Huyện Khánh Sơn có đông đồng bào DTTS sinh sống, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Để đến được trung tâm huyện chỉ có con đường duy nhất là Tỉnh lộ 9. Tuyến đường đi qua địa hình đồi núi phức tạp, thường xuyên bị sạt lở nên phải thường xuyên duy tu, sửa chữa, nâng cấp. Hiện nay, toàn tuyến đã được mở rộng từ 3,5m lên 5,5m, mặt đường được thảm bê tông nhựa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.
Ngoài ra, các tuyến đường trên địa bàn huyện cũng được sửa chữa, nâng cấp. Đơn cử như tuyến đường Ba Cụm Bắc – Ba Cụm Nam giai đoạn 1, với tổng kinh phí đầu tư 14,5 tỷ đồng, có điểm đầu từ cầu Suối Lớn (thôn Hòn Gầm, xã Ba Cụm Nam) đến điểm cuối giao với Tỉnh lộ 9 (thôn Suối Đá, xã Ba Cụm Bắc), có tổng chiều dài toàn tuyến 5km đã đưa vào sử dụng từ đầu năm 2023. Nhờ đó, đã rút ngắn được 7km quãng đường từ trung tâm xã Ba Cụm Nam đến trung tâm xã Ba Cụm Bắc (đi theo đường cũ là 12km).
Bên cạnh đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, con đường này còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của 2 xã khi mở ra cơ hội phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trên diện tích 400ha, với hơn 3.500 đồng bào DTTS được hưởng lợi. Ông Bo Bo Thuyên – người dân ở thôn Hòn Gầm chia sẻ: Gia đình tôi có 1ha chuối ở khu vực thượng nguồn Suối Lớn. Trước đây, khi chưa có con đường này, người dân rất vất vả mới gùi được chuối từ trên rẫy về trung tâm xã để bán. Bây giờ, đường mở ra, xe máy chạy tới rẫy, xe công nông vào tận nơi thu mua nên rất thuận lợi.
Năm 2023, Khánh Sơn đã thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường liên xã Sơn Lâm đi Thành Sơn. Đây là một trong những dự án đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân địa phương, giúp hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường kết nối giữa 2 xã; thực hiện công trình giao thông cấp III với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 5,7km, mặt đường bê tông xi măng rộng 3,5m, nền đường rộng 6,5m, theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi; tổng mức đầu tư 79 tỷ đồng.
Ông Cao Minh Vỹ – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: Toàn huyện có hơn 20.000 người DTTS, chiếm hơn 70% dân số toàn huyện, trong đó chủ yếu là người Raglai. Trước đây, đời sống của người dân trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, giao thông không thuận lợi, nhất là đường đi vào các vùng sản xuất… Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong những năm gần đây, nhiều tuyến đường phục vụ sản xuất và dân sinh đã được đầu tư đồng bộ, giúp người dân đi lại và vận chuyển nông sản thuận lợi.
Còn tại huyện Khánh Vĩnh, những năm qua, tỉnh Khánh hoà cũng tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông. Đến nay, toàn bộ các tuyến đường vào trung tâm các xã đã được bê tông hóa, láng nhựa, xe ô tô vào tận nơi. Các tuyến giao thông huyết mạch là những tuyến tỉnh lộ được nâng cấp, mở rộng.
Theo ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh có 52km quốc lộ; 63km tỉnh lộ; hơn 88km hương lộ (liên huyện) đi qua. Đến nay, nhờ có sự quan tâm của tỉnh, hạ tầng giao thông của huyện đã cơ bản hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Đặc biệt, khi triển khai xây dựng đường kết nối 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh sẽ càng thuận lợi hơn cho việc kết nối giao thương, giao lưu văn hóa, du lịch giữa hai địa phương.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, huyện Khánh Vĩnh đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn 13 xã, thị trấn của huyện. Kết quả, trong 2 năm 2022 và 2023, trên địa bàn huyện đã đầu tư 14km đường giao thông vào khu sản xuất với khoảng 2.100 hộ dân được trực tiếp thụ hưởng, trong đó 80% là đồng bào DTTS.
Ngoài ra, huyện cũng đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Khánh Trung, cung cấp nước cho hơn 200 hộ dân; đầu tư hỗ trợ nước sinh hoạt cho 54 hộ dân sinh sống phân tán tại các xã đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, hạ tầng giao thông được kết nối đồng bộ giữa các khu sản xuất, giúp người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa được thuận tiện, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
“Nhờ có sự đầu tư cơ sở hạ tầng mà nhận thức và hành động của đồng bào DTTS có sự chuyển biến rõ rệt. Người dân đã tập trung đầu tư sản xuất, hạn chế sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước”, ông Hường chia sẻ thêm.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hoà, trong 2 năm 2022 và 2023, toàn tỉnh đã đầu tư xây mới 83 công trình thiết yếu tại địa bàn đặc biệt khó khăn, trong đó có 71 công trình giao thông nông thôn. Đồng thời, thực hiện duy tu, bảo dưỡng nhiều tuyến đường giao thông tại địa bàn đặc biệt khó khăn, đến nay có 43 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng.
Từ chủ trương đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi, các địa phương đã xây dựng quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, như: Huyện Khánh Sơn có vùng trồng sầu riêng 2.300ha; huyện Khánh Vĩnh có vùng trồng bưởi da xanh khoảng 700ha; một số vùng trồng xen ghép mía tím, chuối, chôm chôm, măng cụt và nuôi dê, bò, gia cầm… ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tạo ra các sản phẩm hàng hóa, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương có giá trị kinh tế cao.
Ông Võ Nam Thắng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Khánh Hoà cho biết: Vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh trong nhiều năm qua luôn được các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai huy động tối đa các nguồn lực, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.
Đến nay, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng kinh tế -xã hội được đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất và đời sống của người dân. Thời gian tới, các ban, ngành, địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông phục vụ sản xuất và dân sinh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển kinh tế.