Liên tiếp trong các ngày từ 6/2 - 7/2, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) Quảng Trị và chính quyền địa phương đã phát hiện 29 con trâu chết tại xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong và các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên, huyện Đakrông. Một số con đã chết từ cuối tháng 1/2025 với các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tụ huyết trùng. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp và các địa phương đã triển khai các giải pháp ứng phó để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương kiểm tra hiện trường trâu chết tại xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong -Ảnh: L.A
Trạm trưởng Trạm CN&TY liên huyện Triệu Phong - thị xã Quảng Trị Trần Thanh Sơn thông tin, ngày 6/2, sau khi nhận được thông tin từ UBND xã Triệu Ái phát hiện có trâu chết với số lượng nhiều tại rừng của các hộ dân trên địa bàn thôn Kiên Phước, đơn vị đã phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra thực tế và đã phát hiện có 20 con trâu chết nằm rải rác trong rừng ở thôn Kiên Phước.
Qua nắm bắt thông tin, số trâu này nằm trong số 47 con trâu của 7 hộ dân tại xã Ba Lòng, huyện Đakrông nuôi thả rông trong rừng giáp ranh với huyện Triệu Phong. Theo ông Sơn, qua kiểm tra thì một số con trâu đã chết từ khoảng ngày 30/1. Trâu chết có biểu hiện chướng hơi dạ cỏ, lồi hậu môn, xuất huyết mũi, miệng; hạch hầu sưng, dòi phát triển rất mạnh, mùi hôi thối nồng nặc... Với những triệu chứng trên, nhận định trâu bị chết do mắc bệnh tụ huyết trùng cấp tính.
Tiếp đó, ngày 7/2, qua kiểm tra hiện trường, cơ quan chuyên môn tiếp tục phát hiện thêm 4 con trâu chết tại Thôn 5, xã Ba Lòng, huyện Đakrông. Đồng thời, qua khai báo của người dân có thêm 5 con trâu chết gồm: 2 con tại xã Ba Lòng và 2 con tại xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông.
Như vậy, tính đến ngày 7/2, tổng số trâu chết đã được phát hiện là 29 con trong tổng đàn 87 con của 9 hộ dân tại xã Ba Lòng và xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông. Trong đó, 24 con được phát hiện tại xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong và 5 con được phát hiện tại xã Ba Lòng, huyện Đakrông. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, từ các biểu hiện và triệu chứng của trâu chết, nghi ngờ vật nuôi bị bệnh tụ huyết trùng cấp tính.
Ông Trần Thanh Sơn cho biết, ngay sau khi phát hiện trâu chết, đơn vị đã có văn bản đề nghị UBND xã Triệu Ái phối hợp với các ban, ngành liên quan và các hộ chăn nuôi có trâu chết tiến hành tiêu hủy để hạn chế lây lan dịch bệnh. Thông báo cho người dân trên địa bàn biết tình hình dịch bệnh để phối hợp trong công tác phòng chống dịch.
Tiếp tục theo dõi đàn trâu, bò chăn thả trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền Nhân dân đưa trâu, bò thả rông về tại chuồng để triển khai tiêm phòng khẩn cấp nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Tổ chức tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Yêu cầu các hộ có gia súc phát bệnh cam kết nhốt gia súc tại chuồng, không được thả rông ra bên ngoài.
Giám sát tình hình dịch bệnh; hỗ trợ cho các chủ chăn nuôi về phòng chống dịch, chăm sóc nuôi dưỡng, phác đồ điều trị. Đồng thời rà soát, thống kê đàn trâu, bò hiện có trên địa bàn để triển khai kế hoạch tiêm phòng vụ Xuân năm 2025 theo kế hoạch.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc, nguyên nhân trâu chết hàng loạt có thể do đàn gia súc của các hộ dân này chủ yếu được nuôi thả rông trong rừng, không được tiêm phòng các loại vắc xin định kỳ, cộng với thời tiết thay đổi làm sức đề kháng của vật nuôi giảm sút. Hiện tại, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục CN&TY kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm gửi Chi cục Thú y vùng 3 để xác định nguyên nhân, dự kiến sẽ có kết quả trong 3 - 4 ngày tới.
Cũng theo ông Quốc, để nhanh chóng kiểm soát và ổn định tình hình chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện Triệu Phong, Đakrông, Cam Lộ và thị xã Quảng Trị chỉ đạo các địa phương khẩn trương tổ chức tiêu hủy toàn bộ số trâu chết được phát hiện theo đúng quy định.
Tăng cường kiểm tra, giám sát đàn gia súc, phát hiện sớm trâu, bò có biểu hiện bệnh để kịp thời bao vây, xử lý ổ dịch. Hướng dẫn người chăn nuôi thông báo ngay cho chính quyền địa phương, nhân viên thú y xã khi phát hiện trâu, bò có biểu hiện mắc bệnh hoặc bị chết để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống. Rà soát, thống kê tổng đàn gia súc trên địa bàn; chuẩn bị triển khai tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò tại địa phương theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát, bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện trâu, bò bị bệnh, bị chết để phối hợp lấy mẫu xét nghiệm và triển khai các giải pháp phòng, chống; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ vắc xin, vật tư để kịp thời cung ứng triển khai tiêm phòng cho đàn trâu, bò tại các địa phương.
Theo các chuyên gia, bệnh tụ huyết trùng là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây ra trên trâu, bò với các dấu hiệu đặc trưng là tụ huyết, xuất huyết ở các vị trí đặc biệt trên khắp cơ thể. Vi khuẩn thường xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu. Trâu, bò thường mắc bệnh ở 3 thể: ác tính, cấp tính, mãn tính.
Trong đó, phổ biến là thể cấp tính. Bệnh tiến triển 3 - 5 ngày. Tỉ lệ chết lên đến 90 - 100%. Nếu bệnh chuyển sang nhiễm trùng máu thì vật nuôi sẽ chết trong 24 - 36 giờ. Để phòng bệnh cần tiêm phòng vắc xin định kỳ; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, định kỳ tiêu độc, khử trùng; tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi.
Theo Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Nguyễn Trung Hậu, để kiểm soát, phòng chống, hạn chế lây lan dịch bệnh trên đàn trâu, bò, người chăn nuôi cần báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y khi phát hiện trâu, bò bị bệnh. Tuyệt đối không mua, bán trâu, bò bệnh; không giết mổ trâu, bò đã chết không rõ nguyên nhân. Khi phát hiện xác gia súc chết cần báo cáo nhanh và tổ chức chôn hủy theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y.
Đối với các địa phương phát hiện có trâu, bò bệnh cần tiến hành kiểm tra toàn bộ các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn nhằm phát hiện các trường hợp trâu, bò bị bệnh. Cách ly trâu bò bệnh; không vận chuyển, không mổ thịt trâu, bò bệnh và điều trị bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tổng hợp để khống chế, bao vây, dập tắt dịch bệnh trong diện hẹp. Tiến hành tiêu hủy, chôn lấp trâu, bò chết đúng quy trình ngay sau khi phát hiện. Vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, lối ra vào.
Căn cứ vào biểu hiện lâm sàng và các triệu chứng có thể dùng các loại kháng sinh như Streptomycine; Gentamycine; Ampicilline; Tetracycline; Gentatylo, Enrofloxacine... để điều trị với liều lượng và cách theo hướng dẫn chi tiết của nhà sản xuất. Đồng thời bổ sung thêm thuốc hạ sốt, thuốc trợ tim, trợ sức như: Cafein, Anagin C và Vitamin B1, Vitamin C cho vật nuôi để chữa bệnh nhanh và hiệu quả hơn.
Lê An
Nguồn: https://baoquangtri.vn/khan-truong-trien-khai-cac-giai-phap-ung-pho-voi-tinh-hinh-trau-chet-191601.htm
Bình luận (0)