Huyện Khánh Sơn có hơn 70% dân số là người Raglai sinh sống. Thời gian qua, địa phương đã có nhiều nỗ lực, hành động cụ thể để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Raglai.
Khôi phục những truyền thống tốt đẹp
Mới đây, huyện Khánh Sơn tổ chức Liên hoan các làng văn hóa năm 2023, với 8 làng văn hóa tiêu biểu đại diện cho 8 xã, thị trấn trong huyện tham gia. Đây đều là các thôn, tổ dân phố nhiều năm liền đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa. Hơn 200 diễn viên, nghệ nhân, vận động viên đã cùng tranh tài ở các phần thi: Làng nghề truyền thống; chào hỏi và văn nghệ; trò chơi dân gian; tổ chức các gian hàng. Liên hoan đã phản ánh những nét đặc trưng trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân; thể hiện ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Thanh niên người Raglai ở huyện Khánh Sơn biểu diễn đàn đá. |
Trước đó, thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025, huyện Khánh Sơn đã khai giảng lớp bồi dưỡng, truyền dạy sử dụng nhạc cụ đàn đá cho 56 học viên là người dân tộc Raglai; cán bộ, công chức làm công tác văn hóa; giáo viên bộ môn âm nhạc các trường học; học sinh có năng khiếu về văn hóa, văn nghệ; thành viên đội văn nghệ của xã. Trong khoảng 1 tháng, các học viên được truyền dạy những kiến thức, kỹ năng cơ bản sử dụng đàn đá để biểu diễn phục vụ trong những sinh hoạt, hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Từ đó, góp phần đưa đàn đá – loại nhạc cụ tiêu biểu của người Raglai phổ biến hơn trong cuộc sống hôm nay.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Sơn, những năm qua, công tác bảo tồn, truyền dạy và phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống trên địa bàn huyện luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả khích lệ. Cụ thể, lễ bỏ mả của người Raglai đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012; các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, gồm biểu diễn đàn đá, hát kể sử thi, lễ ăn đầu lúa mới của người Raglai đang lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Huyện cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ định kỳ hàng năm, như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng; liên hoan các làn điệu dân ca Raglai năm 2018; liên hoan các đội mã la và múa dân gian Raglai năm 2019; hội thi tìm hiểu di sản văn hóa; ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam… Qua đó, một số lễ hội của người Raglai (lễ cưới, lễ ăn đầu lúa mới, lễ tạ ơn), một số loại hình nghệ thuật truyền thống (hát kể sử thi, biểu diễn nhạc cụ đàn đá, mã la, chapi) có điều kiện giới thiệu đến công chúng gần xa.
Tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị
Những thiếu nữ Raglai trong trang phục dân tộc. |
Trong 15 năm qua, huyện Khánh Sơn đã có nhiều việc làm cụ thể nhằm đưa các giá trị văn hóa truyền thống trở lại với đời sống của đồng bào Raglai. Cụ thể, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện xây dựng các chương trình văn nghệ tuyên truyền phục vụ đồng bào tại các xã, thị trấn. Huyện tổ chức nhiều hoạt động và luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các nghệ nhân người Raglai thể hiện những loại hình diễn xướng dân ca, biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Những người làm công tác văn hóa trên địa bàn huyện cũng thường xuyên gặp gỡ các nghệ nhân để ghi âm các làn điệu dân ca, sử thi Raglai. Nhiều xã, thị trấn trong huyện thành lập các đội biểu diễn mã la, đàn đá, đội văn nghệ truyền thống và sẵn sàng phục vụ khách du lịch. Trong năm 2023, thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã trang bị cơ sở vật chất cho các nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại các thôn; tổ chức phục dựng lễ hội truyền thống; tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể.
Người dân xã Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn) tái hiện lễ ăn đầu lúa mới. |
Theo ông Nguyễn Văn Nhuận – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, nhằm tiếp tục khuyến khích quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc nhiệm vụ này đến từng cấp ủy, chính quyền, người dân. Huyện sẽ tiếp tục duy trì ít nhất một hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các thôn, tổ dân phố. Trong đó, huyện chú trọng việc giữ gìn, phát huy và bảo tồn các làn điệu dân ca dân tộc, trang phục truyền thống, trò chơi dân gian…; duy trì, thành lập mới các câu lạc bộ, đội nhóm văn nghệ, thể thao của địa phương; có cơ chế, bố trí kinh phí hỗ trợ duy trì hoạt động các đội văn nghệ truyền thống của các xã, thị trấn. Cùng với đó, tăng cường các giải pháp xây dựng, phát triển văn nghệ quần chúng; chú trọng công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho nghệ thuật hát sử thi, các làn điệu dân ca Raglai, tạo ra nhiều chương trình giao lưu để các loại hình này tiếp cận được với nhiều khán giả nhất…
GIANG ĐÌNH