Người làm báo ở mọi miền của Tổ quốc tụ hội về đây với niềm vui và lòng hứng khởi. Phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu về dự sự kiện ý nghĩa này.
Họa sỹ Ngô Xuân Khôi – đại diện bộ phận thiết kế trưng bày Di tích:
Khẳng định ý nghĩa to lớn của hoạt động báo chí tại chiến khu Việt Bắc
Tôi đã cộng tác với Bảo tàng Báo chí Việt Nam ở nhiều hoạt động nên chúng tôi hiểu được các công việc, ý nghĩa nội dung của từng sự kiện lịch sử, hiểu được giá trị lịch sử của các tư liệu hiện vật về báo chí.
Khi chúng tôi nhận được nhiệm vụ làm thiết kế, trưng bày cho Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, chúng tôi đã dành thời gian để nghiên cứu về lịch sử của Trường, dành thời gian nghiên cứu về các hiện vật, các sự kiện, nhân vật gắn với Trường.
Đó là những nhân vật có nhiều đóng góp cho cách mạng, là những nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ… họ đến đây để nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo ra đội ngũ làm báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Khi đó, tất cả mọi thứ đều rất sơ khai, đơn sơ mộc mạc… vì thế trong những thiết kế chúng tôi cố gắng lột tả được “chất” đó. Các gian trưng bày phải mộc mạc, dân dã, có sự gần gũi với mỗi người xem.
Những hình ảnh xưa sẽ gắn liền với tre nứa, mái che bằng lá cọ, mặc dù phải làm mới, phải tái hiện lại, nhưng chúng tôi luôn dựa trên tính chân thực của lịch sử, phản ánh được không khí, không gian, tinh thần của thời kỳ đó, tranh tre, nứa lá. Đặc biệt khẳng định ý nghĩa to lớn của hoạt động báo chí tại địa bàn các vùng chiến khu cách mạng.
Không chỉ là cái nôi của cách mạng ở đây còn là cái nôi về văn hóa, gắn liền với cuộc sống của người dân, của đồng bào trong chiến khu Việt Bắc. Những bức ảnh, những tư liệu được trưng bày màu sắc cũng cần phải được ăn nhập với phần khung, nền và không gian cảnh quan xung quanh. Ví dụ như các phông chữ, cũng đều ở dạng chữ đánh máy bằng tay ngày xưa.
Nội dung các tư liệu được sắp đặt từ thời gian sơ khai thành lập Trường cho đến quá trình sau này và cho đến thời điểm bây giờ. Việc sắp xếp theo thời gian, từ trái qua phải giúp cho mọi người dễ hình dung, dễ nhớ dễ hiểu, ở đây có một tinh thần chung là tất cả cho chiến thắng.
Qua các tư liệu hiện vật, trưng bày tôi muốn nhấn mạnh đến một thời kỳ lịch sử, thời điểm sơ khai của cách mạng, cuộc kháng chiến chuẩn bị bước vào giai đoạn khốc liệt, đầy gian khổ. Có rất nhiều công việc phải làm nhưng Đảng và Chính phủ vẫn nhận thấy tầm quan trọng công tác tuyên truyền, coi đây là một mặt trận quan trọng của báo chí. Nhận thấy sự cấp thiết của báo chí để tập trung đào tạo lớp cán bộ mà sau này đã góp phần tạo nên nền tảng báo chí sau này và cách mạng nói chung.
Bà Đỗ Hồng Lạng – con gái nhà báo Đỗ Đức Dục:
Nhớ về những công lao của thế hệ tiền bối, luôn tôn trọng lịch sử
Đến với Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tôi được trở về những kỷ niệm đẹp về sự đam mê nghề báo của cha mình. Chúng tôi được về với khu căn cứ kháng chiến xưa, nơi mà lòng yêu nước của đồng bào hòa nhập với núi sông thành một lực lượng vô địch để chống lại kẻ thù.
Đến với di tích lần này, tôi thấy ấn tượng về công trình, đặc biệt là cách trưng bày các tư liệu hiện vật, trước đây tôi và gia đình tôi đã phối hợp trao đổi thông tin với Bảo tàng Báo chí Việt Nam từ khi bảo tàng mới được thành lập. Đã có nhiều tư liệu hiện vật về cha tôi được nghiên cứu, lựa chọn và trưng bày.
Qua thăm chuyến thăm di tích này tôi nhận thấy, người làm công tác bảo tàng phải thật sự có tâm mới làm nên những công trình mang giá trị lịch sử như vậy. Họ làm việc với tinh thần nhiệt huyết, luôn nhớ về những công lao của thế hệ tiền bối, luôn tôn trọng lịch sử, biết cách phát huy các giá trị vô giá của lịch sử báo chí Việt Nam.
Nhà báo Đoàn Quốc Học – Chi hội nhà báo Đài PT-TH Quảng Nam (Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam):
Được tiếp cận với những tư liệu, hiện vật lần đầu tiên xuất hiện và công bố
Qua chuyến tìm hiểu về Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tôi biết thêm được công tác học làm báo, viết báo thời xa xưa, những thông tin của báo chí thời kỳ đó sẽ góp phần tuyên truyền cho cách mạng, cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Từ các tư liệu ở đây tôi thấy thời điểm quân và dân ở chiến khu Việt Bắc thông tin liên lạc còn gặp nhiều khó khăn, nhưng báo chí đã góp phần quan trọng khích lệ, động viên người dân và các chiến sỹ, chiến đấu bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Góp phần huy động sức dân, huy động mọi lực lượng để tham gia kháng chiến, đây là những đóng góp to lớn của báo chí thời kỳ này.
Đến với di tích, tôi được nhìn thấy những tư liệu, hiện vật lần đầu tiên xuất hiện và công bố, đây đều là những tư liệu quý, nhiều tư liệu chưa có phương tiện truyền thông báo chí nào đã đăng tải. Đó là ảnh những lớp học, những bút tích của các giảng viên, học viên thời kỳ đó.
Trước đây chúng tôi chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc ra đời Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, những đóng góp của Trường, nhưng giờ đây qua sự kiện này chúng tôi hiểu hơn về những giá trị to lớn mà thế hệ ông cha đã làm.
Đến với Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tôi nghĩ mỗi người làm báo và công chúng sẽ hiểu hơn về sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam, ở đây sẽ có nguồn tư liệu phong phú và dễ dàng tiếp cận cho mỗi phóng viên muốn tìm hiểu về lịch sử báo chí cũng như về nghề báo của ông cha xưa.
Chị Lê Hồng Nhung – Cán bộ phụ trách Đài truyền thanh xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên:
Viết tiếp truyền thống quê hương cách mạng
Là một người con của xã Tân Thái, được học tập về báo chí truyền thanh và làm việc tại địa phương. Sau khi tôi được tìm hiểu về di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, tôi cảm thấy rất tự hào và vinh dự khi nơi mình công tác có một công trình mang ý nghĩa lịch sử lớn lao về nghề báo.
Là một người làm công tác tuyên truyền tại địa phương, tôi sẽ cố gắng tìm hiểu các hiện vật tư liệu và xây dựng các tác phẩm phát thanh tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi đến Nhân dân trong và ngoài xã về Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Tôi thấy rằng, ở di tích có những tư liệu hiện vật mang giá trị lịch sử và là di sản vô giá của Báo chí cách mạng Việt Nam, đây sẽ là nguồn động viên để thế hệ người làm báo Thái Nguyên hôm nay tiếp tục nỗ lực học tập, rèn luyện. Cố gắng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để góp phần quảng bá một cách có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương – quê hương cách mạng, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.
Nguồn: https://www.congluan.vn/di-tich-lich-su-quoc-gia-dia-diem-truong-day-lam-bao-huynh-thuc-khang-tai-hien-net-doc-dao-day-tu-hao-cua-bao-chi-chien-khu-viet-bac-post306960.html