Khánh Hòa là một tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, điều kiện thiên nhiên đa dạng, phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp và độc đáo, nhiều di tích lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Đặc biệt, Khánh Hòa có đường bờ biển rất đẹp kéo dài từ xã Đại Lãnh tới cuối vịnh Cam Ranh, có độ dài khoảng 385 km với nhiều vịnh lớn là Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh cùng khoảng 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ và điểm cực đông trên đất liền của Tổ quốc.
Trong những năm gần đây, ngành Du lịch Khánh Hòa đã có sự phát triển hết sức mạnh mẽ, ngày càng khẳng định được thương hiệu và uy tín của mình trong mắt du khách trong và quốc tế.
Khánh Hòa kinh tế biển tạo đà phát triển du lịch bền vững. Ảnh: Internet
Theo đó Khánh Hòa đã và đang triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa một cách đồng bộ với sự chủ động phối hợp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, mặt trận và các đoàn thể, doanh nghiệp, các hiệp hội, hội nghề nghiệp…
Để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực du lịch phát triển nhanh và hướng đến phát triển bền vững cho những năm tiếp theo. Trong đó tập trung phát triển du lịch theo hướng hiện đại, có chất lượng, có thương hiệu, có trọng tâm, trọng điểm, phát triển đồng thời du lịch nội địa và quốc tế; Đồng thời giải quyết tốt những vấn đề: Bất hợp lý về cơ cấu thị trường khách; Bất hợp lý về sản phẩm du lịch, nhất là vấn đề mất cân đối cung – cầu và phân bổ không gian phát triển.
Phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các bản sắc, giá trị văn hóa của dân tộc; đảm bảo tính liên ngành, liên vùng và gắn với an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, khai thác tối ưu lợi thế quốc gia, các nguồn lực trong và ngoài nước, phát huy mạnh vai trò nòng cốt của doanh nghiệp.
Khách du lịch Hàn Quốc đến Khánh Hòa trên chuyến bay của Vietravel Airlines. Ảnh: Internet
Phát triển du lịch trong mối liên kết chặt chẽ và thực chất với các địa phương trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và các địa bàn trọng điểm du lịch để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh chung về du lịch. Quản lý, khai thác phát huy tiềm năng thế mạnh du lịch biển đảo gắn với lợi thế để xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch; bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.
Đặc biệt Khánh Hòa cũng đặt ra các mục tiêu như khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển Khánh Hòa là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, trong đó thành phố Nha Trang trở thành trung tâm du lịch có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới; vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong nhất là khu vực Bắc Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế biển, trong đó du lịch được đầu tư hiện đại, chất lượng cao. Phát triển du lịch Khánh Hòa cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất – kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường, đưa Khánh Hòa thực sự trở thành Trung tâm du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, là điểm đến du lịch đẳng cấp, hấp dẫn có tính cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế. Tập trung chuyển đổi số hóa trong lĩnh vực du lịch, phát triển hệ thống thông tin, hướng dẫn viên du lịch ảo. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù đặc sắc phù hợp tiềm năng du lịch Khánh Hòa.
Cụ thể đến năm 2025 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phát triển theo hướng chất lượng cao và bền vững. Du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh Khánh Hòa. Thành phố Nha Trang – Khánh Hòa là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Với tổng thu từ khách du lịch đạt 200 nghìn tỷ đồng khoảng 8,8 tỷ USD, đóng góp vào tỷ trọng GRDP của ngành dịch vụ tỉnh đạt 52,6 %. Về khách du lịch: thu hút được 11 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 05 triệu lượt khách quốc tế. Có 70.000 phòng kinh doanh lưu trú du lịch, trong đó có khoảng 70% phòng có quy mô đạt chuẩn chất lượng từ 3-5 sao, tạo việc làm cho trên 160.000 lao động trong ngành du lịch.
Phấn đấu đến năm 2030 du lịch Khánh Hòa thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững. Du lịch Khánh Hòa trở thành Trung tâm du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, là điểm đến du lịch đẳng cấp, hấp dẫn có tính cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế với tổng thu từ khách du lịch đạt 350 nghìn tỷ đồng; đóng góp vào tỷ trọng GRDP của ngành dịch vụ tỉnh đạt 55%. Về khách du lịch: thu hút được 15,5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 8,0 triệu lượt khách quốc tế; duy trì tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân 05-10%/năm, có 90.000 phòng kinh doanh lưu trú du lịch, trong đó có khoảng 75% phòng có quy mô đạt chuẩn chất lượng từ 3-5 sao, tạo việc làm cho trên 250.000 lao động trong ngành du lịch./.
Vương Thanh Tú