(Tổ Quốc) – Cổ phục là trang phục cổ, một phần không thể thiếu trong di sản văn hóa của mỗi quốc gia, mang đậm dấu ấn lịch sử và bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập và giao thoa văn hoá diễn ra mạnh mẽ hiện nay, việc nhận diện và khẳng định bản sắc cổ phục Việt trở thành một vấn đề cấp thiết.
Việt phục trong dòng chảy văn hóa Á Đông
Không một nền văn hóa nào phát triển mà không chịu ảnh hưởng từ sự giao thoa. Văn hóa Việt Nam, từ xưa, đã không ngừng tiếp thu những tinh hoa từ các nước Đồng Văn (cùng văn hóa, chữ viết, tức là Trung Hoa, Nhật, Hàn và Việt) hay cả Ấn Độ nhưng luôn biết cách điều chỉnh để phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu, và tinh thần dân tộc. PGS.TS. Phạm Ngọc Trung (Giảng viên cao cấp, Nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhấn mạnh: “Không một dân tộc nào còn tồn tại, độc lập, chẳng tiếp xúc với ai mà phát triển được. Văn hóa Việt Nam là thống nhất trong đa dạng. Chính những nét văn hóa của các quốc gia lớn mạnh đã trở thành một bộ phận trong văn hóa Việt Nam.”
Trong vùng văn hoá Á Đông, sự giao thoa mạnh mẽ đã làm xuất hiện khái niệm “đại đồng” – nghĩa là sự giống nhau về những đặc điểm lớn, điển hình như trong các lĩnh vực về trang phục, kiến trúc, hay lễ nghi. Đối với cổ phục, sự giống nhau này phần lớn bắt nguồn từ những trao đổi về kỹ thuật may mặc, chất liệu, hoặc phong cách thiết kế giữa các quốc gia. Giống như áo giao lĩnh – loại áo có phần cổ vắt chéo, phổ biến ở nhiều nước như Việt Nam, Nhật Bản (Kimono), hay Hàn Quốc (Hanbok) – cho thấy rõ sự ảnh hưởng lẫn nhau trong khu vực.
Áo giao lĩnh phổ biến ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. (Ảnh: Internet, Vietnam Centre)
Như vậy, văn hóa như một dòng chảy không ngừng, kết nối giữa các cộng đồng. Sự phát triển văn hóa không thể tách rời khỏi quá trình giao thoa, tiếp biến. Do đó, cổ phục Việt có những điểm tương đồng với các nước trong khu vực Đồng Văn lẽ tất yếu, và cần cái nhìn cởi mở hơn. PGS.TS. Phạm Ngọc Trung đã nhấn mạnh: “Chúng ta nên tự hào về khả năng tổng hợp, tiếp thu và lựa chọn những tinh hoa của văn hóa nhân loại vào trong những cái gọi là bản sắc văn hóa của người Việt, điều mà ông cha ta đã làm thành công”. Điều quan trọng là chúng ta cần nhận diện và khẳng định những giá trị cốt lõi và những nét độc đáo tạo nên bản sắc riêng biệt của Việt phục.
Định vị bản sắc cổ phục Việt
Trong bối cảnh giao thoa văn hóa, người Việt vẫn định hình những chi tiết nhỏ tạo sự khác biệt, được gọi là “tiểu dị”. Điều này không chỉ nằm ở kiểu dáng trang phục, mà còn ở cách người Việt sử dụng và cải biến chúng dựa trên lối sống, phong tục, thẩm mỹ độc đáo. Ví dụ như khuy áo ngũ thân thường sử dụng chất liệu xương, đồng thay vì vải bện như Trung Hoa. Hay việc kết hợp các tập tục đặc trưng như nhuộm răng đen, nhai trầu, đi chân đất… cũng góp phần khẳng định sự khác biệt trong cách thức sử dụng cổ phục Việt so với các nước trong khối Đồng Văn.
Những tập tục đặc trưng tạo nên nét riêng khi người Việt sử dụng cổ phục. (Ảnh: Sưu tầm).
Thực tế là có rất ít người hiểu đúng và đủ về bản sắc cổ phục Việt. Anh Nguyễn Ngọc Phương Đông (thành viên đồng sáng lập nhóm Vietnam Centre) chia sẻ: “Ngoại trừ những người quan tâm tới văn hóa, lịch sử thì hiện nay Việt phục vẫn còn rất ít được biết tới.” Điều này cho thấy cần có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc khẳng định bản sắc và lan tỏa giá trị của cổ phục Việt Nam.
Trước hết, việc củng cố nền tảng văn hóa thông qua nghiên cứu chuyên môn đóng vai trò rất quan trọng. Các nghiên cứu học thuật không chỉ giúp làm rõ nguồn gốc, đặc trưng của cổ phục Việt Nam mà còn cung cấp cơ sở khoa học vững chắc cho việc bảo tồn và phát triển di sản này trong thời đại hiện nay.
Nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Trần Quang Minh Tân nhấn mạnh: “Chúng ta phải có thêm nhiều sân chơi, những buổi gặp gỡ hay những hoạt động mang tính cộng đồng. Trang phục có đất sống thì sẽ tồn tại. Nếu không, nó sẽ dần dần mai một và mất định hướng hoàn toàn.” Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống giáo dục và chính sách nhà nước. Cần đẩy mạnh tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tích hợp nội dung về cổ phục trong lịch sử, mỹ thuật để khơi dậy niềm đam mê văn hóa. Đồng thời, các cơ quan nhà nước nên phối hợp với các nhóm nghiên cứu, nghệ sĩ để đưa cổ phục vào các sự kiện văn hóa quốc gia, quốc tế và khuyến khích mặc cổ phục trong ngày lễ lớn.
Trong kỷ nguyên số, truyền thông đại chúng đã trở thành công cụ mạnh mẽ trong việc lan toả giá trị văn hóa. Điển hình như các nền văn hoá lớn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã tận dụng phim ảnh, truyện tranh, anime để quảng bá văn hóa truyền thống. Từ đó chúng ta có thể rút ra được bài học quý giá trong việc cần nỗ lực tăng cường hợp tác giữa nghệ thuật và giới học thuật, nhằm tạo ra những sản phẩm văn hóa vừa có tính giải trí vừa đảm bảo giá trị lịch sử.
Nguồn: https://toquoc.vn/khang-dinh-ban-sac-co-phuc-viet-20241230141032612.htm