Phó Bí thư Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; ĐBQH Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; nhạc sĩ Cao Hồng Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ; nhà văn nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật; đồng chí Ngô Anh Vũ, Phó Chủ tịch huyện Hạ Hòa; đồng chí Nguyễn Tiến Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Gia Điền, đồng chí Cát Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Gia Điền cùng các lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Mặt trận tổ quốc xã Gia Điền; đại diện lãnh đạo thôn Gốc Gạo, cháu nội bà Bủ Gái cùng đông đảo các văn nghệ sĩ.
Vào mùa thu năm 1947, Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Tố Hữu lên Việt Bắc cùng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi phụ trách công tác văn nghệ. Với lợi thế của một vùng đồi núi cây cối rậm rạp, người dân hiền hoà, mến khách, lại là vùng tự do trong kháng chiến, mảnh đất Hạ Hòa – Phú Thọ là nơi đặt trụ sở nhiều cơ quan trung ương và có nhiều văn nghệ sỹ, nhà báo… đến làm việc, lãnh đạo phong trào và hoạt động sáng tác, tuyên truyền. Xã Gia Điền (Hạ Hòa) được chọn làm nơi để đóng trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam và trụ sở của Tạp chí Văn nghệ – cơ quan của Hội Văn nghệ Việt Nam. Và nhà Mẹ Gái – nguyên mẫu trong các bài thơ Bà Bủ, Bầm ơi của nhà thơ Tố Hữu. Đây cũng chính là nơi diễn ra những công việc cần thiết để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội văn nghệ Việt Nam.
Từ ngày 23 – 25 tháng 7 năm 1948, tại thôn Dộc Phát, xã Yên Kỳ, trên 80 văn nghệ sĩ cả nước đã hội tụ để thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ngày nay, mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của Văn nghệ kháng chiến và sau này là sự phát triển của nền văn học nghệ thuật cách mạng. Đây được xem là “Thủ đô văn nghệ” trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nhân Kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (25/7/1948- 25/7/2023), theo đề nghị của Thời báo Văn học nghệ thuật, sự tài trợ của Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã tiến hành thành lập Ban quản lý dự án, tiến hành tôn tạo, xây dựng 2 nhà bia lưu niệm tại xã Gia Điền và Xã Yên Kỳ, nơi đặt hai tấm bia ghi dấu hai sự kiện trên.
Sau hơn 2 tháng kể từ ngày khởi công (7/11/2023 – 17/1/2024), công trình tôn tạo, xây dựng trên nền tấm bia lưu niệm ghi dấu nơi đặt Trụ sở làm việc đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ, cơ quan của Hội Văn nghệ Việt Nam (1948) tại Xóm Gốc Gạo, xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đã chính thức được hoàn thiện.
Việc đưa công trình vào sử dụng có ý nghĩa hết sức to lớn. Đây không chỉ là nơi ghi dấu di tích xưa, tri ân các thế hệ văn nghệ sĩ tiền bối; các cán bộ, Đảng bộ địa phương và bà con nhân dân đã đùm bọc, che chở các văn nghệ sĩ – chiến sĩ trong thời kỳ kháng chiến. mà còn một điểm đến về nguồn đặc biệt ý nghĩa cho văn nghệ sĩ và cũng là “địa chỉ đỏ” nhằm giáo dục, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào truyền thống cách mạng, nền văn học nghệ thuật Việt Nam cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Tại buổi lễ, TS Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chia sẻ niềm vui với đảng bộ, chính quyền, mặt trận tổ quốc xã Gia Điền, Chi bộ, chính quyền, nhân dân xóm Gốc Gạo, khi từ nay đã có một công trình lưu niệm “về nguồn”, một điểm đến với diện mạo mới khang trang, ấn tượng trên mảnh đất thiêng. Ông khẳng định: “Sau này, do yêu cầu của cuộc kháng chiến, cơ quan Hội và Tạp chí Văn nghệ chuyển sang huyện Đại Từ – Thái Nguyên bên cạnh các cơ quan Trung ương, hòa bình lập lại về Hà Nội đóng trụ sở tại 51 Trần Hưng Đạo – Hà Nội cho đến hôm nay nhưng nơi đây mãi mãi còn ghi dấu ấn lịch sử của sự hình thành và phát triển của nền văn học nghệ thuật cách mạng”.
Ông Cát Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Gia Điền chia sẻ, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi đây được chọn làm điểm dừng chân, là nơi đóng trụ sở và hoạt động cách mạng của nhiều cơ quan trung ương, các văn nghệ sĩ… cũng trong thời gian đó, các văn nghệ sĩ khi hoạt động tại đây đã sáng tác nên những tác phẩm bất hủ. Sau khi hòa bình lập lại, các văn nghệ sĩ tiền bối đã nhiều lần trở lại thăm và dựng bia ghi nhớ quá trình thành lập và hoạt động của Hội Văn nghệ Việt Nam. Chính quyền và nhân dân địa phương vinh dự tự hào khi công trình được tôn tạo xây dựng lại khang trang sẽ là điểm đến phục vụ du khách tham quan và là nơi giáo dục truyền thống cho đông đảo nhân dân.