Ngày 5/10, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ khánh thành Công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế ở Khe Trái (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 13/2/1996.
Để bảo tồn và phát huy giá trị Di tích địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt dự án bảo tồn, phát huy Khu chứng tích, với kinh phí hơn 6 tỷ đồng.
Công trình khởi công ngày 14/7/2020, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Khu vực địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Hiếu
“
Việc tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Khu ủy Trị Thiên Huế bao gồm các hạng mục: Tu bổ, phục hồi 3 cửa hầm địa đạo theo nguyên trạng bằng bê tông cốt thép; Phục dựng, tôn tạo 1 bếp Hoàng Cầm của Huyện ủy Hương Trà; Phục dựng, tôn tạo 2 hầm cảnh vệ số 1 và số 3 diện tích mỗi hầm khoảng 3m2. Xây dựng hệ thống giao thông hào bao quanh theo nguyên trạng; Xây dựng mới nhà bia tưởng niệm; dựng bia đá tự nhiên nguyên khối, khắc chữ theo nội dung tưởng niệm của di tích; Xây dựng chòi nghỉ dừng chân diện tích khoảng 44m2; Xây dựng mới cầu tàu kích; Lắp cột thủy chí bằng bê tông cốt thép theo tiêu chuẩn; Xây dựng đường dẫn lên địa đạo và vào các cửa hầm dài khoảng 472m; Hệ thống PCCC, bể nước ngầm và hệ thống chống sét.
”
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương bày tỏ niềm tự hào về sự hình thành, hoạt động của Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế.
Đây là bước đầu công cuộc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp nghiên cứu, tham mưu đề xuất phương án tu bổ đề hoàn chỉnh việc tôn tạo, phục hồi nguyên trạng địa đạo trong thời gian tới.
Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế được đào vào tháng 8/1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta bước vào giai đoạn khốc liệt.
Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế là nơi đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Đặc biệt là các cuộc họp vào tháng 8 và tháng 10/1967, Thường vụ Khu ủy và Thành ủy họp để thảo luận, quyết định các phương án Tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968…
Trải qua thời gian, dưới tác động của thiên nhiên, một số cửa địa đạo đã bị vùi lấp. Năm 1997, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế) tiến hành khai thông địa đạo và phát hiện một số hiện vật như: bi đông đựng nước, máy khâu, xoong nồi, nắp bếp…
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương và các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế. Ảnh: Ngọc Hiếu
Về kết cấu, địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế có hình chữ Y, gồm có 3 cửa ra vào, nằm trên triền dốc 2/3 của đồi 160, có tổng chiều dài hơn 100m.
Trong lòng địa đạo có phòng ngủ, phòng hội họp, trụ mắc võng. Bên ngoài địa đạo có bếp Hoàng Cầm, hầm cảnh vệ, trận địa pháo, giao thông hào…
Tuyến đường vào Di tích lịch sử cách mạng Khu ủy Trị Thiên Huế. Ảnh: Ngọc Hiếu
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tham quan khu địa đạo. Ảnh: Ngọc Hiếu
Bếp Hoàng Cầm. Ảnh: Ngọc Hiếu
Một trong những lối ra vào địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế. Ảnh: Ngọc Hiếu
Lối ra vào khu địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế nhìn từ phía trong ra. Ảnh: Ngọc Hiếu