Trong vòng một tuần (từ ngày 5 đến 12/12) liên tiếp xuất hiện các trường hợp học sinh ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) mắc bệnh tiêu chảy. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên khẩn trương cử cán bộ về hỗ trợ điều tra, khoanh vùng, xử lý ổ dịch.
Căn cứ kết luận điều tra triệu chứng lâm sàng, yếu tố dịch tễ, kết quả xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên khẳng định: Vi khuẩn gây bệnh có tên gọi là Shigella (hay còn gọi là vi khuẩn gây bệnh lỵ trực trùng); những trường hợp mắc bệnh tại Mường Pồn đều nằm trong phạm vi ổ dịch, bởi vậy cần xử lý, hạn chế bệnh lây lan trên diện rộng…
Đưa chúng tôi đến thăm khu vực cách ly, điều trị cho các em học sinh Trường trung học cơ sở Mường Pồn, thầy giáo Nguyễn Văn Tới, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay khi có thông báo kết quả bệnh của học sinh đầu tiên trong trường nhiễm bệnh, Ban Giám hiệu nhà trường đã quyết định sắp xếp, thu dọn toàn bộ đồ dùng trong hai phòng học bộ môn để làm phòng cách ly điều trị cho học sinh. Thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế xã và bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Điện Biên, ngoài hành lang khu vực cách ly điều trị đều căng dây, để biển khu vực cấm vào; học sinh có biểu hiện bệnh, học sinh đã được kết luận mắc bệnh được đưa vào hai phòng điều trị có bác sĩ theo dõi, chăm sóc thường xuyên. Mọi sinh hoạt, ăn, nghỉ của học sinh đều được bố trí riêng tại khu cách ly bảo đảm thuận tiện, an toàn phòng bệnh cho học sinh toàn trường.
Từ trường hợp học sinh đầu tiên mắc bệnh là cháu H.T.D., học lớp 7E, người dân tộc H’Mông ở bản Pá Chả, xã Mường Pồn, đến ngày 13/12, toàn trường đã ghi nhận hơn 20 học sinh là dân tộc H’Mông ở 6 bản gồm: Nậm Ty, Đỉnh Đèo, Huổi Un, Huổi Chan 2, Pá Chả, Pá Sáng mắc bệnh.
Trực tiếp tiếp nhận, theo dõi, chăm sóc, điều trị cho các học sinh tại khu cách ly Trường trung học cơ sở Mường Pồn, bác sĩ Vũ Hồng Vương, Trưởng khoa Truyền nhiễm Trung tâm Y tế huyện Điện Biên, cho biết: Bệnh tiêu chảy do vi khuẩn lỵ trực trùng gây ra thường có thời gian ủ bệnh dài (từ 5-10 ngày), do vậy hiện tại chưa đủ thời gian để khẳng định ổ dịch ở xã Mường Pồn đã chững hay được kiểm soát hoàn toàn. Thêm nữa, đó là môi trường, điều kiện sinh hoạt, ăn, ở của các học sinh chật chội cho nên nguy cơ ủ bệnh, lây nhiễm bệnh tiềm ẩn cao.
Để kiểm soát, khống chế và điều trị bệnh hiệu quả, tổ y tế lưu động cùng cán bộ Trạm Y tế xã Mường Pồn đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, giáo viên Trường trung học cơ sở Mường Pồn và các trường học khác trong địa bàn xã thực hiện nghiêm các biện pháp khử khuẩn, vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ dùng. Với các học sinh đã mắc bệnh được theo dõi, điều trị đúng phác đồ của Bộ Y tế, không để người bệnh tiếp xúc với người chưa mắc bệnh để ngăn chặn nguy cơ cao.
Bác sĩ Bùi Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên cho biết, từ ngày 6 đến hết 12/12, toàn huyện Điện Biên ghi nhận 28 trường hợp mắc bệnh; trong đó, xã Mường Pồn 26 trường hợp, xã Na Tông 2 trường hợp.
Nhận định các yếu tố tiềm ẩn gây bệnh và nguy cơ lây bệnh tại ổ dịch Mường Pồn, ngay khi tiếp nhận các ca bệnh đầu tiên từ Mường Pồn về Bệnh viện huyện điều trị, Trung tâm Y tế huyện Điện Biên quyết định thành lập một tổ y tế lưu động về xã Mường Pồn thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn; thu dung, điều trị bệnh nhân. Tại Trung tâm Y tế huyện duy trì Khoa Truyền nhiễm làm khu cách ly, thu dung điều trị bệnh nhân tiêu chảy do lỵ trực trùng; nhân lực trực tiếp là bác sĩ và điều dưỡng của khoa trực liên tục trong ngày. Cùng với đó, trung tâm đã cử một tổ gồm 5 cán bộ y tế về Mường Pồn cùng với 3 viên chức Trạm Y tế, tám đồng chí dân quân xã Mường Pồn tiến hành phun khử khuẩn các trường học, các bản, các khu dân cư đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh được phối hợp thực hiện đến tất cả các bản ở khu vực trung tâm ổ dịch để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh cho bản thân, gia đình.
Trước đó, vào đêm 24 rạng sáng 25/7 tại trung tâm xã Mường Pồn, đã xảy ra trận lũ quét gây thiệt hại lớn về người, tài sản với tổng thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng. Ngay khi cơn lũ đi qua, ngành y tế Điện Biên đã tăng cường nhân lực về Mường Pồn tiến hành các biện pháp khử khuẩn, vệ sinh môi trường; hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh; đồng thời thường xuyên thông tin cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh dịch do ô nhiễm môi trường sau bão, lũ. Bởi vậy, với việc xuất hiện ổ dịch bệnh tiêu chảy do lỵ trực trùng thời điểm này thì ngành y tế Điện Biên cũng không loại trừ khả năng nguyên nhân do ô nhiễm nguồn nước hoặc ô nhiễm thực phẩm.
Song dù là nguyên nhân nào thì việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức chủ động phòng, tránh bệnh cho nhân dân, học sinh vùng lũ để mỗi người dân là một tuyên truyền viên phòng chống dịch rất quan trọng. Có như thế, công tác khoanh vùng, khống chế ổ dịch ở Mường Pồn lúc này mới hiệu quả; đồng thời phòng, tránh được các bệnh khác có nguy cơ bùng phát khi giao điểm, giao mùa…
Nguồn: https://nhandan.vn/khan-truong-xu-ly-o-dich-benh-tai-muong-pon-post850692.html