Đến UBND xã làm thủ tục thừa kế đất, anh Trần Văn Quỳnh, thôn Yên Cư 4, xã Khánh Cư đã được công chức xã tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện.
Anh Trần Văn Quỳnh cho biết: Tôi nhận thấy việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử rất nhanh chóng, tiện lợi, giúp giảm thời gian và giảm công đi lại cho người dân. Với những thắc mắc trong thực hiện các thủ tục hành chính, chúng tôi có thể gửi câu hỏi và nhận được trả lời từ xã ngay trên trang thông tin điện tử xã Khánh Cư.
Để chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực, cán bộ, công chức xã Khánh Cư luôn tiên phong, tận tâm, tận lực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tích cực hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng tiện ích số đã có tại địa phương.
Đồng chí Vũ Minh Hiển, công chức văn phòng thống kê UBND xã Khánh Cư cho biết: Làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả, chúng tôi đã được tập huấn về công nghệ thực hiện chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, đẩy mạnh việc tự học và liên tục cập nhật các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để giải quyết thủ tục hành chính đúng theo quy định và thuận lợi cho người dân.
Đồng chí Vũ Bình Minh, Chủ tịch UBND xã Khánh Cư cho biết: Yếu tố con người rất quan trọng trong việc tiếp thu, triển khai thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số. Cùng với đó là đổi mới tác phong, lề lối làm việc với quan điểm người đứng đầu phải thực sự là hạt nhân lãnh đạo, đồng hành và chịu trách nhiệm trước kết quả hoạt động của cơ quan. Phải liên tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ năng lực, sẵn sàng thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số. Xã đã tổ chức cho cán bộ, công chức đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm xây dựng xã chuyển đổi số tại xã Yên Hòa, huyện Yên Mô. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông mở lớp tập huấn về chuyển đổi số cho 100% đội ngũ cán bộ công chức bán chuyên, hiệu trưởng các nhà trường, trạm trưởng y tế, hội đồng quản trị HTX nông nghiệp.
Bên cạnh đó, xã cũng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về chuyển đổi số đến người dân trên địa bàn qua các hội nghị, qua hoạt động của các đoàn thể, qua hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền lưu động, qua mạng xã hội, trang thông tin điện tử và tuyên truyền trực quan bằng các băng zôn, khẩu hiệu. Nhờ đó, người dân trên địa bàn xã đã chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ xã hội số, từng bước hình thành văn hóa trên môi trường số.
Xác định việc xây dựng hạ tầng số là nhiệm vụ hàng đầu trong chuyển đổi số, đến nay, xã đã có hạ tầng băng rộng cáp quang, Internet bao phủ đến 100% hộ gia đình trên địa bàn xã. 100% cơ quan, đơn vị, nhà văn hóa thôn đã lắp đặt các hệ thống mạng internet. Hệ thống camera giám sát được lắp đặt tại 100% cơ sở giáo dục, y tế, trụ sở Đảng ủy, UBND xã, các điểm công cộng, điểm tập trung đông người, đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị, hỗ trợ công tác bảo đảm an ninh – trật tự, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, xã Khánh Cư tập trung xây dựng chính quyền số để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chứng thư điện tử và chữ ký số chuyên dùng cá nhân trong tiếp nhận, xử lý, ký số, phát hành, quản lý và lưu trữ văn bản, hồ sơ điện tử, chuyển đổi hình thức làm việc từ sử dụng văn bản, tài liệu giấy sang sử dụng văn bản điện tử, làm việc trực tuyến, thông qua máy tính kết nối mạng Internet và thiết bị di động.
Đến nay, 100% văn bản điều hành được thực hiện trên môi trường mạng, với tỷ lệ văn bản ký số đạt trên 99%, tỷ lệ cán bộ, công chức xã thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử, phần mềm điện tử hàng tháng đều đạt 100%. Xã đã triển khai xây dựng phòng họp không giấy tờ, chú trọng tổ chức các hội nghị, cuộc họp không sử dụng văn bản, tài liệu giấy trong các hoạt động tại cơ quan, tạo mã quét QR tại các hội nghị để các đại biểu tra cứu tài liệu trên hệ thống zalo. Đẩy mạnh triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; 100% hồ sơ của tổ chức, công dân được hoàn thành và trả kết quả đúng hạn, trước hạn.
Trong phát triển kinh tế số, hiện nay địa phương đang từng bước triển khai, hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử; tham gia các nhóm bán hàng trên mạng xã hội như: Zalo, Facebook, từ đó từng bước thay đổi nhận thức, cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm.
Hướng dẫn một số sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Nấm, mộc nhĩ Hương Nam, dưa Kim Hoàng Hậu đưa lên sàn thương mại điện tử, sản phẩm đã được thiết kế bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và được khách hàng biết đến nhiều hơn. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký và hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm trên môi trường mạng, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm.
Công tác xây dựng xã hội số trên địa bàn được người dân tích cực tham gia với các hoạt động như: thực hiện giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ khám, chữa bệnh; thanh toán lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính; sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa…
Đa dạng hóa kênh giao tiếp, tiếp cận thông tin giữa chính quyền và người dân, xã cũng trang bị Đài truyền thanh thông minh, trang thông tin điện tử hoạt động hiệu quả với hơn 50.000 lượt theo dõi thường xuyên; nhóm Zalo chính quyền kết nối với người dân với gần 1.000 thành viên tham gia; hệ thống tin nhắn SMS kết nối với gần 2.000 hộ dân trên địa bàn, giúp người dân kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng với cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng thời nắm bắt nhanh chóng, chính xác thông tin chỉ đạo, điều hành của xã, tạo niềm tin của người dân đối với công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương.
Với nhiều nỗ lực, năm 2022, xã Khánh Cư đứng thứ nhất về xếp hạng cấp xã trong thực hiện chuyển đổi số của huyện Yên Khánh.
Bài, ảnh: Tiến Minh