14:54, 29/03/2023
Không chỉ sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu lý tưởng, chè Shan tuyết Hà Giang còn hội tụ đầy đủ các yếu tố thơm, ngon, sạch, được ví như “vàng xanh”, “báu vật” của đất trời cực Bắc. Chè Shan tuyết đã trở thành cây trồng chủ lực trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, ngày càng khẳng định thương hiệu, vị thế, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tỉnh ta được biết đến là vùng sản xuất chè trọng điểm của cả nước với tổng diện tích lên đến hơn 20.300 ha, đứng thứ 3 sau tỉnh Lâm Đồng và Thái Nguyên. Trong đó, diện tích chè Shan tuyết lên đến hơn 18.600 ha, chiếm 90,28% diện tích chè toàn tỉnh; diện tích chè Shan tuyết cho thu hoạch đạt gần 14.000 ha, sản lượng trên 55.000 tấn.
|
||
Chè Shan tuyết được đồng bào người Dao thu hái thủ công |
Chè Shan tuyết sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên, dọc theo dãy núi Tây Côn Lĩnh và phân bố tập trung ở 5 huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang. Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng mang đặc điểm của khí hậu á nhiệt đới, mùa đông lạnh kéo dài và sinh trưởng ở độ cao từ 600 đến trên 1.500 m so với mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ đã tạo nên sản phẩm chè Shan tuyết độc đáo với chất lượng tốt, hương vị đặc trưng và mang tính đặc thù (thơm, ngon, sạch).
|
Đặc biệt, tỉnh ta còn có đến 7.000 ha chè Shan tuyết cổ thụ trên 100 năm tuổi, tiêu biểu như: Quần thể chè cổ thụ tại xã Cao Bồ (Vị Xuyên), xã Nậm Ty, Hồ Thầu (Hoàng Su Phì), xã Lũng Phìn (Đồng Văn)… Đây chính là lợi thế của chè Shan tuyết Hà Giang so với các địa phương khác trong cả nước, được các nhà khoa học đánh giá không chỉ là nguồn nguyên liệu tuyệt vời, cho ra đời những ấm chè đặc sản mà còn là một trong những thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gen quý hiếm. Nhằm bảo tồn nguồn gen quý của chè Shan tuyết cổ thụ, năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã công nhận 100 cây chè Shan tuyết đầu dòng tại 5 huyện trọng điểm về chè, tạo cơ sở lưu giữ nguồn gen phục vụ công tác nhân giống cho vườn ươm bằng hình thức gieo hạt và giâm cành.
|
||
Chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên |
Giai đoạn 2016 – 2020, chè Shan tuyết được tỉnh ta xác định là một trong những cây trồng chủ lực để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tiếp đó, Nghị quyết số 17 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025 tiếp tục định hướng: Chè Shan tuyết là 1 trong 5 loại cây trồng chủ lực để tập trung nguồn lực, nhân lực, khoa học công nghệ nhằm khai thác hiệu quả lợi thế so sánh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị gắn với phát triển sản phẩm du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi để chuỗi giá trị sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang hoàn thiện, phát triển, khẳng định tiềm năng, thế mạnh, thương hiệu chè Shan tuyết Hà Giang trên thị trường trong và ngoài nước.
|
||
Sản phẩm chè OCOP 5 sao cấp Quốc gia của HTX Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) |
Tháng 8.2018 ghi dấu bước phát triển vượt bậc của chè Shan tuyết Hà Giang khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn địa lý. Theo đó, vùng chỉ dẫn địa lý được cấp cho khu vực trồng và chế biến chè Shan tuyết của 44 xã thuộc các huyện: Bắc Quang (4 xã), Quang Bình (8 xã), Vị Xuyên (8 xã), Hoàng Su Phì (11 xã), Xín Mần (11 xã) và thành phố Hà Giang (2 xã). Đây là thành quả kết tinh cho sự nỗ lực của các cấp, ngành sau nhiều năm xây dựng, bảo tồn, lựa chọn, phục tráng nguồn gen quý, giống chè Shan tuyết cổ thụ. Đồng thời, mở ra cơ hội phát triển mới, giúp nâng cao giá trị thương hiệu, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang.
|
||
Sản phẩm chè Shan tuyết không chỉ đảm bảo về chất lượng mà còn được thiết kế bao bì đa dạng, bắt mắt |
Thêm một ấn tượng khác, tỉnh ta hiện có 1.629 cây chè Shan tuyết cổ thụ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây Di sản Việt Nam, đưa tỉnh ta trở thành địa phương có số lượng cây chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận cây Di sản Việt Nam nhiều nhất cả nước. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển giống chè quý hiếm, là tiền đề quan trọng để nâng cao giá trị kinh tế từ chè, thúc đẩy phát triển du lịch trải nghiệm vùng chè. Bởi những cây Di sản này đều mang giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử độc đáo, gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn.
|
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 doanh nghiệp, 13 hợp tác xã và 290 cơ sở, hộ kinh doanh, chế biến chè với tổng công suất chế biến khoảng 280 tấn chè búp tươi/ngày, đáp ứng được nhu cầu chế biến sản lượng chè hiện có. Giá chè búp tươi tại các huyện dao động từ 6 – 20.000 đồng/kg, cá biệt lên đến 350.000 đồng/kg (tùy từng vùng chè và quy cách hái chè). Để nâng cao giá trị chè Shan tuyết, nhiều cơ sở đã chủ động đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất, thiết bị hiện đại, công suất lớn, tạo ra các sản phẩm chè chất lượng cao, được thị trường đón nhận. Danh tiếng chè Shan tuyết Hà Giang đã vang xa, không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ với sản phẩm chè đa dạng, phong phú như: Chè đen, chè xanh, chè vàng, chè Phổ Nhĩ, hồng trà. Đặc biệt, tham gia cuộc thi Trà quốc tế tổ chức tại Pháp, sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ của HTX Tây Côn Lĩnh (TP. Hà Giang) còn xuất sắc giành 3 giải thưởng cao nhất (giải Vàng, Bạc, Ấn tượng). Điều này một lần nữa khẳng định thương hiệu chè Shan tuyết Hà Giang trên trường quốc tế.
|
||
Hoàng Viên Trà là một trong ba sản phẩm của Công ty TNHH Thành Sơn (thành phố Hà Giang) giành giải thưởng cao tại cuộc thi trà quốc tế |
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, hàng năm, giá trị sản xuất ngành chè đem lại gần 690 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% giá trị ngành trồng trọt. Chè Shan tuyết được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, được xem là “báu vật” của núi rừng cực Bắc. Và nay, tỉnh ta có gần 40 sản phẩm chè của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh được phát triển thành sản phẩm OCOP địa phương. Ấn tượng trong đó, 2 sản phẩm chè xanh và hồng trà nhãn hiệu bà cụ của HTX Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.
Để phát triển bền vững chè Shan tuyết, tỉnh ta đã có các chính sách đặc thù xây dựng chuỗi giá trị chè Shan tuyết hữu cơ trên quan điểm: Lấy doanh nghiệp là chủ thể và các hộ nông dân tham gia vào chuỗi giá trị thông qua các chuỗi liên kết, tạo nên chu trình khép kín từ sản xuất đến chế biến, kinh doanh sản phẩm.
Giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh ta bắt đầu thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây chè Shan tuyết tại xã Cao Bồ (Vị Xuyên), Tiên Yên (Quang Bình), Tả Sử Choóng, Hồ Thầu, Túng Sán (Hoàng Su Phì). Đến nay, toàn tỉnh có 11.611,7 ha/65 vùng/63 cơ sở sản xuất chè được chứng nhận tiêu chuẩn GAP (VietGAP, hữu cơ) chiếm 61,25% diện tích chè toàn tỉnh; trong đó, có gần 7.100 ha chè hữu cơ. Trên cơ sở đó, thực hiện liên kết 9.527 hộ trồng chè riêng lẻ để hình thành 40 cơ sở sản xuất chè VietGAP và liên kết với 24 doanh nghiệp, HTX chế biến chè để hình thành chuỗi liên kết sản xuất chè hữu cơ, gồm: 1.531,75 ha/4 cơ sở áp dụng theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (EU, CANADA, JAP); 5.267 ha/21 cơ sở áp dụng theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam (TCVN 11.041). Đối với diện tích chè Shan tuyết được chứng nhận GAP đã sử dụng phần mềm quản lý toàn bộ diện tích chè trên nền bản đồ VN2000.
|
||
Xã Cao Bồ (Vị Xuyên) là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với chè Shan tuyết |
Đặc biệt, Nghị quyết 209, Nghị quyết 86 và Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá trên địa bàn tỉnh ra đời đã khơi thông nguồn lực, hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay, tạo “đòn bẩy” cho ngành chè phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 1 hộ được vay vốn 500 triệu đồng đầu tư nhà xưởng chế biến chè; 88 hộ được vay vốn số tiền hơn 7,6 tỷ đồng để thâm canh gần 260 ha chè.
|
||
Người dân xã Phương Độ (TP. Hà Giang) chung sức mở đường giao thông lên vùng chè Shan tuyết cổ thụ, cộng với các chính sách về vốn tín dụng ưu đãi của tỉnh giúp nhiều hộ kinh doanh mở rộng quy mô sản xuất chè Shan tuyết |
Nối tiếp kết quả trên, Nghị quyết số 17 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hoá chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025 định hướng: Phát triển du lịch trải nghiệm núi rừng Tây Côn Lĩnh gắn với cây chè Shan tuyết di sản và vùng sản xuất chè Shan tuyết hữu cơ. Nghị quyết đi vào cuộc sống đã, đang tạo “cú hích” để xây dựng chè Shan tuyết trở thành thương hiệu mạnh của tỉnh gắn với phát triển du lịch. Nhiều huyện, thành phố đã ban hành nghị quyết bảo tồn, khai thác giá trị chè Shan tuyết cổ thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm.
|
||
Giá trị chè Shan tuyết được khai thác gắn với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm |
Tại xã Phương Độ (TP. Hà Giang), Công ty TNHH Thành Sơn không chỉ được biết đến là doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của tỉnh tiên phong nghiên cứu, sáng tạo, đưa KHCN vào sản xuất trà Shan tuyết cổ thụ, hướng đến sản phẩm có giá trị cao mà còn là địa điểm tham quan du lịch thú vị.
|
Hiện, doanh nghiệp đã xây dựng được không gian văn hoá du lịch Trà Hà Giang khá ấn tượng với khu thưởng trà, khu trưng bày các sản phẩm độc đáo chế biến từ nguyên liệu chè Shan tuyết cổ thụ quý giá như: Trà trắng, Trà xanh, Hồng trà, Phổ nhĩ, Trà bánh, Cao trà, xà bông… Ấn tượng trong đó, không gian Nhà trà cụ Thành (nơi thưởng trà) được thiết kế vô cùng độc đáo với các bức tường bằng trà.
Anh Hoàng Tiến Đạt (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ: “Đến thành phố Hà Giang, chúng tôi được tham quan vùng nguyên liệu chè Shan tuyết của Công ty TNHH Thành Sơn tại 3 thôn vùng cao của xã Phương Độ. Sau đó, mục sở thị quá trình chế biến chè Shan tuyết của doanh nghiệp và thưởng trà trong không gian vô cùng ấn tượng. Tôi thấy chè Shan tuyết đúng là “báu vật”, tinh hoa của đất trời cực Bắc. Ở đó, luôn có những con người tâm huyết, trách nhiệm trong sản xuất, chế biến để danh tiếng chè Shan tuyết không ngừng vươn xa”.
|
||
Bánh trà và bức tường độc đáo về trà tại Công ty TNHH Thành Sơn |
Mặc dù ngành chè đã có bước phát triển vượt bậc, song thực tiễn sản xuất cũng chỉ ra không ít hạn chế, cản trở sự phát triển bền vững của chè Shan tuyết. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Hiện nay, diện tích chè Shan tuyết được thâm canh còn thấp, mới đạt 18,6%; có đến 98,7% diện tích chè trồng bằng hạt dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Mặt khác, cơ sở hạ tầng vùng chè chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Việc tổ chức sản xuất chè vẫn chủ yếu là các hộ nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp; chưa tạo ra và gắn kết các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè, hiệu quả sản xuất chưa tương xứng tiềm năng…
Thực tế đặt ra yêu cầu cần thiết trong việc có các giải pháp chiến lược, đồng bộ ở cả 3 khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đó, xây dựng chè Shan tuyết trở thành thương hiệu mạnh, tiếp tục chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới, mang lại nguồn thu nhập ổn định, thịnh vượng cho người sản xuất, kinh doanh chè.
|
Nội dung: Thu Phương – Nguyễn Phương | Thiết kế: Minh Châu