BTO-Chiều 26/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh, lãnh đạo UBND, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN các huyện, thị xã, thành phố tại các điểm cầu.
Đánh giá kết quả thực hiện trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh cho biết, tình hình khí tượng thủy văn ở Bình Thuận diễn biến ít phức tạp hơn các năm trước…
Các cơn bão, áp thấp nhiệt đới hầu như không ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bình Thuận, tuy nhiên các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm như dông sét, mưa lớn cục bộ, nắng nóng, gió mạnh, sóng lớn trên biển và sạt lở bờ biển… đã gây ảnh hưởng nhất định đến đời sống dân sinh và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Qua tổng hợp, năm 2022 thiên tai, sự cố đã làm 63 người chết, tăng 11 người chết so năm 2021, khoảng 222 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái, hơn 4.480 ha nông nghiệp bị thiệt hại, tàu thuyền bị chìm, hư hỏng 44 chiếc… Tổng thiệt hại toàn tỉnh trong năm 2022 trên 33 tỷ đồng.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 42 vụ tai nạn, sự cố trên biển, làm 27 người bị nạn, với 13 phương tiện gặp tai nạn, sự cố. Theo dự báo, năm 2023 ở nước ta nói chung và Bình Thuận nói riêng sẽ diễn biến phức tạp, khó lường.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải yêu cầu UBND các địa phương khẩn trương tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Kiện toàn và củng cố tổ chức Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các cấp.
Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các vùng trọng điểm xung yếu, các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, sạt lở cát tràn, sạt lở bờ biển, vùng mưa to gây lũ, ngập lụt, vùng trũng, vùng hạ du của các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện khi phải xả lũ để xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, điều chỉnh phương án ứng phó sự cố, phương án di dời dân hợp lý theo phương châm “4 tại chỗ”. Chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước tại các khu vực ao hồ, sông suối, hố công trình, bãi tắm ven biển trên địa bàn, nhất là đối tượng trẻ em, học sinh trong thời gian nghỉ hè.
Các địa phương ven biển chủ động rà soát phương án sắp xếp, bố trí neo đậu tàu thuyền và lồng bè phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo an toàn, phòng tránh sự cố; sơ tán di dời dân sang các nơi an toàn cho phù hợp, tránh bị động bất ngờ trong mọi tình huống xảy ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải giao Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cùng các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý cấp bách các công trình, hồ chứa nước xuống cấp, nguy cơ xảy ra sự cố; cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin liên quan đến vận hành hồ chứa và thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và vùng hạ du khi hồ tiến hành xả lũ… Đồng thời, xây dựng kế hoạch tập huấn ứng phó sự cố tràn dầu, tìm kiếm cứu nạn trên biển. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Đài Thông tin duyên hải Phan Thiết nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai, xử lý sự cố hiệu quả trên địa bàn…