Trước nạn khai thác vàng, phá rừng trái phép diễn ra âm ỉ trong nhiều năm qua tại khu vực bãi Kịt, thôn Kịt, xã Lũng Cao (Bá Thước), các cấp chính quyền và lực lượng chức năng đã và đang khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn, đảm bảo tuyệt đối an ninh rừng và tài nguyên khoáng sản quốc gia.
Lực lượng cứu nạn cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn trong vụ cứu hộ 3 nạn nhân bị ngạt khí do khai thác vàng trái phép tại khu vụ bãi Kịt vào tháng 6-2016. Ảnh: tư liệu
Theo người dân xã Lũng Cao (Bá Thước), tình trạng khai thác vàng, kéo theo phá rừng trái phép tại khu vực bãi Kịt (thuộc thôn Kịt) diễn ra từ nhiều năm qua với mức độ, tần suất khác nhau. Đây là khu vực rừng đặc dụng thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, giáp ranh với thôn Nà Lụt, xã Thành Sơn, huyện Mai Châu (Hòa Bình). Từ trung tâm thôn Kịt đến khu vực này chỉ có thể đi bộ, với thời gian từ 4 giờ đến 5 giờ đồng hồ. Trong khi đó, từ trung tâm của thôn Nà Lụt vào chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Tình trạng đào, đãi vàng tại đây đã diễn ra từ những năm 90 của thế kỷ trước, do Hiền “đầu bạc” cầm đầu và đã được ngăn chặn. Nhiều năm sau đó, tình trạng khai thác trái phép vàng tại đây lại tái diễn gây ra nhiều hệ lụy, mà điển hình là vụ 3 phu vàng tử nạn dưới hang sâu vào năm 2016, lực lượng chức năng đã phải nỗ lực trong nhiều ngày mới đưa được thi thể nạn nhân lên mặt đất.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước Trương Văn Vinh, trong những năm qua huyện Bá Thước và huyện Mai Châu đã có nhiều cuộc họp lên phương án phối hợp, đấu tranh triệt phá, ngăn chặn tình trạng đào đãi vàng và phá rừng trái phép tại khu vực này. Tuy nhiên các đối tượng hoạt động rất tinh vi, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy đuổi.
Cụ thể, từ cuối năm 2020 lực lượng chức năng huyện Bá Thước đã phát hiện 5 đối tượng có hành vi chặt phá rừng, đào đãi đất với mục đích khai thác vàng tại khu vực này. Đến đầu năm 2021, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bá Thước đã khởi tố 1 bị can về hành vi hủy hoại rừng và lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 đối tượng trong vụ án hình sự về hành vi khai thác khoáng sản (vàng) trái phép. Tiếp đó, tháng 5-2021 qua công tác tuần tra, Công an xã Lũng Cao và Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Pù Luông lại phát hiện một số đối tượng tập kết các dụng cụ, máy móc, dựng lán trại, đào, đãi vàng trái phép tại khu vực này. Khi phát hiện có lực lượng chức năng, các đối tượng đã trốn vào rừng, bỏ lại máy móc, công cụ.
Trên thực tế, nguyên nhân của tình trạng đào đãi vàng, kéo theo phá rừng trái phép tại đây rất khó được ngăn chặn triệt để, bởi khu vực xảy ra vi phạm nằm cách xa khu dân cư, giao thông đi lại rất khó khăn. Các đối tượng tham gia đào vàng chủ yếu là người làm thuê, không biết tên người cầm đầu, khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì lợi dụng rừng đặc dụng cây cối rậm rạp để lẩn trốn. Trong khi đó, các đối tượng thường tháo các loại máy móc, thiết bị rồi thuê người dân ở tỉnh Hòa Bình vận chuyển vào khu vực khai thác, sau đó lắp ráp lại. Khi phát hiện, lực lượng chức năng tại tỉnh Thanh Hóa rất khó đưa những máy móc này ra ngoài. Bên cạnh đó, một số đối tượng phụ trách việc quản lý khai thác vàng thường cư trú trà trộn ở nhiều khu vực thuộc tỉnh Hòa Bình gây khó khăn cho lực lượng chức năng phía tỉnh Thanh Hóa. Vậy nên, mặc dù các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đợt truy quét, song tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.
Theo báo cáo của UBND huyện Bá Thước, đầu tháng 2-2023 tại khu vực bãi Kịt lại xuất hiện khoảng gần 20 đối tượng, chủ yếu đến từ các tỉnh ngoài, thực hiện hoạt động đào đãi vàng trái phép. Các đối tượng này tự ý chặt cây, dựng lán trại, đưa máy móc, thiết bị đào, đãi vàng tại nhiều địa điểm thuộc tiểu khu 250 rừng đặc dụng Pù Luông. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, truy quét các đối tượng, với sự tham gia của nhiều lực lượng chức năng. Theo Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Ngọ Đình Hải, hiện các đối tượng đã rút khỏi khu vực này, dừng hoạt động đào đãi vàng trái quy định của pháp luật.
Ngày 25-5-2023 UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, huy động sự vào cuộc của nhiều sở, ngành, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thực hiện hiệp đồng nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi Kịt. Theo đó, kế hoạch nhằm hoàn thành phá hủy các hang, hầm trái phép tại khu vực bãi Kịt trước ngày 12-6-2023, giao UBND huyện Bá Thước phối hợp với các cơ quan, đơn vị và UBND các huyện giáp ranh thuộc tỉnh Hòa Bình thực hiện tuyên truyền, vận động người dân không tham gia các hoạt động khai thác vàng trái phép…
Ngay sau khi ban hành kế hoạch, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý hoạt động khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện Bá Thước do đồng chí Lê Văn Diện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo sẽ tham mưu cho UBND tỉnh phương án, tổ chức lực lượng, phương tiện, hậu cần, y tế để xử lý các hoạt động khai thác vàng trái phép, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đỗ Đức